
Rất nhiều biện pháp chống vấn nạn thuốc lá được áp dụng trên thế giới nhưng hiệu quả chưa cao. Thành công ban đầu của một số quốc gia đi đầu trong phong trào chống khói thuốc cho thấy đã đến lúc cần áp dụng những biện pháp triệt để, nhằm hình thành thói quen tốt có thể lấn át thói quen hút thuốc…
Tấn công từ mọi phía

Biện pháp triệt để nhất là nói “Không” với thuốc lá.
Để đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn thuốc lá, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau. Hàng loạt quốc gia đã ra lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng.
Tại Trung Quốc, trong nỗ lực nhằm tổ chức một “Olympic không có khói thuốc lá”, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã ban hành quy định mới cấm hút thuốc lá tại hầu hết các địa điểm công cộng trong thành phố, bao gồm cả các nhà hàng, quán rượu, quán cà phê Internet, khách sạn, văn phòng, khu nghỉ mát và các cơ sở y tế. Những đơn vị nào vi phạm quy định sẽ bị phạt tiền với mức phạt có thể lên tới 5.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 700 USD). Đối với cá nhân vi phạm, số tiền phạt đang được cân nhắc ở mức 200 nhân dân tệ (gần 30 USD).
Tại Pháp, từ đầu năm 2008, việc hút thuốc lá ở các quán cà phê, nhà hàng và sàn nhảy… bị cấm hoàn toàn. Những người hút thuốc ở nơi công cộng sẽ bị phạt 93 USD, trong khi đó các chủ quán cà phê, nhà hàng và sàn nhảy có vi phạm, bị phạt tới 198 USD.
Tại Đức, hầu hết các bang ở nước này đã áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá ở các khu vui chơi giải trí, giao thông công cộng, nơi đông người, các khu công sở, công viên... Các nhà hàng chỉ được phép cho khách hút thuốc tại các phòng riêng có hệ thống xử lý khói thuốc.
Chính phủ Bolivia thông báo áp dụng luật cấm lắp đặt biển quảng cáo khuyến khích hút thuốc trên đường phố, cấm quảng cáo thuốc lá trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và không được bán thuốc lá trong vòng bán kính cách trường học 100m.
Quốc hội Uruguay thông qua dự luật cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí hay tờ rơi…
Các nghiên cứu của WHO cho biết, nếu giá thuốc lá tăng 10% thì mức tiêu thụ sẽ giảm được từ 5% - 7%. Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp này nhằm làm nản lòng người hút thuốc. Chẳng hạn, Chính phủ Anh thông báo từ tháng 3-2008, tăng mạnh các loại thuế đánh vào thuốc lá nhằm giảm lượng tiêu thụ loại thuốc gây nghiện này.
Thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) do WHO công bố năm 2003, nhiều nước đã buộc các nhà sản xuất thuốc lá in hình cảnh báo nguy hiểm trên bề mặt bao thuốc lá để cảnh báo người hút thuốc. Chính phủ Ấn Độ đã ra thông báo yêu cầu các nhà sản xuất thuốc lá của nước này phải in hình cảnh báo nguy hiểm trên bao thuốc lá kể từ tháng 12-2007, quy định diện tích của hình cảnh báo phải chiếm ít nhất 50% diện tích bề mặt bao thuốc lá.
Ngoài việc ngăn ngừa những người nghiện mới, việc cai nghiện cho những người đã lỡ gắn bó với làn khói thuốc cũng được quan tâm. Nhiều sáng kiến khác nhau đã được giới thiệu nhằm giúp người nghiện cai thuốc.
Mới đây, hãng sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Nintendo DS cho biết, họ đã thiết kế một trò chơi máy tính tương tác mới nhằm giúp những người nghiện thuốc lá củng cố quyết tâm cai thuốc. Trong trò chơi cai nghiện thuốc này, người chơi sẽ nhập vào máy các dữ kiện về thói quen hút thuốc của bản thân, sau đó chọn một huấn luyện viên hướng dẫn mình các bước từ bỏ hút thuốc.
Cuộc đấu tranh còn dài
Trước tình hình đó, WHO kêu gọi chính phủ các nước cùng nhau áp dụng đồng bộ 6 chính sách giúp ngăn chặn vấn nạn thuốc lá: tăng thuế và giá bán thuốc lá; cấm quảng cáo thuốc lá; tăng cường các biện pháp bảo vệ những người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi khói thuốc; tăng cường tuyên truyền về các nguy cơ từ việc hút thuốc, nhất là đối với giới trẻ; giúp những người đang hút thuốc bỏ thuốc lá kết hợp với việc tăng cường theo dõi việc sử dụng thuốc lá để hiểu rõ hơn nhằm thay đổi tệ nghiện ngập này. |
Với những nỗ lực chống vấn nạn thuốc lá, số người hút thuốc lá ở nhiều quốc gia đã giảm. Tại Italia, 3 năm sau khi Quốc hội thông qua luật cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, số người bị bệnh tim trong độ tuổi từ 35-64 ở nước này đã giảm 11%; số ca đau tim ở độ tuổi từ 65-74 tuổi cũng giảm 7,9%. Tỷ lệ ung thư phổi trong dân chúng Italia giảm 4%.
Tại Canada, với quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngoài trời, tăng giá bán thuốc, số người hút thuốc lá và cùng đó là số người bị mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá đã giảm mạnh.
Tại Pháp, sau 6 tháng áp dụng biện pháp cấm hút thuốc tại các quán cà phê, quán bar, nhà hàng…, đa số khách hàng - kể cả những người từng hút thuốc - bắt đầu có ý kiến tích cực đối với lệnh cấm.
Một cuộc điều tra do hiệp hội “Quyền của những người không hút thuốc” thực hiện cho kết quả 82% khách đến các quán bar hoặc quán cà phê từ ngày 1-1-2008 đến nay ủng hộ lệnh cấm hút thuốc. Các chủ quán bar và nhà hàng cũng tỏ ra hài lòng (65%) vì quy định mới này giúp nhân viên giữ gìn sức khỏe, giảm mùi hôi và làm cửa hàng sạch sẽ hơn. Trường hợp của Pháp cho thấy, khi một thói quen mới được hình thành, nó sẽ góp phần lấn át thói quen cũ tiêu cực hơn.
Tuy nhiên, ở quy mô thế giới, WHO cho biết hiện mới chỉ có 5% dân số thế giới được bảo vệ bởi các quy định về không hút thuốc trong khuôn khổ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và 40% số nước trên thế giới vẫn cho phép hút thuốc lá tại bệnh viện và trường học.
Chỉ có 9 nước thực hiện đúng các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại nhằm hạn chế việc quảng bá loại sản phẩm có hại cho sức khỏe này. Trong khi đó, khoản tiền thuế từ thuốc lá mà chính phủ các nước thu vào mỗi năm (hơn 200 tỷ USD) lớn gấp 500 lần số kinh phí họ chi cho chiến dịch chống thuốc lá.
Hà Vy (tổng hợp)
- Bài 1: Khói thuốc tàn phá tương lai