
Tự khởi thủy đến giờ, bờ rào đá là một thực thể không thể thiếu được trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông. Nó đánh dấu chủ quyền đất đai; ngăn trâu bò, lợn gà vào ruộng, vườn phá hoại hoa màu, lúa ngô. Bờ rào đá cũng là chốn hẹn hò, nơi tối tối vang lên tiếng khèn, đàn môi, kèn lá mê đắm của những chàng trai Mông đa tình…
Trẻ con người Mông mới ba, bốn tuổi đã phải nhập tâm bài học cuộc đời – xếp bờ rào đá. Ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), có một người đàn ông từ gần ba chục năm nay, ngày ngày vẫn miệt mài đi khắp bản khắp mường dạy lũ trẻ xếp những viên đá tai mèo sắc nhọn cho vững, cho đẹp để làm bờ rào đá giữ đất, giữ hồn. Ông là Thào Mí Giàng (SN 1944) ở xóm Tả Lủng xã Tả Lủng huyện Đồng Văn.
Ông thần... một mắt

“Thần đất” Thào Mí Giàng đang hướng dẫn cậu bé Già Mí Sá (5 tuổi) xếp bờ rào đá.
Mất gần 3 tiếng đồng hồ bước thấp bước cao trên con đường uốn lượn giữa một bên là núi đá tai mèo lởm chởm, một bên là vực sâu hun hút, chúng tôi mới vào đến trung tâm xã Tả Lủng. Nhà của ông Thào Mí Giàng nằm ở lưng chừng một quả núi, nhìn xuống trụ sở UBND xã và trường học – một dãy nhà gạch xây vuông vắn, lợp tôn.
Cơn mưa rả rích suốt cả ngày đã giữ Thào Mí Giàng ở nhà đánh bạn với những ống trúc làm khèn và cho chúng tôi may mắn diện kiến người đàn ông được mệnh danh là “thần đất” này ngay lần đầu tìm gặp, chứ không thì “ông ấy đi suốt ngày, chả biết đâu mà tìm” – bà Vàng Thị Mỵ (53 tuổi), vợ ông, nói về thói quen của chồng như thế.
Chiều xuống ở miền ải Bắc đầy đá tai mèo xám ngắt này, ngày nào cũng se sắt lạnh như mùa Đông. Thế nên cái bếp củi trong nhà luôn bập bùng lửa. Lửa sưởi ấm đôi tay, hồng đôi má, làm bắp ngô nướng thêm thơm, bát rượu ngô thêm nồng. Chờ cho bặt những tiếng xuýt xoa vì lạnh của khách, Thào Mí Giàng, mới nheo nheo con mắt còn lại, bắt đầu câu chuyện…
Người Mông có tập quán sống trên những đỉnh núi đá lạnh. Đến đâu, cứ thấy những tường rào đá cao bao bọc quanh nhà, những hốc đất nho nhỏ chon von trên vách đá được chặn lại bởi những cục đá tai mèo sắc nhọn để ngăn đất khỏi bị rửa trôi vào mùa mưa…, đấy chính là nơi cư trú của người Mông. Người Mông, ai mà chẳng biết xếp đá. Nhưng, để xếp đá giỏi và chắc chắn thì đòi hỏi cả một sự nỗ lực từ bàn tay và khối óc.
Từ ngày còn lũn cũn như bó củi, vốn lanh lợi, sáng dạ, lại chăm chỉ học nên Thào Mí Giàng đã biết xếp bờ rào đá vững và đẹp lắm. Mê đá đến độ năm 1966, lên đường làm bộ đội tình nguyện ở sư đoàn 41, cầm súng chiến đấu tại chiến trường Bắc Lào, đơn vị dừng chân ở vạt rừng nào, Giàng cũng đi nhặt đá về xếp, vừa để giải trí, vừa để vơi nỗi nhớ nhà. Trong một trận truy kích địch, bị thương, hỏng mất một con mắt bên trái nên năm 1972, anh thương binh hạng 4/4 Thào Mí Giàng phục viên, về làm nhân viên Ủy ban kiểm tra Đảng huyện Đồng Văn.
Giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” nên chẳng mấy chốc, Giàng đã trở thành hạt giống đỏ. Sau khi khăn gói xuống Hà Nội học 18 tháng tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc để lấy bằng sơ cấp lý luận chính trị, trở về, Thào Mí Giàng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn. Trong những chuyến đi công cán xuống bản, không chỉ nói lọt lỗ tai, ông còn quần xắn quá gối cùng bà con lên nương, xuống vực, khi vun hốc đất trỉa ngô, lúc chỉ bảo bà con cách làm chuồng trại sạch sẽ, thoáng đãng cho trâu, bò, dê, ngựa…; thế nên cán bộ Giàng luôn được đồng bào yêu quý.
Năm 1981, Thào Mí Giàng trở về quê nhà cáng đáng cương vị Bí thư Đảng ủy xã Tả Lủng. Nhìn những bức tường đá xiêu vẹo, chỉ chực đổ ụp xuống khi có gió mạnh; những hốc đất trên núi đá có nguy cơ trôi tuột vào mùa mưa bởi lối xếp đá tạm bợ, Thào Mí Giàng xót ruột lắm: “Mất đất thì lấy đâu ra ngô mà ăn, rồi lại đói cái bụng mất thôi”. Phải chỉ cho mọi người cách xếp đá cẩn thận, nghĩ vậy nên cứ có thời gian rảnh rỗi, Giàng lại đi khắp xã, cùng bản, khi tạt vào vườn một nhà nằm bên đường, lúc lên nương lúa trên lưng chừng núi cao, khi xuống nương ngô giữa thung sâu hung hút… để dạy bà con, nhất là lũ trẻ cách xếp đá. Ông phấn khởi nhất là mỗi khi truyền được cho lũ trẻ niềm vui thích chơi xếp đá, bởi: “Nếu ngày bé chúng đã xếp được rồi thì lớn lên nhất định sẽ xếp chắc và đẹp”.
Trước tiên là công việc chọn đá. Đá tai mèo hòn to bè, cục nhỏ nhọn nằm ngổn ngang khắp núi đồi, nhặt những hòn có góc cạnh, tập kết về nơi định xếp bờ rào. “Cẩn thận ngay từ lúc chọn đá thì mình vừa tiết kiệm được công sức vận chuyển, mà lúc xếp cũng nhanh và thuận tiện hơn” – ông Giàng vừa giảng giải vừa cầm tay chỉ việc cho cậu bé Già Mí Sá (5 tuổi) xếp lại bờ rào đá trước cửa nhà vừa bị trâu húc đổ.
Những hòn đá đủ kích cỡ, hình dạng ấy phải xếp làm sao cho chúng ôm lấy nhau, hòn nọ đỡ viên kia vững vàng tạo thành một bức tường cao nhiều khi đến 3m mà không đổ và không có bất cứ chất kết dính nào. “Phải tinh ý. Xếp hai hòn đá hình tam giác đấu hai đầu vát vào nhau thì tạo thành một bệ đỡ cho viên nằm trên. Cứ bình tĩnh và cẩn thận làm theo lối hai đỡ một, hòn lồi chèn viên lõm ấy mà dần dần dạy đá choãi, chân vươn vai thành những bờ rào gọn, vững và đẹp” – Thào Mí Giàng đúc kết.
Cũng chính vì đã dạy biết bao thế hệ người Mông ở Tả Lủng biết xếp bờ rào đá giữ đất trồng trọt, canh tác nên Thào Mí Giàng được đồng bào nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến: “Thần đất”.
Hoa trên đá

Bờ rào đá, nơi hẹn hò, tụ họp vui chơi của trai gái người Mông.
Ngay từ những năm mới về nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tả Lủng, chính Thào Mí Giàng đi đầu trong việc vực lại trường học để dạy cái chữ cho bà con. Chả là lúc ấy, trường học của xã mới có 4 phòng học tranh tre nứa lá, 8 thầy cô giáo ở dưới xuôi lên, không chịu được điều kiện sống buồn khổ nên lần lượt bỏ về. Không có cái chữ thì muôn đời cái dạ người Mông không sáng ra được, rồi lại không biết làm ăn sẽ đói khổ thôi.
Hiểu thế, nên một mặt Thào Mí Giàng hiến 40m2 đất của gia đình để mở rộng trường; rồi vận động bà con góp công góp của xây dựng khu trường học rộng rãi, sạch sẽ. Không có giáo viên, chính ông trở thành thầy giáo nghiệp dư, không lấy một đồng tiền công. Ngơi việc Đảng, ông lại xăng xái vào đứng lớp. Giúp bà con học đánh vần, viết chữ, làm toán… “Cái gì có lợi cho bà con thì mình phải làm chứ. Làm vì bà con, cũng là cho con cháu mình hưởng mà” - Thào Mí Giàng tiếp tục mạch chuyện bằng tiếng Kinh rất sõi của mình.
Cả đời lấy việc giúp người làm vui nên có lẽ nhờ đó mà ông vượt qua được nỗi đau của chính mình. Lăn lộn với những trận chiến đấu khốc liệt thời chiến tranh đã khiến chất độc da cam/dioxin nhiễm vào người Thào Mí Giàng. Lấy vợ năm 1982, ông đau đớn đến chết đi sống lại khi 2 đứa con tật nguyền ra đời, quặt quẹo sống đến 3 tuổi rồi lần lượt lìa đời. Lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ bảo: “Giàng bị nhiễm chất độc da cam rồi, đẻ con không nuôi được đâu”, ông như thấy đất trời điên đảo.
Khát khao được làm cha nhưng khi biết bệnh tật của mình, Giàng quyết tâm không để vợ sinh nở nữa. Không có con đẻ, ông vượt qua những đàm tiếu của người đời, đón hai người con riêng (một gái, một trai) của vợ về chung sống dưới một mái nhà. Hiện tại, ông đang sống hạnh phúc cùng vợ, 2 cặp vợ chồng của con gái và con trai riêng của vợ và 5 cháu ngoại. Những người con, cháu không mang họ Thào nhưng luôn được sống trong sự thương yêu rất mực của ông. Và Thào Mí Giàng còn có cả một bầy con, cháu - những đứa trẻ ở Tả Lủng - vẫn ngày ngày quấn quýt bên ông học cách làm bạn với những bờ rào đá…
Tôi rời ngôi nhà lúp xúp ấy khi bóng chiều cạn. Bên trong bờ rào đá vững vàng và đẹp mắt, luống rau rền nở đỏ rực, luống cải trải hoa vàng ruộm làm mềm cả những lớp lớp đá xám lạnh ken đầy. Đám hoa dại thân leo còn xuyên qua những kẽ hở nơi bờ rào đá, nở những nụ hoa tinh khiết và tươi đẹp lạ kỳ như chính nụ cười đôn hậu của Thào Mí Giàng.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG