Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

Thấm sâu lời Bác

“Gần 20 năm làm phim, tôi đã đi qua nhiều nơi ở Nam bộ, gặp biết bao con người, ghi nhận nhiều câu chuyện về tình cảm đặc biệt của người dân đối với Bác Hồ. Ai từng đến tận nơi, nghe và cảm chắc chắn hiểu được vì sao Di chúc của Bác có sức lan tỏa rộng khắp đến tận hôm nay…”, đạo diễn Thu Trang chia sẻ hành trình làm phim tài liệu Miền Nam thấm lời Bác dạy.

Sức lan tỏa lớn lao

Dài hơn 37 phút, Miền Nam thấm lời Bác dạy của Hội Điện ảnh TPHCM (giải B, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2015-2020 tại TPHCM), là một bộ phim lắng đọng, đúc kết câu chuyện dài của người dân miền Nam sống, học và làm theo lời Bác. Mạch phim dẫn dắt qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử, nhiều thế hệ con người với những câu chuyện đan xen quá khứ và hiện tại.

Theo đạo diễn Thu Trang, trong hành trình cùng biên kịch Kim Ửng, quay phim Trung Hòa thực hiện bộ phim, rất nhiều con người, câu chuyện đã mang lại xúc cảm đặc biệt cho ê kíp. Chị nói, những năm tháng khi đất nước còn chia cắt, Bác luôn đau đáu hướng về miền Nam với ước mong cháy bỏng khi đất nước thống nhất sẽ vào thăm. Trước tình cảm quá đỗi thiêng liêng đó, đồng bào miền Nam có người dẫu chưa một lần được gặp Bác, nhưng vẫn hướng về Người. “Từ những vùng giải phóng, căn cứ cách mạng hay ngay trong vùng chiến sự đang diễn ra ác liệt, bằng tất cả tấm lòng, hơn 30 đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước Cửu Long, ngay trong năm Bác đi xa”, chị nói về những năm tháng đó.

Khi quay bộ phim, đạo diễn Thu Trang nhớ hoài câu chuyện của người dân mảnh đất cù lao Tân Phong (tỉnh Tiền Giang). Ở đó, tận bây giờ vẫn có một cụ già dành nguyên căn nhà lớn trang trọng để sưu tầm mọi thứ liên quan đến Bác. “Mỗi năm, ngoài việc tổ chức cúng tổ tiên, vào ngày 2-9, ông còn làm giỗ Bác. Mà không chỉ ông, người dân khắp xứ cù lao đều dành tình cảm cho Bác nhiều như thế. Nơi bốn bề sông nước cách trở, đất cù lao có sản vật, trái cây gì thì họ gom lại, dâng lên làm đám giỗ Bác. Giản dị vậy đó, mà khiến chúng tôi xúc động vô cùng”, chị Thu Trang chia sẻ.

Di chúc Bác Hồ thật sự có sức lan tỏa rộng rãi khắp miền Nam. Thậm chí, có những người dân ở vùng thôn quê chưa một lần gặp Bác nhưng dành hơn nửa đời người để nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu liên quan, đặc biệt là sống và làm theo Di chúc Bác, như ông Nguyễn Văn Nhung (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). “Bảo tàng” nhỏ về Bác của ông là nơi học sinh các trường thường đến tham quan, tìm hiểu. Tất cả đều được truyền tải qua Miền Nam thấm lời Bác dạy.

Mạch nguồn chưa bao giờ cạn

Mãi đến bây giờ, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nuôi dưỡng, thấm nhuần qua nhiều thế hệ và là mạch nguồn bất tận cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí.

Thấm sâu lời Bác ảnh 1 Hình ảnh trong bộ ảnh “Lực lượng gìn giữ hòa bình làm theo lời Bác” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trung Trực

“Bác ơi! Ngày hôm nay anh em chúng con càng quyết tâm hơn nữa. Dầu phải hy sinh xương máu, cũng sẽ chiến đấu đến hơi thở sau cùng, giành lại tự do cho miền Nam, thống nhất toàn vẹn non sông, đất nước để thỏa theo di nguyện của Bác”. Lời của nhân vật Lợi trong chặp cải lương Bác ơi! của chị Nguyễn Thị Phương Linh (25 tuổi, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bình Chánh, TPHCM) cũng là lời thấm thía của nhiều thế hệ, từ xưa đến nay.

Chặp cải lương vừa đoạt giải A của giải thưởng; nội dung xoay quanh 5 nhân vật: má Sáu, Huệ, Bình, Lợi, Út - những người con của ấp Tân Hòa. Tác phẩm chủ yếu tập trung thể hiện niềm tiếc thương vô hạn, tình cảm trân quý của đồng bào miền Nam khi hay tin Bác ra đi. Để từ đó biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm chiến thắng kẻ thù, tiếp tục công cuộc cách mạng của dân tộc, vươn lên xây dựng quê hương thỏa theo di nguyện Người trước lúc ra đi.

Qua tác phẩm, Phương Linh muốn nhấn mạnh, những người trẻ hôm nay mãi luôn dành tình cảm cao quý với Bác, tự hào những gì người đi trước để lại và tiếp tục đem sức mình gìn giữ, xây dựng quê hương. Linh mạnh dạn chọn thể loại chặp cải lương, bởi muốn góp sức nhỏ mang nghệ thuật cải lương đến gần với mọi người, đặc biệt giới trẻ. Tác phẩm đã được biểu diễn trong một chương trình biểu diễn ở huyện Bình Chánh, ở Đại học Sư phạm TPHCM. Vì là thể loại đặc biệt, Linh cho biết sắp tới sẽ hướng đến phạm vi sân chơi cải lương các trường đại học, nhà văn hóa, các trường THPT.

Trong hành trình ghi nhận các hoạt động của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 khi lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trung Trực (Hội Nhiếp ảnh TPHCM) chứng kiến nỗ lực không ngừng của các y, bác sĩ. Đó là hành trình thực hiện sứ mệnh vì hòa bình như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Liên hiệp quốc năm 1946, bước ngoặt lịch sử đánh dấu quá trình hội nhập và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam với thế giới. Bộ ảnh Lực lượng gìn giữ hòa bình làm theo lời Bác ra đời, nêu cao phẩm chất cách mạng, tu dưỡng đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ được giao, như mong muốn của Bác góp sức cùng lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế xây dựng một cộng đồng hòa bình thịnh vượng.

Trong giai đoạn phát triển, hội nhập hiện nay, chính các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí tôn vinh những giá trị thấm sâu đã lan tỏa hơn nữa lời Bác dạy, tăng tính thuyết phục, hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục