Thời gian qua, phong trào nhắn tin “Em yêu anh” đã trở thành cơn sốt trên các trang mạng xã hội. Dù chỉ là một thử nghiệm nhỏ, bình thường nhưng điều lạ lùng là khiến rất nhiều người ngạc nhiên, giật mình… Câu nói đầy yêu thương bỗng chốc trở thành chuyện lạ, dù ai cũng thấy mình trong đó, ngay cả người thử nghiệm và người không thử nghiệm, người trẻ và người có tuổi…
1.001 câu trả lời “té ghế”…
Nguyễn Ngọc Thùy Trang (23 tuổi, Bình Chiểu, Thủ Đức) và Hữu Dân cưới nhau được 2 tháng. Là vợ chồng son, nhưng theo Thùy Trang dường như giữa hai người ít khi nghe những câu như “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” vì… sến quá. “Tôi và chồng chỉ nói những từ như “thương thương”, “cưng”… chứ phải nói “em yêu anh” ngượng miệng lắm. Mà nếu có nghe “anh yêu em” từ chồng, tôi cũng nổi gai ốc”, Thùy Trang thổ lộ. Thấy Facebook rầm rộ phong trào nhắn “Em yêu anh”, Trang cũng thử nhắn cho chồng. Trang kể: “Vài giây sau, chồng nhắn lại hỏi: “Làm sao đó? Em bệnh hả? Uống nhầm thuốc à? Đừng có làm anh sợ!”. Nhận tin nhắn xong tôi cười không chịu nổi, hóa ra nói “Em yêu anh” thú vị ghê…”.
Còn câu chuyện “thử chồng” của chị Nguyễn Thị Hương (32 tuổi, ngụ Tăng Nhơn Phú A, Q.9) mới dở khóc dở cười. Chị và anh Đức Sơn (35 tuổi) lấy nhau được gần 7 năm, có với nhau 2 đứa con. Công việc bận rộn ở công ty và thời gian dành cho con cái đã chiếm gần hết thời gian của hai người nên việc thể hiện tình cảm vợ chồng bằng lời thưa dần. Anh Sơn cũng là người có tính hay ghen nên chị Hương thường tránh những nơi tụ họp đông người, hạn chế giao tiếp các anh chàng khác… Thấy bạn bè trong công ty rủ nhau, cũng bị “xúi dại” nhắn tin “Em yêu anh” cho chồng, chị cầm điện thoại “đánh liều” thử nhắn… sau bao năm “quên nói”.
Những câu trả lời té ghế
Chị Hương kể: “Dù biết trước nhiều câu trả lời “té ghế” trên mạng nhưng tôi không ngờ mình trở thành tội đồ sau tin nhắn đó. Những tưởng chồng sẽ ngạc nhiên, có thể vì tin nhắn mà chồng trở nên lãng mạn hơn, ai dè ảnh nhắn lại “Nhắn nhầm cho thằng nào đấy?” rồi quay ra kết tội tôi “có bồ” ở ngoài… Buổi tối, xong việc tôi về nhà, anh nghiêm túc tra hỏi cả tiếng đồng hồ. Anh ngồi lục tin nhắn điện thoại, tôi cố giải thích thế nào cũng không tin…”. Gần một tuần khó chịu, căng thẳng, Hương đành nói với chồng là cô “thử nghiệm theo phây (Facebook)”, anh chồng mới nguôi giận dần. “Cũng tại gần 7 năm nay vợ chồng ít nói những lời ngọt ngào với nhau nên mới vậy, ngày trước yêu nhau thì không có điện thoại đâu để nhắn. Dù gì, tôi cũng thấy quá hụt hẫng. Không lẽ hôn nhân là mồ chôn của tình yêu?”, chị thở dài.
“Làm sao đó? Em bệnh hả?...”, “Nhắn nhầm cho thằng nào đấy” chỉ là vài trong 1.001 phản ứng của các ông chồng khi bất ngờ nhận được tin nhắn ngọt ngào “Em yêu anh” từ các bà vợ. Có những tin nhắn vô cùng hài hước khiến chị em cười ngặt nghẽo như: “Hư cấu hả em?”, “Tôi xin bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động của đồng chí”, “Em bệnh rồi. Mai đi khám đi, triệu chứng như thế không chủ quan được đâu”… nhưng cũng có những tin nhắn khiến chị em “sốc nặng”: “Muốn xin gì?”, “Em cần gì, cứ nói”, “Sao tự dưng nhắn vậy? Có ý đồ gì thì nói luôn đi. Nghi ngờ lắm”, “Hôm qua anh đưa hết lương cho em rồi mà”, “Tóm lại là vẫn mong mua cái váy ấy phải không?”, “Lại định đòi cái dây chuyền 4 triệu chứ gì?”, “Thôi xin bà, về muộn thì nói đi, lắm chuyện”…
Nói yêu, hãy thật lòng
Trò chơi bắt đầu với nội dung đơn giản từ status của P.T. (Hải Phòng), có nick Facebook là Su.S. Chỉ bằng một tin nhắn “Em yêu anh” rất đơn giản nhưng lại nhận được hàng loạt phản ứng rất bất ngờ từ những ông chồng. Bên cạnh một số tin nhắn nói lời yêu thương thì nhiều tin lại là thể hiện sự bất ngờ, hoài nghi khiến chị em cụt hứng và nổi cáu. Có đến 99% quý ông khi nhận được tin nhắn tình cảm từ vợ lại “đứng hình”, tỏ thái độ hồ nghi, lo lắng, kể cả hoảng sợ.
Thạc sĩ Giáo dục - Chuyên gia Tâm lý Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Xảy ra các phản ứng như trên, không phải do đàn ông Việt quá khô khan, hoặc có vấn đề gì đó bất thường trong tình yêu dành cho vợ. Nếu có một trắc nghiệm tương tự từ phía các ông chồng gửi đến các bà vợ, khả năng trên 90% chúng ta cũng sẽ có kết quả tương tự”.
Trò chơi được cho là bắt đầutừ một status của Su.S
Từ tin nhắn “bày tỏ tình yêu” đó kéo theo nhiều suy diễn: có vấn đề, ngoại tình nhắn nhầm, nhắc lương, nhắc quà, giả bộ… dẫn đến không ít trường hợp các cặp đôi vỡ lẽ, vợ chồng mâu thuẫn. Và tin nhắn thử nghiệm không còn là trò chơi mà trở thành một vấn đề nhìn từ nhiều góc độ xã hội. Với những cặp đôi để xảy ra những hành động tiêu cực như anh Đức Sơn, chị Hương, chuyên gia tâm lý Phạm Phúc Thịnh khuyến cáo cần xem lại tình yêu của họ có thực sự còn tồn tại trong cuộc sống chung hay không? “Có thể vẻ bề ngoài của họ đang rất hạnh phúc, nhưng bên trong của họ, đã từ rất lâu, đã nhen nhóm sự nghi ngờ lẫn nhau, đã tồn tại một khối u bất hòa giữa 2 người, và tin nhắn này chỉ đóng vai trò chất xúc tác để thổi bùng lên những “ngọn lửa cháy nhà” âm ỉ từ rất lâu trong cuộc sống hôn nhân của họ”, anh nhận xét.
Câu chuyện thử nghiệm “Em yêu anh” không chỉ xôn xao trong giới trẻ, những người trung niên mà một số ông bà có tuổi cũng theo dõi. Bà Ngọc Bình (65 tuổi, P.Thảo Điền, Q.2) cho biết dù không tham gia trò chơi nhưng bà cũng để ý, theo dõi các bài viết, các diễn đàn trên các trang mạng: “Tôi không còn nhớ là hồi trẻ mình có thường xuyên nói với chồng ba từ đó không, nhưng thật sự khi về già chúng tôi mỗi người sống một không gian riêng. Tôi ở tầng 1, ông ấy ở tầng 2. Tôi đã “hy sinh” thời gian, tuổi xuân cho chồng con nhiều quá rồi… giờ là lúc tôi sống cho bản thân. Tôi có thể muốn ăn gì tùy ý, muốn làm gì, xem phim gì tùy thích mà không phải để ý xem sắc mặt của chồng…”. Bà Bình cho rằng giờ mà thử nói “Em yêu anh” chắc chồng bà “lên máu”…
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nhận định: “Ở các nước phát triển, việc thể hiện tình cảm là hành động đẹp, nên họ rất thoải mái và tự tin để thể hiện, dù ở nơi công cộng. Còn chúng ta, chịu ảnh hưởng từ thời xa xưa là tình cảm, cảm xúc chỉ để trong lòng, nếu thể hiện ra ngoài thì người kia sẽ ỉ lại hoặc coi thường mình. Và khi về già thì lại càng phải làm gương cho con cháu, nên càng phải che kín đi, nên chúng ta thường thấy những cặp vợ chồng có tuổi ở nước ta ít ngủ cùng nhau, thậm chí ở 2 nhà khác nhau để tiện chăm sóc con cháu. Việc thể hiện tình cảm, không phải chỉ ở độ tuổi nào đó, mà bất cứ độ tuổi nào, chúng ta đều cần, chỉ là mức độ như thế nào thôi. Đối với người cao tuổi, đặc điểm tâm lý “đã hoàn thành nhiệm vụ”, không còn công việc, “gần đất xa trời”… thì họ vẫn rất cần những hành động, cử chỉ, lời nói tình cảm từ người khác, nhất là của bạn đời mình, người đã đồng hành với mình một khoảng đời dài, như câu “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, vì lúc này, họ sống với nhau không chỉ bằng tình yêu thương, mà bằng cả ơn và nghĩa”.
Không phải là vợ chồng thì không cần thể hiện tình cảm với nhau. Giữa vợ chồng có hàng ngàn cách để bày tỏ tình yêu. Và để tình yêu đó vững bền cần được khẳng định mỗi ngày thông qua những lời nói dịu dàng, thân thương. Dù đó là lời “biết rồi, khổ lắm”… nhưng hãy nói mãi vì đó là sự yêu thương chân thành.
TIỂU TÂN
Trò đùa "Em yêu anh": Chuyên gia tâm lý nói gì?
Thạc sĩ Giáo dục - Chuyên gia Tâm lý Phạm Phúc Thịnh: Yêu cứ nói yêu, việc gì phải giấu
Người ta có thể nói đùa hàng trăm lần câu “Anh yêu em”, “Em yêu anh”, “I love you”, “Je t’aime”... với bất kỳ ai. Nhưng với “đối tượng chính” thì người ta lại e ngại, lại không muốn nói ra vì nghĩ rằng nói như thế, có vẻ sến quá, có vẻ cải lương quá và thậm chí có vẻ không nghiêm túc tí nào cả. Điều này có thể kiểm nghiệm thông qua thực tế khảo sát về lời tỏ tình của rất nhiều người, họ có thể tỏ tình bằng rất nhiều cách, bằng nhiều ngôn từ khác nhau, nhưng xác suất sử dụng đơn giản đúng 3 từ “Anh (em) yêu em (anh)” thì lại rất thấp, và gần như chỉ có thể thấy cách tỏ tình bằng 3 từ đó hầu như chỉ có trong... phim hoặc kịch.
Với thói quen sống “kín đáo” của người Việt Nam, việc biểu lộ những sắc thái tình cảm - đặc biệt trong cuộc sống hôn nhân - có vẻ như là một điều cần được giấu kín. Điều này có thể thấy rất rõ ngay cả với các bạn trẻ, khi đang yêu nhau, họ có thể ôm eo nhau khi di chuyển bằng xe máy, có thể nắm tay nhau khi đi bộ trên phố. Thế nhưng, cũng những bạn đó, khi đã cưới nhau thành vợ chồng thì những biểu hiện như thế lại giảm dần theo thời gian của cuộc sống chung hôn nhân. Điều này không phải là họ suy giảm tình yêu, mà chỉ đơn giản họ suy nghĩ rằng lúc này ngoài cương vị vợ chồng ra, họ còn đóng vai là bố mẹ “cần gương mẫu để con cái noi theo, kẻo chúng nó lại hư sớm thì khổ”. Chính vì thế yêu nhau thì vẫn yêu, nhưng họ buộc phải che giấu những biểu hiện “ướt át” vì sợ rằng sẽ bị đánh giá “lớn rồi mà còn như con nít”.
Điều này đơn giản chỉ là một phản ứng trước một sự việc bất bình thường trong cuộc sống hôn nhân, mà lẽ ra nó phải là điều bình thường. Khi nhận được tin nhắn như vậy, thói quen cảnh giác của bộ não con người trước những “tín hiệu bất ngờ” ngay lập tức hoạt động, và thường thì người ta hay suy luận rằng “chắc phải sao đó nên người kia mới có một hoạt động mà bình thường không ai làm thế”. Đơn giản đó chỉ là một cách phản ứng tiêu cực của con người trước một vấn đề mà theo thói quen không ai làm như thế cả. Kiểu như sự việc một người nhặt được một thùng vàng mang đến nộp cho cơ quan chức năng - một sự việc lẽ ra rất bình thường - nhưng lại gây ra những suy luận tiêu cực như: chắc người đó không bình thường, chắc người đó lượm được nhiều hơn thế nên giả bộ nộp như vậy để che mắt xã hội... như trong vở kịch Vàng ơi đã được công diễn cách đây khá lâu.
Đôi khi người ta quá đặt nặng việc sử dụng ngôn ngữ không lời để diễn đạt tình yêu của mình mà quên mất rằng kênh ngôn ngữ vẫn là một kênh rất quan trọng và đơn giản nhất để thể hiện tình cảm của con người. Tại sao lại phải ngại ngùng khi nói nên lời điều cần phải nói, phải xấu hổ khi thổ lộ tình cảm của mình với người mình yêu thương... Chính vì thế người ta đang hiểu sai câu nói “yêu là phải hành động” thành “yêu là chỉ hành động”.
Là con người, đặc biệt phụ nữ, ai cũng muốn được nghe những lời ngọt ngào âu yếm (dù đôi khi trong thâm tâm họ vẫn biết trong sự ngọt ngào đó, có 50% là đường hóa học”. Trong cuộc sống hôn nhân, việc có những lời nói yêu thương dành cho đối tượng của mình (chồng, vợ, con cái...) sẽ giúp cho mọi người cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn, có nhiều niềm vui hơn, thấy mình được quan tâm hơn… và đó cũng là cách giúp cho ngọn lửa tình yêu bền vững hơn như một câu thơ đã viết “yêu cứ nói yêu, việc gì phải giấu...”.
Chuyên gia Tâm lý Phạm Thị Thúy, Phòng tham vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM: Hãy để lời yêu thành chuyện bình thường
Ít nói lời yêu thương và hiếm cơ hội nhận lời yêu thương nên khi tự nhiên nhận được tin nhắn như vậy sẽ khiến chúng ta có cảm giác đầu tiên không phải hạnh phúc mà là hoài nghi, chồng mình/vợ mình có đang nhắn tin nhầm cho ai không đây. Điều này cũng là tâm lý bình thường của con người. Điều gì thay đổi quá đột ngột cũng gây ra những phản ứng trái chiều, cần thời gian để làm quen và thích nghi.
Nếu những cặp đôi chỉ vì tin nhắn theo phong trào này mà lục đục gia đình thì có lẽ tin nhắn chỉ là giọt nước tràn ly cho những mâu thuẫn, sự lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng đã có từ trước, hoặc người trong cuộc cố chấp, thiếu tin tưởng bạn đời... Dù là lý do gì thì hậu quả này cũng đáng để chúng ta nhìn lại cuộc hôn nhân của mình và sớm thay đổi tình hình.
Ông bà ta nói: “Nói ngọt lọt đến xương”. Đúng là việc làm, cử chỉ, hành động là rất quan trọng nhưng lời nói là kênh trực tiếp nhất, dễ hiểu, dễ cảm tình cảm của nhau. Vì vậy trong đời sống hôn nhân gia đình giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái rất cần nói ra những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm cho nhau nghe. Nhất là nói ra những lời yêu thương, khen tặng dành cho nhau.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM:
Nói yêu, khởi đầu cho một thói quen bày tỏ yêu thương
“Trò chơi” này cũng là một cơ hội để các cặp vợ chồng cùng nhìn nhận lại cách ứng xử với nhau.
Việc bày tỏ tình yêu có nhiều cách như hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ, và những cách bày tỏ này chỉ thật sự có ý nghĩa và lâu dài nếu điều đó xuất phát từ chính con người họ, lối sống của họ. Có những người khi yêu thường tỏ hành động ga lăng, nói lời hoa mỹ, nhưng nếu điều đó không thật sự là con người của họ, cách sống của họ, mà chỉ cố gắng thực hiện để vừa lòng người mình yêu hoặc để chinh phục thì rồi cũng hết khi họ cảm thấy đã chinh phục được. Có thể đó là lý do khiến các cặp vợ chồng ít hoặc không nói lời yêu thương nhau khi đã về chung sống.
Một quan niệm khác của nhiều người trong chúng ta, rằng lời nói chỉ là gió bay, hành động mới là thật, nên họ không nói lời yêu thương nhiều với người mình yêu. Có nhiều người cho rằng nói lời yêu thương khi đã làm vợ chồng là “bày đặt”, “giả tạo”, không cần thiết, nên họ đã không nói với nhau. Một vấn đề nữa là tâm lý ngại ngùng khi nói, dần già thành thói quen không chia sẻ cảm xúc với người bạn đời, mà lại muốn bạn đời tự cảm nhận lấy. Tình yêu là cảm nhận của 2 người trong cuộc qua thái độ, cảm xúc, cảm giác, nhưng tình yêu cũng còn là cách thể hiện bằng hành động, lời nói nữa. Một sự thật khác khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn yêu thương từ bạn đời, đó là đôi khi họ đã dùng những lời yêu thương như một “chiêu” để đạt được điều mình muốn, khiến người vợ hoặc chồng dè chừng, thắc mắc hoặc dò xét khi được nhận lời yêu thương.
Tôi không dám bàn về hôn nhân của người khác, vì như vậy sẽ là chủ quan, vì “mỗi nhà mỗi cảnh”, và chỉ có người trong cuộc mới biết rõ hơn cả. Tôi chỉ nghĩ rằng, việc gì cũng có nguyên nhân của nó, nếu chúng ta thường nói lời yêu thương với bạn đời, thì dù trong hoàn cảnh nào, thì lời “em yêu anh” đó cũng sẽ không gây sốc.
Người xưa đã nói: “Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”, nghĩa là đàn ông thích nhìn cái đẹp, còn phụ nữ thích nghe điều yêu thương. Vậy thì, là một trong nhiều hành động thể hiện tình yêu với chồng, các chị em hãy biết chăm lo bên ngoài của mình thêm nữa; và ngược lại, các chị em cũng rất cần được nghe những lời yêu thương, khen ngợi thật lòng từ chồng mình, những điều đó sẽ tạo thêm nhiều cảm xúc tích cực trong hôn nhân. Những lời nói, cử chỉ này cần được duy trì lâu dài và thường xuyên, bên cạnh những hành động mà chúng ta đã thể hiện.
VÕ THẮM