Thêm nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng

Nếu được điều tiết tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM là 21%, tăng 3% so với hiện nay, TPHCM sẽ có thêm gần 6.000 tỷ đồng. Đây là sự chia sẻ ý nghĩa từ Trung ương, giúp TPHCM có thêm nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là trong bối cảnh TPHCM vừa bị tác động mạnh bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Ngã tư Bình Phước với cầu vượt quốc lộ 1A băng qua quốc lộ 13 nối Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức với Thuận An, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngã tư Bình Phước với cầu vượt quốc lộ 1A băng qua quốc lộ 13 nối Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức với Thuận An, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

L.T.S: Cuối tháng 10, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương cho TPHCM trong năm 2022 lên 21% thay vì 18% như 5 năm qua. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có bài viết phân tích triển vọng giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng nếu TPHCM có thêm nguồn lực này. 

Nguồn vốn mồi quan trọng
Hàng năm, TPHCM nộp về ngân sách Trung ương 300.000-330.000 tỷ đồng và được điều tiết để lại 18%, thấp nhất so với các địa phương có đóng góp ngân sách của cả nước. Với mức ngân sách để lại như thế, TPHCM thiếu trầm trọng nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Đi qua đại dịch Covid-19 càng cho thấy, TPHCM mặc dù là địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước, đóng góp cho ngân sách cả nước với tỷ lệ lớn nhất nhưng đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, còn rất thấp. Giờ đây, nếu được điều tiết từ 18% lên 21%, tuy chưa được như mức TPHCM mong muốn (đề xuất tăng 5%) song cũng thể hiện Trung ương, Quốc hội đã lắng nghe đề xuất và có sự quan tâm, chia sẻ với TPHCM - động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. 
Qua 2 năm đại dịch, TPHCM tổn thất về kinh tế gần 273.000 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD). Với tỷ lệ điều tiết được tăng thêm 3%, năm 2022 TPHCM có thêm gần 6.000 tỷ đồng để dồn nguồn lực cho đầu tư phát triển. Gần 6.000 tỷ đồng này cùng với nguồn lực khác từ ngân sách địa phương giúp TPHCM có khoản đầu tư công lớn với con số trên 51.000 tỷ đồng trong năm 2022. So với những năm vừa qua nguồn vốn đầu tư công khoảng 30.000 tỷ đồng/năm thì mức đầu tư trên sẽ là nguồn vốn mồi không nhỏ, có khả năng lan tỏa, thu hút vốn đầu tư xã hội (theo tính toán, mỗi đồng vốn đầu tư công tại TPHCM sẽ lan tỏa và thu hút 10 đồng vốn đầu tư từ xã hội).
Từ đây giúp TPHCM có điều kiện giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng số… Hàng loạt dự án trọng điểm, công trình giao thông, các ngã tư, giao lộ, hầm, cảng, dự án kết nối vùng, đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4… cần được đầu tư đúng tầm. Từ dịch bệnh cũng phát lộ các vấn đề tồn tại đối với nhà ở cho người lao động, y tế cơ sở… TPHCM đang cần đầu tư cho hạ tầng xã hội, chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở cho người lao động, tăng đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị… 
Vấn đề là công tác giải ngân, hấp thụ vốn, cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM để đầu tư công phát huy hiệu quả và dẫn dắt đầu tư phát triển. Đối với một siêu đô thị như TPHCM, nhu cầu đầu tư là rất lớn. Trong 5 năm tới, TPHCM cần khoản đầu tư trên 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng vốn ngân sách chỉ đáp ứng được 250.000 tỷ đồng. Vì thế, thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội là vô cùng quan trọng. 
Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù
Để thu hút được nguồn lực từ cộng đồng, bản thân TPHCM phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, phát huy hiệu quả chính quyền đô thị… Cần cải cách hành chính, thành lập đội phản ứng nhanh giúp tháo gỡ các ách tắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trên hết và trước hết, cần một tinh thần đồng bộ là phải vận hành mang tính tháo gỡ và xây dựng, giúp thúc đẩy phát triển chứ không máy móc, kiếm cớ “hành là chính”.
Việc điều hành, xử lý các vấn đề phát sinh để làm sao câu chuyện “trên trải thảm, dưới rải đinh” hay “một người đạp ga, ba người đạp thắng” không tồn tại trong bộ máy chính quyền đô thị lớn nhất nước. Đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong mỏi nhất. Và cũng chính từ xóa các rào cản mang tính chất “hành là chính” mới có thể giúp tháo mở nguồn lực từ trong cộng đồng tham gia xây dựng, phát triển thành phố. 
Thêm nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng ảnh 1 Trạm thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng đi về TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cùng với đó, TPHCM cần tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển theo Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Các vấn đề như chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, triển khai các dự án nhóm A, việc đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… cần được đẩy nhanh tiến độ hơn. TPHCM cũng cần tận dụng tốt hơn việc được hưởng 50% khoản tiền thu sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM. Rõ ràng TPHCM còn nhiều nguồn lực nhưng chưa tận dụng hết và cần làm tích cực hơn để có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.
Với khao khát phát triển, TPHCM phải tiếp tục đột phá, thu hút và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển. Song, có những việc không hẳn do một mình TPHCM có thể giải quyết được mà luôn cần sự vào cuộc nhanh chóng của Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, những vướng mắc ở các quy định, nhất là liên quan đến các luật đất đai, xây dựng, đấu thầu, đầu tư… 
Có sự đồng bộ từ Trung ương đến thành phố, chắc chắn TPHCM sẽ sử dụng hiệu quả 3% ngân sách được để lại thêm và TPHCM tiếp tục vì cả nước, cùng cả nước. Trung ương để lại cho TPHCM, đầu tư cho TPHCM cũng chính là đầu tư cho cả nước bởi TPHCM là đầu tàu kinh tế, có tính dẫn dắt và lan tỏa. Ở chiều ngược lại, TPHCM có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để nguồn thu đóng góp về cho Trung ương, kể cả thu hộ và thu không chia, sẽ cao hơn những năm trước. Từ đó, số tiền đóng góp cho ngân sách Trung ương vào năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2021.

Tin cùng chuyên mục