Thận trọng chọn lọc đối tác đầu tư

Lo ngại thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó về đích khi số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013; tác động của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc, lớn đến mức nào? Đó là những vấn đề PV Báo SGGP đặt ra với GS-TSKH NGUYỄN MẠI (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI.
Thận trọng chọn lọc đối tác đầu tư

Lo ngại thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó về đích khi số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013; tác động của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc, lớn đến mức nào? Đó là những vấn đề PV Báo SGGP đặt ra với GS-TSKH NGUYỄN MẠI (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI.

* Phóng viên: Thưa ông, những diễn biến phức tạp trên biển Đông và số liệu về FDI 6 tháng đầu năm đang khiến một số người lo ngại FDI sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, ông nghĩ sao?

* GS-TSKH NGUYỄN MẠI: Tôi cho rằng dù nhận định có thể còn khác nhau, nhưng tác động tích cực của FDI đối với nền kinh tế là không thể phủ nhận. Rõ ràng FDI đã giúp cho Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông nghèo đến nay tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 70,5%. Vĩnh Phúc ở thời điểm tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú thu nộp ngân sách được khoảng 100 tỷ đồng/năm; Phú Thọ khoảng 320 tỷ đồng/năm. Năm 2013, dù huyện Mê Linh đã được nhập về Hà Nội, nhưng nhờ thu hút FDI tốt nên Vĩnh Phúc vẫn nộp ngân sách được 16.000 tỷ đồng, gấp 160 lần. Trong khi đó Phú Thọ thu nộp ngân sách được khoảng 3.000 tỷ đồng, chỉ tăng 10 lần.

Về những lo ngại dòng vốn FDI sẽ sụt giảm mạnh, tôi cho là quá sớm. Bởi vì con số đăng ký thường chưa nói lên gì nhiều. Với giấy chứng nhận đầu tư 1 tỷ USD vừa được trao cho Samsung, số liệu thống kê tháng tới chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng số vốn giải ngân mới thực sự nói lên nhiều điều. Đến nay vốn giải ngân vẫn duy trì ổn định, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, khoảng 15 tỷ USD/năm.

* Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây cho rằng những ưu đãi tài chính không giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp FDI?

* Có thể tạm chia ra 2 loại đầu tư. Một là của DN nước ngoài loại nhỏ và vừa (chiếm 15.000 trong số 16.000 dự án đang hoạt động, tính tròn). Dự án của các doanh nghiệp này thường có quy mô vốn dưới 10 triệu USD, số lao động dưới 500 người. Các nhà đầu tư dự án loại này thường coi trọng những ưu đãi miễn thuế, miễn thuê đất… với mong muốn thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận sớm để hoàn lại khoản vốn đã vay để đầu tư. Nhưng các tập đoàn lớn xuyên quốc gia (TNC) thì khác, họ làm gì cũng phải thống nhất với chiến lược phát triển toàn cầu của tập đoàn “mẹ” (vì thế trong quá trình lựa chọn, thuyết phục những đối tác này đầu tư kinh doanh, khâu tìm hiểu chiến lược của họ là rất quan trọng). Đối với TNC thì giới thiệu dự án phù hợp với chiến lược của họ và chuẩn bị tốt quá trình đàm phán là quan trọng nhất. Khi đi vào thực hiện, tôi cho cách mà ta đang làm với Samsung là rất hiệu quả.

Để giải quyết nhanh chóng các vấn đề của nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định lập một tổ công tác đặc nhiệm (do ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài làm Tổ trưởng), phía Samsung có một vị phó tổng giám đốc, thường xuyên ngồi lại cùng nhau để giải quyết ngay những vướng mắc xảy ra. Với 6,8 tỷ USD và trong tương lai còn nhiều kế hoạch lớn nữa, Samsung đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và thành công nhất tại Việt Nam. Mỗi tháng, quỹ lương mà nhà đầu tư này trả cho lao động Việt Nam lên đến khoảng 450 tỷ đồng. Chỉ riêng lượng thực phẩm tiêu thụ cho công nhân tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam cũng rất đáng nể: 9 tấn gạo, khoảng 10.000 quả trứng một ngày!

* Quan hệ thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình biển Đông đang phức tạp như hiện nay đã được đề cập đến tại nhiều cuộc hội thảo. Nhưng nhìn ở góc độ đầu tư, ông nhận xét thế nào?

* Phải nói rằng trong khối BRICS (5 nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - PV) thì Trung Quốc có sức mạnh kinh tế lớn nhất. Trung Quốc không chỉ là một trong những nước tiếp nhận FDI nhiều nhất, mà còn đang gia tăng nhanh chóng đầu tư ra nước ngoài. Và hoạt động đầu tư ra nước ngoài không chỉ vì lợi ích kinh tế, nó còn là “vũ khí” để Trung Quốc sử dụng khi cần thiết. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhiều kịch bản, kể cả những kịch bản cực đoan nhất – cho dù ít khả năng xảy ra – để chuẩn bị ứng phó.

* Ông có thể nói rõ hơn về tính chất, mức độ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay?

* Tính đến ngày 20-5-2014, Trung Quốc (không tính Hồng Công và Ma Cao) có 1.029 dự án FDI tại Việt Nam, với vốn đăng ký 7,8 tỷ USD, chiếm 3% tổng vốn FDI đăng ký, bằng 1,4% vốn đầu tư ra nước ngoài của nước này. Trong đó, khu vực chế tác, điện lực có vốn đăng ký 6,1 tỷ USD, chiếm gần 80%… So với FDI của hai nước Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc thì quy mô bình quân vốn của dự án FDI từ Trung Quốc chỉ bằng 1/3; chưa có dự án quy mô lớn, công nghệ cao tác động đến tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu, như Samsung, LG của Hàn Quốc hay Canon, Toyota, Honda của Nhật. Còn nếu tính riêng 5 tháng đầu năm 2014, FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ có 36 dự án quy mô nhỏ, với vốn đăng ký 130 triệu USD, có thể do những khó khăn nội tại của nền kinh tế này. FDI của Trung Quốc tại nước ta trong nửa đầu năm 2014 giảm sút cũng có thể do những nguyên nhân khác gắn với quan hệ chính trị giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề biển Đông.

Theo tôi, có thể một phần FDI của Hồng Công tại Việt Nam là của doanh nghiệp Trung Quốc, rất khó nhận diện chính xác. Đơn cử, một trong những dự án FDI quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc tại nước ta là Khu chế xuất Linh Trung (TPHCM) được thành lập năm 1992, lúc đầu được đăng ký đầu tư từ công ty Hồng Công, nhưng chỉ khoảng 1 năm sau khi được cấp phép đầu tư, công ty của Hồng Công này đã làm thủ tục chuyển nhượng cho công ty quốc doanh Trung Quốc và chuyển đổi thành khu công nghiệp. Ngoài ra, điều đáng lưu ý là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và cá nhân người Trung Quốc thông qua người Hoa và người Việt để trồng lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản không qua con đường chính thức, được coi là “đầu tư chui”, bất hợp pháp đã phát hiện ở nhiều địa phương. Do đó, mọi động thái trong lĩnh vực đầu tư với đối tác này cần được các cơ quan có trách nhiệm theo dõi sát sao và có cách ứng xử kịp thời, thích hợp.

* Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục