Thế giới nói “Không” với thuốc lá - Bài 1: Khói thuốc tàn phá tương lai

Thế giới nói “Không” với thuốc lá - Bài 1: Khói thuốc tàn phá tương lai

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là câu thường trực của những người nghiện thuốc lá khi họ được cảnh báo về những tác hại của việc hút thuốc đối với sức khỏe của bản thân và của cộng đồng. Người nghiện thuốc nào cũng biết hút thuốc lá là không tốt nhưng rồi họ vẫn cứ cầm, cứ châm và… chết.

Một người “hút”, chục người “hít”

Thế giới nói “Không” với thuốc lá - Bài 1: Khói thuốc tàn phá tương lai ảnh 1
Trẻ em là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động

Theo báo cáo tổng hợp đầu tiên về vấn nạn hút thuốc lá do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện dựa trên số liệu thống kê từ 179 nước, công bố tháng 2-2008, có tới gần 2/3 số người hút thuốc lá trên toàn thế giới tập trung ở 10 quốc gia là: Trung Quốc (chiếm gần 30%), Ấn Độ (khoảng 10%), Indonesia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Brazil, Bangladesh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc hiện có khoảng 300 triệu người hút thuốc lá, trong khi số người hút thuốc lá ở Ấn Độ khoảng 120 triệu người, chủ yếu là nam giới.

Điều đáng báo động là ngày càng có nhiều thanh thiếu niên nghiện thuốc lá. Ở Trung Quốc, theo báo cáo của Cơ quan Giám sát thuốc lá Trung Quốc công bố cuối tháng 5-2008, khoảng 40 triệu trong số 130 triệu thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi biết hút thuốc, trong đó 15 triệu em đã nghiện thuốc lá. Ở các thành phố lớn, nhiều trẻ em dưới 13 tuổi bắt đầu tập hút thuốc và nhiều thiếu nữ Trung Quốc cũng có xu hướng hút thuốc.

Một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều thanh thiếu niên hút thuốc lá là do giá thuốc còn rẻ; các chủ cửa hàng không chấp hành lệnh cấm, vẫn bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và ý thức tự giác trong việc chấp hành quy định đối với những người hút thuốc lá tại những nơi công cộng còn kém...

Ai cũng biết khói thuốc không chỉ tác động đến sức khỏe của người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Ở Trung Quốc, theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện gần một nửa dân số (540 triệu người/1,3 tỷ dân) đã trở thành những người hút thuốc lá thụ động.

Do không nhận thức đầy đủ về tác hại của khói thuốc, nhiều bậc phụ huynh trên thế giới đã không biết cách bảo vệ con em mình khỏi khói thuốc và các em đang trở thành đối tượng hút thuốc thụ động ít được bảo vệ nhất.

Một cuộc khảo sát của các nhà khoa học tại Trường Johns Hopkins Bloomberg thực hiện tại 31 quốc gia trên thế giới, công bố tháng 3-2008, chỉ ra rằng 82% số cha mẹ hút thuốc trước sự có mặt con cái. Lượng nicotine đo được trong không khí ở những gia đình có người hút thuốc cao gấp 17 lần so với các gia đình không có người hút thuốc. Lượng nicotine trung bình trong không khí ở các gia đình châu Âu có người hút thuốc là cao nhất, tiếp đến là ở Mỹ Latin và châu Á.

Thuốc lá - viên đạn bọc đường

Theo báo cáo của Tổ chức WHO, thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 100 triệu người trên toàn cầu trong thế kỷ 20 và có thể khiến khoảng 1 tỷ người thiệt mạng trong thế kỷ 21 nếu chính phủ các nước không tiến hành đồng bộ các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Mỗi năm, thuốc lá làm 5,4 triệu người chết trên toàn thế giới do bệnh liên quan đến thuốc lá.

WHO dự báo, đến năm 2020, số người chết vì thuốc lá sẽ nhiều hơn tổng số người tử vong do HIV/AIDS, bệnh lao hoặc tai nạn giao thông. Nếu không kịp thời ngăn chặn, đến năm 2030, con số sẽ tăng lên hơn 8 triệu người, trong đó 80% sống ở các nước đang phát triển.

Theo các chuyên gia, mỗi điếu thuốc lá chứa tới 4.000 chất hóa học khác nhau, trong đó một số chất rất độc hại đối với sức khỏe con người như nicotine, metanol, amoniac và thạch tín. Do đó, những người nghiện thuốc lá thường có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh khác nhau như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, dạ dày, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, bất lực ở đàn ông, mãn kinh sớm ở đàn bà…

Tại Ấn Độ, mỗi năm có gần một triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Còn theo thống kê của Viện Bảo hiểm xã hội Mexico (IMSS), hàng năm tại nước này có hơn 60.000 người chết vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trung bình 165 người/ngày. Cứ 10 ca tử vong trên cả nước thì có 1 trường hợp liên quan đến thuốc lá.

Thế giới nói “Không” với thuốc lá - Bài 1: Khói thuốc tàn phá tương lai ảnh 2

Hút thuốc lá = đốt tiền

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ cho rằng những người hút thuốc lá phải đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 44% so với những người không hút thuốc lá. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Bristol (Anh) lại khẳng định con của những bà mẹ hút thuốc lá có nguy cơ bị đột tử cao gấp 4 lần so với con của những bà mẹ không hút thuốc, bởi vì thuốc lá có thể ảnh hưởng đến não của thai nhi hoặc có thể ngăn chặn sự phát triển của phổi một cách đầy đủ ở thai nhi.

Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Viện Quốc gia nghiên cứu y học và sức khỏe của Pháp cho rằng hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, giảm khả năng lập luận, khả năng nhận thức, từ vựng và khả năng nói lưu loát của người trung niên.

Các nhà khoa học Bỉ tại Đại học Antwerp cảnh báo hút thuốc và béo phì làm xáo trộn dòng máu chảy tới tai, gây thiếu oxy, đồng thời không loại bỏ được chất thải độc hại ra khỏi tai nên dễ làm người nghiện thuốc lá bị… điếc. Về phần mình, các chuyên gia nghiên cứu Đài Loan lại chứng minh được rằng thuốc lá có thể hủy hoại nang tóc, cản trở lưu thông máu và hoóc-môn trong da đầu hoặc làm tăng việc sản sinh estrogen, đẩy nhanh quá trình rụng tóc, dẫn đến… hói.

Mặc dù được cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá nhưng ở nhiều nước trên thế giới, số lượng người hút và nghiện thuốc lá không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Vì thế, để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn thuốc lá, việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, cũng như các biện pháp khuyến khích từ bỏ thuốc lá tỏ ra không đủ. Đã đến lúc các nước trên thế giới phải có các biện pháp đồng bộ và mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn nguy cơ khói thuốc lá tàn phá tương lai nhân loại .

Hà Vy (tổng hợp)

Kỳ tới
Bài 2: Lấy thói quen lấn át thói quen

Tin cùng chuyên mục