
Cuộc hội thảo khoa học “Văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp đổi mới”, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng và Viện Nghiên cứu văn hóa phối hợp tổ chức vào tháng 5 này, quy tụ không chỉ các học giả trung ương, mà cả mấy chục nhà sưu tầm, nghiên cứu trong cả nước và địa phương (đang tham dự trại viết và lớp tập huấn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại thị xã Cao Bằng), đã mang lại cho người nghe nhiều tri thức mới mẻ về văn hóa dân gian, xa là của các dân tộc bản địa miền núi phía Bắc, gần là của tộc người Tày- Nùng; như những tham luận về tập tục tang ma, về các làn điệu, thời điểm và phong cách hát Then, hay di sản văn học Nôm- Tày quý báu chưa được khai thác hết…
Trước kia, tôi tưởng chừng như mình cũng đã có được một sự hiểu biết nào đó, từ những năm sơ tán ở Lạng Sơn, từng có biết bao phiên chợ Kỳ Lừa, bọn thanh niên Tây Nguyên chúng tôi mắt tròn mắt dẹt mê mẩn đứng nghe trai gái hát lượn ven hông chợ. Hay buổi chiều ở Nà Rì, trong chuyến hành trình xuyên Việt với hãng Toyota, suýt xoa với điệu lượn Nàng ới, câu hát Giá hai của một em gái Tày áo chàm nhung xanh duyên dáng… Vậy mà hóa ra Cao Bằng còn mang trong mình biết bao nhiêu điều kỳ thú về một nền văn hóa khá là riêng biệt và độc đáo.

Suối Lênin ở Cao Bằng.
Nhưng cũng chính từ những cuộc tham quan, hội thảo và những tấm lòng trân trọng, nâng niu giữ gìn - phát huy vốn văn hóa truyền thống tộc người đau đáu ấy, lại ám ảnh đến thao thức trong tôi bởi sự nuối tiếc cho một kho tàng tuyệt đẹp của văn hóa dân gian, văn hóa lịch sử của Cao Bằng chưa được khai thác hết để phục vụ đời sống con người, lẫn tăng thu nhập cho một vùng đất biên ải vốn là cái nôi của những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ thuở Đại Việt ta lập nước, đồng thời với những cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp khó lòng bỏ qua của “non xa xa nước xa xa”.
Qua hội thảo, chúng tôi biết rằng một năm Cao Bằng có tới 120 lễ hội. Chỉ riêng người anh hùng áo chàm Nùng Trí Cao đã có tới ba lễ hội tưởng niệm ở ba nơi: Sóc Giang- Hà Quảng, Kỳ Sầm- Hòa An và hội Pháo hoa- Quảng Uyên đều vào tháng Giêng âm lịch. Vậy mà sự vắng hoe và hoang vu ở đền Kỳ Sầm thờ cả gia đình Nùng Trí Cao, hay chùa Viên Minh với hai chiếc chuông cổ cao tới 2m, có bia ký từ thời nhà Lê và nhà Mạc, ngay cả ở hang Ngườm Ngao đẹp đến sững sờ với những hình dạng biến ảo huyền diệu của thạch nhũ (khác hẳn với sự đông đúc đến kỳ lạ ở động Tam Thanh- Lạng Sơn)… khiến những người làm công tác nghiên cứu văn nghệ dân gian chúng tôi đều mãi không cất ra khỏi tâm trí sự bùi ngùi cứ len lỏi tận thẳm sâu.
Không biết vì sao mà mấy ngày trên con đường trở lại Cao Bằng những ngày đầu tháng 5, tâm trí tôi cứ vấn vương lời một bài ca “…Về Sông Bằng mùa xuân phong lan xanh mộ Kim Đồng, về Pắc Bó nghe Khuổi Nậm hát ca…”. Có phải tại bởi trong chuyến đi này, tôi mới được vào thắp nhang tận mộ anh Kim Đồng và vào động Ngườm Ngao, những nơi mà ba năm trước, cũng đúng vào tháng 5, vì thời gian eo hẹp, đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắc chúng tôi đã không được đến thăm. Cũng rất may, dù đài báo mưa, nhưng hai ngày ít ỏi dành cho những chuyến tham quan, chúng tôi lại được thiên nhiên Cao Bằng “ưu đãi “ tặng cho sự tạnh ráo và nắng nhạt, đủ để cảm nhận hết vẻ đẹp cảnh quan của màu xanh núi rừng, sông suối lẫn tâm linh thẳm sâu trong mỗi con người, khi đứng trước những cái tên danh thắng đã trở nên quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, như thác Bản Dốc, hay Pắc Bó.
Sau ba năm, thị xã Cao Bằng với tôi như đã có một sự bừng tỉnh, ra khỏi “cơn ngái ngủ” để vươn vai đứng bật lên tràn trề sinh lực. Gương mặt đường phố, với nhà cao tầng trên mái có lắp hệ thống năng lượng mặt trời, hàng hóa đủ chủng loại từ trái mác mật khô nhỏ xíu làm gia vị cho món ăn, tới các salon ôtô xe máy nhiều kiểu dáng và nụ cười rất thân thiện của mọi người dường như cũng sinh động hẳn lên. Đến cả những bài hát dành cho người cao tuổi tập dưỡng sinh buổi sáng dưới tượng Bác Hồ, cũng là những lời ca và điệu nhạc quen thuộc của chính Cao Bằng, khiến như có thêm đôi chút dư vị ngọt ngào mỗi sáng đi bộ dạo quanh công viên rộng, xanh, đẹp.
Vui nữa là khi thấy căn nhà sàn vách đất hơn 70 mùa mưa gió của gia đình cụ Dương Văn Đình, người đầu tiên trực tiếp được Bác Hồ gặp gỡ và tuyên truyền cách mạng năm 1941, ở bản dưới chân núi Pắc Bó, đang được dỡ tường rơm- đất và sàn ra để thay bằng những tấm ván mới (kinh phí của tự gia đình, chứ Ban quản lý khu di tích “đã có văn bản đề nghị hỗ trợ mà duyệt chưa xong” ). Cũng thú vị như khi ở ven bờ thác Bản Dốc, nơi mộ anh Kim Đồng, hay ngoài cửa khu di tích Pắc Bó, có hàng dãy những chiếc máy tính xách tay và máy in kỹ thuật số, để có thể chỉ sau năm đến mười phút, trao cho du khách tấm ảnh kỷ niệm, thay vì cứ phải đợi về đến nhà mới in từ máy ảnh của mình ra…
Chỉ tiếc rằng khi bày tỏ nguyện vọng muốn tìm một địa chỉ văn hóa để được thưởng thức một cuộc hát then hay hát Phong Sli (hát lượn trai gái), thì cả nhạc sĩ Trần Sòi, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, lẫn NSƯT Kim Tuế, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cao Bằng đều cùng lắc đầu “không có đâu chị ơi” (?).
Sau quãng đường rất dài leo núi và đi bộ (may mà còn vẻ đẹp mượt mà trong màu xanh của núi và của những nương ngô, vạt hoa cúc dại, đám ngải cứu rừng làm du khách quên bớt đi sự mỏi mệt) , cùng 45 phút dạo động Ngườm Ngao- nơi mà nhà văn Đoàn Lư- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng đã có lần khoe chúng tôi “ đẹp không kém gì động Phong Nha- Kẻ Bàng lẫn hang động Hạ Long- Quảng Ninh đâu nhé”- lại gặp thêm một điều tiếc nuối : Nếu trong động dãy đèn chiếu sáng được sắp đặt kín đáo hơn và con đường uốn lượn không phô phang bằng gạch và xi măng như thế, có lẽ vẻ đẹp của những đài sen, ao tiên tắm, bạch mã, thuyền buồm…sẽ lung linh hơn trong con mắt du khách.
Và đặc biệt hơn, nếu ở sau cửa ra động- bao giờ cũng vào thời điểm quá bữa- có một nơi ngâm mình thư giãn trong bể gỗ nước ấm, thơm hương lá, rễ, hoa của núi rừng và một bữa ăn có xôi trứng kiến, ăn kèm món khâu nhục, hoặc vịt quay tẩm hương trái mác mật, nhâm nhi cùng ly rượu hạt dẻ Trùng Khánh… những đặc sản của ẩm thực dân gian Tày, thay vì phải chạy hàng chục cây số tìm chỗ ăn trưa, thì đẹp lòng du khách biết mấy?
Nghe thuyết trình ở nhà trưng bày xong (ờ, mà sao em gái Lục Thị Thiện, hướng dẫn viên, không mặc bộ áo chàm truyền thống của người Nùng, như chúng tôi đã thấy ở khu trưng bày kỷ niệm về Bác Hồ tại Lán Nà Lừa - Thái Nguyên nhỉ?), đoàn khách nào cũng quyết lòng lên tận hang Cốc Bó.Chắc chắn không chỉ để ngắm vẻ đẹp thẳm biếc của dòng suối Lênin và núi Các Mác, mà còn có thể ngồi bên cạnh chiếc “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, đặt bàn chân mình tìm hơi ấm nơi nào còn in dấu vết đôi dép cao su Bác lại qua để chiêm nghiệm sâu hơn cuộc sống “ sáng ra bờ suối, tối vào hang, cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” của Bác Hồ thuở tìm đường cứu nước… và để thấy tâm mình trong sáng hơn.

Thác Bản Dốc ở Cao Bằng. Ảnh: LÃ ANH
Năm 2005, khi đến đây, chúng tôi đã thấy hang Cốc Bó được tu chỉnh lại. Nhưng năm nay, may không mưa và có chút nắng vương trên đỉnh núi, soi xuống lòng hang, đủ ánh sáng để mọi người chụp tấm ảnh kỷ niệm bên nhũ đá hình Các Mác, nhưng rồi ai cũng tần ngần bởi đâu rồi tấm ván Bác nằm những đêm núi lạnh? Nơi Bác thường ngồi câu cá rào sắt vây quanh và cỏ thờ ơ vươn cao phủ kín. Chỉ thấy những tời quay, bạt phủ ngổn ngang trên núi, do việc tôn tạo di tích sai thiết kế, dừng lại đã hơn một năm vẫn chưa biết bao giờ mới tiếp tục được.
Lại nữa, chẳng ai tiếc khi ở thác Bản Dốc, phải móc túi trả cho các bé gái 5.000 đồng sau khi qua cây cầu bắc bằng năm ba thanh gỗ tận dụng, cũng nhiều người sẵn lòng mua từ những lều tranh hay mẹt hàng bày nơi ấy chiếc áo khoác, món đồ chơi Trung Quốc làm quà, hay chí ít là làm kỷ vật của một chuyến đi. Nhưng chắc chắn sẽ tần ngần trước vài cọc tre căng bạt xanh không thể gọi bằng lều, rác chất đống, lẫn áo quần lớn nhỏ đủ sắc màu phơi ngang dọc, cùng những mố cầu xi măng làm dở trơ ra bạc phếch với nắng mưa phũ phàng.
Không biết mai kia khi quy hoạch xong các khu du lịch đang được quảng bá bằng những tấm pano rất to khắp nơi kia, người dân ở bên kia thác có bày bán hàng hóa gì, đồ lưu niệm gì của phía mình không nhỉ? Và mấy chàng thanh niên người Hoa vượt núi sang hang Cốc Bó chơi mà chúng tôi gặp, sẽ mua gì làm kỷ niệm ? Khi bên mình chỉ thấy toàn đồ chơi, áo quần Trung Quốc, thổ cẩm Chăm may nhái trang phục Tàu…bày la liệt ?
Có lẽ đừng nên vin vào cách nghĩ “ít khách quá nên không tổ chức phục vụ được”, vì theo thiển nghĩ của chúng tôi: chính những dịch vụ du lịch được tổ chức chu đáo và khép kín, khai thác hết tiềm năng của văn hóa- văn nghệ dân gian truyền thống bản địa theo hướng đáp ứng nhu cầu xem gì, chơi gì sẽ là điều tiên quyết làm tăng số lượng du khách tìm đến bất cứ một địa chỉ du lịch nào, huống chi Cao Bằng đã quá thân thương trong tâm tưởng người Việt mình rồi, ai trong đời cũng có nguyện vọng muốn một lần được đến?
Tháng 5 này về lại Cao Bằng, băn khoăn quá mà vì yêu nên phải nói.
H’Linh Niê