Triều Tiên: Duyệt binh lớn nhất lịch sử

Ngày 15-4, tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh được cho là lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi có nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc hoặc bắn tên lửa.    Lần đầu giới thiệu tên lửa phóng từ tàu ngầm

Ngày 15-4, tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh được cho là lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi có nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc hoặc bắn tên lửa.   

Lần đầu giới thiệu tên lửa phóng từ tàu ngầm

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un duyệt đội danh dự sau đó cùng các quan chức cấp cao trong đảng và quân đội lên khán đài và không phát biểu. Choe Ryong-hae, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, được xem là nhân vật quyền lực thứ hai của Triều Tiên, là người khai mạc buổi lễ.

Xe quân sự và hàng chục ngàn binh lính diễu binh trên quảng trường Kim Nhật Thành. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công khai hình ảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong-2. Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đã phát đi hình ảnh về các tên lửa Pukkuksong-2 trên các xe tải. Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, giới quân sự nước này tin rằng những tên lửa được giới thiệu trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng gồm một số mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Mẫu tên lửa đạn đạo mới trong lễ duyệt binh ở Triều Tiên  Ảnh: Reuters

Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-Hae, trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp tại lễ diễu binh khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả một cuộc chiến tranh tổng lực bằng một cuộc chiến tranh tổng lực và Triều Tiên sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân theo cách riêng để đáp trả mọi cuộc tấn công hạt nhân.

Mỹ hoàn tất chính sách về Triều Tiên

Hãng AP dẫn lời các quan chức Mỹ (giấu tên) cho biết sau 2 tháng xem xét, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hoàn tất chính sách về Triều Tiên, theo đó tập trung gây sức ép và can dự tối đa đối với Bình Nhưỡng.

Mỹ đã hoàn tất chính sách trên sau khi các cố vấn của Tổng thống Trump xem xét một loạt biện pháp nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó có các phương án quân sự, cũng như ý tưởng về việc công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Trọng tâm của chính sách mới sẽ là tăng cường sức ép với Triều Tiên với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Can dự vẫn là một lựa chọn, song mục tiêu của phương án này là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Biện pháp này sẽ không đi đến một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hay giảm thiểu kho hạt nhân, ám chỉ Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.

Các nhà phân tích an ninh quốc tế ngày 15-4 cũng cho rằng Mỹ rất khó có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, bởi những hậu quả quá lớn mà Washington và các nước đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể phải hứng chịu. Nhà nghiên cứu Melissa Hanham thuộc Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin của Mỹ cho rằng ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Mỹ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo. Việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ - Hàn có hành động quân sự trực tiếp đối với Triều Tiên.

Chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings, ông Jonathan D. Pollack, cũng nhận định kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên là “mạo hiểm quá mức”. Ông David Albright, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) - một tổ chức nghiên cứu trụ sở ở Washington chuyên theo dõi các vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Iran - dự đoán Triều Tiên sở hữu tối đa 60 vũ khí hạt nhân vào năm 2020.


VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục