Những tháng cuối năm 2012, nền kinh tế cả nước cũng như của thành phố Hồ Chí Minh như lên cơn sốt triền miên bởi tình trạng hàng tồn kho lớn và kéo dài. Theo số liệu thống kê, hầu hết các mặt hàng công nghiệp cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu đều có tồn kho. Đáng chú ý nhất là 15/38 nhóm hàng có số dư hàng chưa tiêu thụ được ở mức 2 con số. Đặc biệt là ngành sản xuất mô tô, xe máy tồn kho tới 95%, phân bón 96%... Riêng sản xuất các thiết bị truyền thông tồn kho tới 525% so với cùng kỳ năm ngoái!
Tình trạng hàng tồn kho vừa qua có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan: Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, tốc độ hồi phục chậm, sức mua trong và ngoài nước đều giảm. Xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ nước ngoài, đồng thời hàng loạt nước dựng các rào cản thương mại để hạn chế nhập hàng khẩu hàng Việt Nam (chẳng hạn Nhật Bản áp dụng kiểm tra 100% lô hàng - trước đây chỉ 30% - về tiêu chuẩn ethoxiqin đối với mặt hàng tôm Việt Nam; Trung Quốc cấm nhập tôm Việt Nam vì cho rằng tôm của ta mang virus bệnh hại…) đã làm cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta bị giảm cả về lượng và giá.
Mặt khác, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN cũng đẩy mạnh xuất khẩu nên đã cạnh tranh quyết liệt với hàng của Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may, da giày - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta lâu nay. Chưa hết, trong nước, thị trường tài chính “lâm bệnh”, nợ xấu lớn và kéo dài; thị trường bất động sản trì trệ trở thành “cục máu đông” chưa có giải pháp hữu hiệu phá băng, kéo theo các ngành sắt thép, vật liệu xây dựng cũng “đắp chiếu, trùm mền”. Nhiều chủ trương và nhóm giải pháp của Chính phủ chưa được triển khai kịp thời nên hiệu quả trên thực tế không đạt như mong muốn…
Trước tình hình đó, Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ta đã có nhiều nỗ lực để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Song đến nay, tình trạng tồn kho vẫn còn nhức nhối ở nhiều ngành và doanh nghiệp. Khi hàng hóa không tiêu thụ được, nó sẽ làm tắc nghẽn toàn bộ quá trình sản xuất của nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp. Hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn để tái sản xuất, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nợ nần chồng chất, ngưng trệ hoạt động và có thể dẫn đến phá sản. Một bức tranh ảm đạm của nền kinh tế hiển hiện cho năm 2013 nếu Chính phủ, các bộ ngành và các doanh nghiệp không có giải pháp tháo gỡ.
Để giải phóng hàng tồn kho - cũng là giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp, trước hết phải tăng sức mua của xã hội bằng nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó chú trọng biện pháp tổ chức các chương trình triển lãm, hội chợ, nhất là các chuyến đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Muốn đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ và phân phối hàng hóa, nhà nước phải đầu tư xây dựng và củng cố hệ thống bán buôn và bán lẻ trên toàn quốc, trước mắt tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng; mở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích, quản lý chặt chẽ và nâng cấp các chợ truyền thống theo hướng văn minh, hỗ trợ đắc lực cho mạng lưới phân phối của toàn xã hội.
Một trong những giải pháp mà doanh nghiệp đang rất mong Chính phủ hỗ trợ là được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta chiếm đến hơn 85% về số lượng, nhưng rất thiếu vốn. Nếu hỗ trợ được vốn vay cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động sẽ tạo được sự chuyển biến lớn cho sản xuất của toàn xã hội. Về phía các doanh nghiệp, cần phải nhanh chóng đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất theo chiều sâu, thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh đi vào vết xe đổ của những mặt hàng đang bị tồn đọng; giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và giá bán để tăng sức tiêu thụ của hàng hóa…
Nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như cho toàn bộ nền kinh tế được thực hiện một cách đồng bộ, chắc chắn nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, đời sống xã hội sẽ ổn định, tránh được những cơn sốt như đã diễn ra trong thời gian vừa qua.
Phan Lộc