“Thanh Trà Huế” giúp dân khấm khá

Giữa cố đô Huế, có một ngôi làng mướt xanh màu hoa lá bưởi Thanh Trà – thứ trái cây chỉ của riêng Huế. Ngoài việc mở rộng diện tích, trái bưởi Thanh Trà được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh Trà Huế” đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Thanh Trà Huế” giúp dân khấm khá

Giữa cố đô Huế, có một ngôi làng mướt xanh màu hoa lá bưởi Thanh Trà – thứ trái cây chỉ của riêng Huế. Ngoài việc mở rộng diện tích, trái bưởi Thanh Trà được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh Trà Huế” đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

  • Nông sản tiến vua

Bưởi Thanh Trà mệnh danh là “nữ hoàng” các loại cây ăn trái tại cố đô Huế có từ bao giờ, đến người lớn tuổi nhất phường Thủy Biều, TP Huế không nhớ rõ. Nhưng chuyện Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725, vị Chúa Nguyễn đời thứ 6) ăn hết trái bưởi Thanh Trà ngay giữa làng Lương Quán nay thuộc phường Thủy Biều, thì vẫn lưu truyền.

Chuyện kể rằng, một lần du ngoạn sông Hương bằng thuyền thấy non nước hữu tình, có hoa thơm trái ngọt, Chúa Nguyễn Phúc Chu ghé thăm làng Lương Quán. Dân làng ngắt trái bưởi Thanh Trà làm lễ vật dâng chúa thưởng thức. Vừa ăn xong, chúa tấm tắc khen ngon và lệnh cho dân làng mở rộng trồng thêm. Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, trái bưởi Thanh Trà chín rộ, dân làng Lương Quán lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa để được ban thưởng.

Bưởi Thanh Trà trở thành nông sản tiến vua từ thời Chúa Nguyễn. Nhiều người cho rằng, Thanh Trà là giống bưởi đất Bắc, khi đến Huế nhờ vào chất đất, nước sông Hương và thời tiết đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm đã tạo nên vị ngọt thanh không lẫn vào đâu.

Bưởi Thanh Trà, thương hiệu riêng của Huế.

Bưởi Thanh Trà, thương hiệu riêng của Huế.

Bưởi Thanh Trà thường nặng trên dưới 1kg, hình quả lê, vỏ màu vàng nắng. Người sành ăn dùng dao sắc gọt lớp vỏ phần cuống, dùng tay lột từng lớp vỏ tách lấy phần ruột để thưởng thức mùi thơm hạt tinh dầu bắn ra từ vỏ. Riêng phong cách ăn thì mỗi người một kiểu. Người năng nổ nhiệt tình nhanh nhẹn lột vỏ, loại hột và đưa múi bưởi Thanh Trà vào miệng nhai ngấu nghiến mới khoái. Người khác nhẹ nhàng lấy múi bưởi nhỏ đã lột vỏ, đưa vào miệng nhai nhè nhẹ như sợ hương vị ngòn ngọt, thanh thơm sớm tan.

Ngoài ra, tép trái bưởi Thanh Trà đem trộn với mực khô nướng chín làm món gỏi Thanh Trà. Món gỏi này ăn với cơm cũng ngon, song độc chiêu hơn nếu nhâm nhi với ly rượu làng Chuồn thì tuyệt vời.

Diện tích trồng bưởi Thanh Trà ở phường Thủy Biều (chủ yếu tại hai làng Lương Quán và Nguyệt Biều) khoảng 140ha, dự định tăng lên 200ha trong năm nay. Trái bưởi Thanh Trà nặng 0,7-1kg, bán trên thị trường 25.000-30.000 đồng/trái (tăng gấp 3-4 lần so với trước khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh Trà Huế” vào năm 2007). Tổng thu nhập từ bưởi Thanh Trà lên đến 8 tỷ đồng mỗi năm, đã giúp kinh tế 750 hộ dân tại Thủy Biều ngày càng trở nên khấm khá.

Thương hiệu bưởi Thanh Trà đã có mặt tại 12 điểm siêu thị và đại lý ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nên vào chính vụ thu hoạch vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nơi đây nôn nóng mở rộng diện tích và áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng doanh thu.

  • Sản phẩm du lịch

Bên cạnh các di tích Hổ Quyền, Đền Voi Ré và hệ thống nhà rường cổ mang đậm chất Huế, phường Thủy Biều cách trung tâm TP Huế 7km còn có một quỹ đất lớn gắn với thương hiệu bưởi “Thanh Trà Huế”. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi, đầu tư xây dựng các khu resort, khu nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi giải trí…

Ông Tôn Thất Đào, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, khẳng định, đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát lập dự án đầu tư. Nhưng địa phương quyết tâm chỉ quy hoạch đất cho các dự án du lịch cam kết bảo tồn và phát triển diện tích cây ăn trái nên hiện mới có 2 doanh nghiệp đăng ký triển khai dự án. Trong đó, năm 2009, Khu du lịch Làng Việt do Công ty cổ phần Trung Việt đầu tư trên diện tích 6,9ha và sẽ mở rộng lên 30ha với số vốn 337 tỷ đồng đã chính thức khởi động.

Đây là khu du lịch phức hợp tiêu chuẩn 5 sao gồm 16 ngôi biệt thự, khu hội nghị quốc tế 500 chỗ ngồi và nhiều thiết chế khác dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2013.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Xưa đã xúc tiến đầu tư khu du lịch vườn Huế trên diện tích 3,7ha đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng để xây dựng 144 phòng nghỉ, khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, quán bar... Hiện địa phương cũng đang xúc tiến mô hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với nhà vườn bưởi Thanh Trà. Nhưng mô hình này đang gặp “eo” vì thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm tổ chức tour tuyến.

Tuyển chọn 5 cây Thanh Trà đầu dòng

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 1.114ha bưởi Thanh Trà, phân bố chủ yếu ở các huyện Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Thủy và TP Huế. Viện Nghiên cứu rau quả Sở NN-PTNT tỉnh đã bình tuyển được 5 cây đầu dòng với các đặc tính, khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng quả tốt để xây dựng vườn cây giống tại phường Thủy Biều. Ngoài việc cung cấp nguồn vật liệu nhân giống có chất lượng cao cho việc mở rộng diện tích cây bưởi Thanh Trà, việc tuyển chọn được 5 cây đầu dòng tốt đã thu hút nhiều đề án, dự án phát triển bưởi Thanh Trà được triển khai. Qua đó, hàng vạn lượt người làm vườn được tham gia các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng bưởi Thanh Trà.

 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục