Thêm một biệt thự bị chủ nhân… “đòi” tháo dỡ

Ông Trần Việt Triều, chủ sở hữu ngôi biệt thự số 83 Ngô Thời Nhiệm (phường 6, quận 3, TPHCM) vừa có đơn “khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp” gửi lãnh đạo TP và các sở ngành chức năng, đề nghị được tháo dỡ ngôi biệt thự nêu trên. Lý do, theo ông Trần Việt Triều: ngôi biệt thự đã xuống cấp.

Ông Trần Việt Triều, chủ sở hữu ngôi biệt thự số 83 Ngô Thời Nhiệm (phường 6, quận 3, TPHCM) vừa có đơn “khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp” gửi lãnh đạo TP và các sở ngành chức năng, đề nghị được tháo dỡ ngôi biệt thự nêu trên. Lý do, theo ông Trần Việt Triều: ngôi biệt thự đã xuống cấp.

“Phần nhà phía trước nguy hiểm cấp độ C. Phần nhà phụ phía sau nguy hiểm cấp độ B”. Công ty Kiểm định chất lượng và tư vấn xây dựng L&P - đơn vị tư vấn giám sát chất lượng được ông Triều thuê, đã nhận định: Tình trạng này cần xử lý kịp thời. Năm 2015, ông Trần Việt Triều có hồ sơ báo cáo sự việc nêu trên cho Phòng Quản lý đô thị quận 3. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Triều, hồ sơ của ông vẫn chưa được ngành chức năng giải quyết.

Trong đơn “khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp”, ông Trần Việt Triều có nhắc đến trường hợp ngôi biệt thự số 12 đường Lý Tự Trọng (quận 1) “đã được cho phép tháo dỡ và xây dựng cao ốc cao 70m”, như một bằng chứng cho băn khoăn của ông “vì sao chủ ngôi biệt thự ấy được xây công trình mới, còn ông thì không?”. Nhất là khi theo xếp hạng của Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM, ngôi biệt thự của ông thuộc nhóm 3 - nhóm biệt thự không phải bảo tồn, có thể xây dựng mới theo quy hoạch. Còn ngôi biệt thự ở số 12 đường Lý Tự Trọng thuộc nhóm 1 - nhóm phải giữ lại để bảo tồn.

Ông Trần Việt Triều khiếu nại đúng hay sai, ngành chức năng sẽ xem xét. Bài viết này chỉ muốn đề cập đến một thực trạng: đó là sự chậm chạp trong việc ban hành các quy định về bảo tồn biệt thự có giá trị kiến trúc ở TPHCM. Đã 20 năm kể từ khi các kiến trúc sư có nghiên cứu, thống kê, báo cáo danh mục các công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn, một quy định có tính chất pháp lý nhằm bảo vệ các công trình này vẫn chưa ra đời. Hậu quả không thể tránh khỏi: sự búc xúc, nghi ngờ của người dân và nhiều công trình kiến trúc có giá trị cứ dần dần mất đi, mà trường hợp của ngôi biệt thự ở số 12 đường Lý Tự Trọng là một minh chứng.

Báo SGGP đã có bài viết Một tiền lệ xấu khi đề cập đến việc ngôi biệt thự ở số 12 đường Lý Tự Trọng được tháo dỡ và xây cao ốc mới. Chưa đầy một tháng sau, rõ ràng “tiền lệ xấu” ấy đã có tác động xấu đến hoạt động bảo tồn của TP. Chủ nhiều ngôi biệt thự khác đã bắt đầu… so bì với chủ ngôi biệt thự số 12 đường Lý Tự Trọng. Không biết ngành chức năng sẽ trả lời sao với đơn khiếu nại của ông Trần Việt Triều? Thế nhưng vẫn mong rằng họ sẽ có được câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Mọi sự chậm chạp trong trường hợp này cũng như sự chậm chạp trong việc ban hành các quy định về bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có biệt thự, đều chỉ đưa lại những kết quả không hay. TPHCM cần sớm có các quyết sách rõ ràng, cụ thể để giữ gìn được cho thế hệ mai sau những chứng tích của quá trình phát triển đô thị Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm qua, cũng như làm cho chủ những ngôi biệt thự thuộc diện bảo tồn phải “tâm phục, khẩu phục”.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục