Thận trọng nhưng đừng chậm chạp

Việc Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) vừa quyết định công bố công khai hàng loạt tổ chức, cá nhân có liên quan trong Hồ sơ Panama trên mạng Internet đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.
Thận trọng nhưng đừng chậm chạp

Việc Hiệp hội Các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) vừa quyết định công bố công khai hàng loạt tổ chức, cá nhân có liên quan trong Hồ sơ Panama trên mạng Internet đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Đáng chú ý hơn, trong số các tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ trốn thuế và gian lận này có tới hơn 200 cái tên tiếng Việt. Cụ thể, tài liệu này công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian, 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ chủ yếu là tại Hà Nội và TPHCM... Vì thế mà người dân không khỏi ngỡ ngàng và dành sự quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên ngay sau khi danh tính các tổ chức, cá nhân Việt Nam được ICIJ công bố có trong Hồ sơ Panama thì nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đã lên tiếng khẳng định việc lọt vào danh sách này là hoàn toàn bình thường và không có nghĩa cứ có tên trong hồ sơ “đen” này là vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, phản ứng với một thái độ bình thường, thậm chí là xem nhẹ của một số cá nhân, tổ chức khi có tên trong Hồ sơ Panama cũng là rất bình thường và là lẽ tất nhiên vì chẳng mấy ai lại tự thừa nhận mình có sai phạm.

Hồ sơ Panama chứa hơn 11,5 triệu tài liệu của hãng luật Mossack Fonseca là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử. Ảnh minh họa

Trong khi đó, phía các cơ quan chức năng lại bày tỏ thái độ thận trọng rất cao trước những thông tin liên quan tới cá nhân, tổ chức của Việt Nam trong hồ sơ gây rúng động toàn cầu này.

Trả lời báo chí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, Cục Chống tham nhũng có biết thông tin về Hồ sơ Panama được công bố, trong đó có tên của nhiều cá nhân, tổ chức người Việt Nam nhưng vẫn theo dõi và nắm bắt tình hình vì đây là thông tin chưa chính thống. Do đó, Cục Chống tham nhũng có kiểm tra hay không thì đến nay vẫn chưa làm vì phải có chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Còn lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan nên chưa thể cụ thể được. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra thông tin được ICIJ công bố và sẽ có báo cáo sau. Về phía Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao các đơn vị chức năng rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Phản ứng thận trọng của các cơ quan quản lý trong nước đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan tới nước ta trong danh sách mà ICIJ công bố là hoàn toàn hợp lý, khi mà nhiều thông tin còn chưa được xác thực cụ thể và chính xác. Bởi nếu không sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hoạt động kinh doanh của những tổ chức, cá nhân có tên, điều này cũng đồng nghĩa với việc gây ra những tác động xấu tới kinh tế. Vì thế, chúng ta phải bình tĩnh để có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đến chính sách về thuế, ngân hàng.

Cũng cần nói thêm, sau khi ICIJ công khai Hồ sơ Panama, cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trên thế giới đã sẵn sàng chuẩn bị điều tra, rà soát những tổ chức, cá nhân có tên liên quan để phát hiện và xử lý những trường hợp gian lận thuế, rửa tiền. Do đó, trong bối cảnh mà tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, tội phạm kinh tế diễn biến tinh vi gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, sự phát triển của đất nước, việc Hồ sơ Panama được công bố trong đó có nêu nhiều cá nhân, tổ chức Việt Nam, thì người dân, dư luận xã hội rất mong muốn và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc quyết liệt làm cho rõ ràng, công khai minh bạch, tránh thận trọng quá mức sẽ gây ra những suy đoán, phán ứng tiêu cực của dư luận xã hội. Việc làm này cũng thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng, rửa tiền, góp phần mang lại niềm tin nhiều hơn nữa cho nhân dân.


NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục