Thầy lang chưa được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Thầy lang chưa được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

(SGGP).- Theo kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần đầu tiên được áp dụng với các nghệ nhân dân gian - những người đang nắm giữ các tri thức, kỹ năng di sản phi vật thể, ở hội đồng cấp bộ đã có 119 hồ sơ bị loại. Chỉ 618/737 hồ sơ đủ điều kiện để lấy ý kiến của nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ

Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, thư ký Hội đồng chuyên ngành cấp bộ đã trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ - Hải Dương là một trong những kép đàn nổi danh được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ 1.

- Phóng viên: Ngay trong lần xét duyệt nghệ nhân dân gian đầu tiên đã có 119 hồ sơ bị loại, một con số không hề nhỏ. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

>> Ông PHÙNG HUY CẨN: Việc bỏ phiếu thông qua các hồ sơ phong tặng danh hiệu được căn cứ hoàn toàn theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi đã thống kê một số nguyên nhân dẫn tới việc hồ sơ không được bỏ phiếu thông qua cụ thể như sau: việc mô tả tri thức kỹ năng di sản phi vật thể của các nghệ nhân đang nắm giữ quá sơ sài; số lượng truyền dạy học trò tiêu biểu không rõ ràng. Một số trường hợp nghệ nhân được đào tạo ở các trường nghệ thuật, theo nghị định, họ không thuộc đối tượng được xét tặng. Có nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu khác, nên cũng không được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nữa. Đối tượng khó khăn nhất trong việc xét tặng là những người hoạt động trong lĩnh vực đông y, thầy lang, thầy thuốc.

- Trong tiêu chí mô tả tri thức kỹ năng hành nghề có đề cập tới ngành y không?

Có, nó thuộc loại hình tri thức dân gian. Nhưng quan trọng là người hoạt động trong ngành nghề y phải có xác nhận của cơ quan y tế mà hiện nay các hồ sơ trong lĩnh vực này đều không có sự xác nhận của cơ quan y tế.

- Phải chăng đây là yêu cầu mới trong hồ sơ xét tặng?

Trong tiêu chí xét tặng ban đầu không có việc phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Tuy nhiên, trong quá trình xét tặng, hội đồng đều thống nhất cho rằng đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo việc tôn vinh được thực hiện đúng. Đây không phải là việc làm sai về nguyên tắc mà do cuộc sống quá phong phú nên các văn bản pháp luật của nhà nước chưa chỉ rõ một cách chi tiết được. Chúng tôi đang nghiên cứu, cân nhắc để những lần sau có thể phối hợp với cơ quan y tế để thống nhất trong việc xét tặng. Số hồ sơ thuộc dạng này không nhiều, chỉ 3 - 4 trường hợp. Tuy nhiên hội đồng đã bàn bạc kỹ lưỡng, rất thận trọng và đã tạm gác lại không xét hồ sơ lần này.

 

* Theo ông Phùng Huy Cẩn, cùng với bằng Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước ký tặng, mỗi nghệ nhân sẽ có một khoản tiền thưởng. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL đã làm việc với Bộ LĐ TB-XH đề xuất một số chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, cụ thể như trợ cấp cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000- 200.000 đồng/tháng; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí khi các cụ qua đời. “Chúng tôi cũng kêu gọi, đề nghị các địa phương có những chính sách hỗ trợ các nghệ nhân”, ông Phùng Huy Cẩn nói.

 

- Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm là có trường hợp đặc cách nào trong lần xét tặng đầu tiên này không, thưa ông?

Theo Luật Thi đua - Khen thưởng thì sẽ không có trường hợp truy tặng, không đặc cách.

- Trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ cũng có trường hợp được truy tặng. Gần đây nhất là việc truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho diễn viên Văn Hiệp. Tại sao việc truy tặng lại không được áp dụng với việc xét tặng Nghệ nhân ưu tú?

Trường hợp truy tặng của diễn viên Văn Hiệp áp dụng theo thông tư xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú do bộ ban hành, còn sau đó trở đi, chúng ta đang thực hiện theo văn bản pháp lý cao hơn do Thủ tướng ký. Văn bản đó điều chỉnh việc xét tặng nghệ sĩ, xét tặng nghệ nhân và giải thưởng Nhà nước, tất cả đều áp dụng hình thức không truy tặng, không đặc cách.

- Trước đây một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh… hoặc như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đã xét và trao tặng các danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Vậy các danh hiệu này có ảnh hưởng tới việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần này?

Các danh hiệu như Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian hay do địa phương trao tặng từ trước đến nay hoàn toàn thuộc thẩm quyền của hội và các địa phương. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là hình thức tôn vinh duy nhất của Nhà nước dành cho nghệ nhân, được áp dụng lần đầu tiên theo Luật Thi đua - Khen thưởng.

- Do quá trình xét tặng danh hiệu quá dài mà phần lớn các nghệ nhân có hồ sơ xét tặng đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Vậy nếu trong quá trình xét có trường hợp qua đời thì hội đồng sẽ xử lý hồ sơ đó thế nào?

Lần này, hội đồng đã gặp trường hợp tương tự của một nghệ nhân dân tộc Thái sinh năm 1933, ở Phong Thổ, Lai Châu. Theo đúng hồ sơ của địa phương đưa lên thì cụ mất trước lúc hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở. Vì thế theo quy định hiện hành, hội đồng cấp bộ buộc phải chấp hành đúng, là không xét tới trường hợp này.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục