
Khai thác than đá trong một hầm than ở Mỹ.
“Vàng đen” của tương lai không còn là dầu lửa nữa mà là than đá. Sau khi bị lãng quên ở nửa cuối thế kỷ 20 do tác động của dầu lửa, sự trở lại ngoạn mục của than đá đang từng bước được ghi nhận. Cùng với nguồn nhiên liệu khác là gas, than đá sẽ đóng vai trò chủ đạo trên thế giới. Theo phân tích của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đây là hai nguồn nhiên liệu tuy không mới nhưng sẽ đảm bảo cho tương lai của chúng ta và sẽ chiếm tới 85% nhu cầu thế giới trong năm 2050. Có thể phân tích như sau:
Dầu lửa: Cú sốc giá dầu lần thứ 3 trên thế giới (xảy ra vào năm 2005) tuy không tàn nhẫn bằng hai lần trước (1973 và 1980) nhưng cũng đủ khiến các nhà phân tích sớm kết luận về việc đang dần đến lúc chấm dứt thời kỳ của dầu.
Cũng có người, như Tổng Giám đốc Công ty Dầu quốc gia Saudi Aramco Abdullah S.Jum’ah chẳng hạn, không đồng ý với ý kiến này. Theo ông, thế giới mới chỉ tiêu thụ có 18% tiềm năng dầu lửa, tức 1.000 tỷ thùng dầu trên tổng dự trữ 5.700 tỷ, mức dự trữ đủ để thế giới tiêu thụ trong 540 năm tới với tốc độ hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Học viện Dầu lửa Pháp O.Appert cho rằng những đánh giá này không ngăn cản chúng ta phải nghĩ đến việc chuyển giao năng lượng. Những vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi kịch liệt, nhất là từ phía các nhà địa chất dầu lửa của Hiệp hội nghiên cứu giá dầu và gas (ASPO), những người dự đoán sản lượng dầu thô sẽ giảm dần trong vài thập niên tới. Có điều chắc chắn là nguồn dự trữ đang cạn dần.
Bất chấp việc các mỏ dầu tiềm năng gần đây được tìm thấy ở vịnh Mexico, dầu dự trữ cũng chỉ tăng 1%/năm (trong khi con số này ở những năm 1980 là 4,5%) và những thùng dầu tìm thấy từ năm 1999 chỉ bù được 45% lượng dầu đã tiêu thụ trong thời kỳ này.
Trong khi đó, tất cả 11 thành viên của tổ chức này vừa nhất trí phối hợp cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 tới. Đáng chú ý là các con số về sản lượng khai thác công bố thường được nói quá lên, nhiều khi do ảnh hưởng của chính trị, các thông số kỹ thuật thì luôn là bí mật quốc gia.
Gas: Vẫn đang trên đà phát triển. IEA cho rằng việc tiêu thụ gas sẽ tăng lên 138% từ nay đến năm 2050 vì đây là nguồn nhiên liệu quan trọng nhất để nuôi dưỡng các nhà máy điện. Một thời gian dài bị chia cắt theo thị trường khu vực (Á, Âu và Bắc Mỹ) vì lý do không thuận tiện trong việc vận chuyển các đường ống, nay gas đang được toàn cầu hóa nhờ các dự án hóa lỏng gas (GNL) khổng lồ ở Nga, Qatar và Iran (chiếm 60% dự trữ gas thế giới).
Dự kiến năm 2030, phân nửa việc mua bán gas sẽ diễn ra dưới hình thức GNL. Có điều là trái với than, gas lại tập trung nhiều ở các nước thiên về quốc hữu hóa năng lượng (Venezuela, Nga, Bolivia…).

Tại một mỏ than ở Trung Quốc.
Than đá: Vẫn được coi là “vua than” trên thế giới, bất chấp lượng khí CO2 thải ra cao gấp hai lần so với gas. Giữa những năm 1970 và 2004, nhu cầu than đã tăng 110% (trong khi dầu là 49%). Theo IEA, nếu không có đột biến, theo đà này, nhu cầu dùng than sẽ tăng gấp 3 từ nay đến năm 2050.
Mức dự trữ của than cũng rất lớn: 910 tỷ tấn, đủ cho 155 năm sản xuất, trong khi với tốc độ hiện nay, dầu chỉ còn đủ cho 45 năm và 60 năm đối với gas (đánh giá của BP). Còn một ưu điểm khác: than hiện diện khắp nơi, còn dầu và gas thì lại có phần lớn ở các vùng bất ổn chính trị. Có nhà công nghiệp đã nhận xét bằng việc cắt gas của Ukraine và châu Âu, Tổng thống Nga Putin vô hình trung đã quảng bá cho than đá. Một đặc điểm nổi trội nữa: than đá không quá đắt.
Hơn 40% điện trên thế giới được sản xuất từ than (20% từ gas, 16% từ hạt nhân). P.Joubert, Tổng giám đốc tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất tuốc bin cho các nhà máy chạy than Alstom Power, cho biết sau cú đột biến giá gas trong những năm 1990 ở Mỹ, than đá tìm lại được vị trí trung tâm mà nó đã từng có trong bản đồ năng lượng. Alstom Power hiện đang tìm kiếm thêm nhiều nguồn cung cấp than, nhất là ở châu Á.
Những bất lợi của than:
Bất lợi lớn nhất trong sử dụng than, khiến cho loại nhiên liệu này “mất điểm” trong các cuộc cạnh tranh với những nguồn nguyên liệu khác là thải ra nhiều CO2, dẫn đến việc cái giá phải trả cho mức độ ô nhiễm cao hơn.
Than cũng là nguyên nhân gây bệnh, phần lớn là các bệnh về phổi. Dự kiến 2/3 trong số nhà máy sản xuất điện từ than công suất 1.400 gigawatt sẽ được thiết lập tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2030. ở những nước đang phát triển, các nhà máy sản xuất điện từ than thải ra CO2 cao hơn 20% so với các nước trong khối OCDE (Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển).
Để than đá thành nguồn sinh lợi có giá trị như ước tính, các nhà đầu tư, khai thác cần nghiên cứu chế biến thành than sạch. Nền công nghiệp phát triển của châu Âu cho phép châu lục này đi đầu trong việc phát triển công nghệ xử lý khí CO2.
Theo Tổng giám đốc BP John Browne, các nước tiên tiến cần nghiên cứu kỹ làm thế nào, bao giờ là thích hợp nhất để thực hiện các phương án chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Nếu không, các nước giàu sẽ bị lên án là tìm được nguồn nhiên liệu đáp ứng được các nhu cầu năng lượng nhưng lại bỏ quên các quốc gia cung cấp, khi họ vẫn phải dùng đến các công nghệ lạc hậu để khai thác, chế biến. (Theo Le Monde)
VIỆT KHUÊ