Thị trường M&A Việt Nam hướng đến 6 tỷ USD

Thị trường M&A Việt Nam hướng đến 6 tỷ USD

Thông tin từ Diễn đàn Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2016 với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” ngày 18-8 tại TPHCM cho thấy, trong năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm 2016, ước tính con số này đã lên tới gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua lại, sáp nhập và liên kết - IMAA Thụy Sĩ - dự báo, năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD.

Xét về số lượng thương vụ, 60% thương vụ giữa các DN trong nước, quy mô nhỏ và vừa quanh mức 5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp vai trò trong các thương vụ quy mô lớn từ 30 - 100 triệu USD. Xét về tỷ trọng giá trị thương mại theo các ngành, đi đầu trong các thương vụ M&A là ngành bán lẻ, tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Trong đó, quy mô của hai thương vụ M&A của nhà đầu tư Thái Lan chiếm 24,8% giá trị M&A trong năm 2015 và nửa đầu 2016. Thương vụ đáng chú ý nhất trong ngành bán lẻ là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD. Ngoài ra, còn có thương vụ Vingroup mua Maximark, mặc dù không được tiết lộ giá trị thương vụ nhưng giới chuyên môn đánh giá giá trị không hề nhỏ. Bên cạnh đó, Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua nắm giữ 25% cổ phần Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Berwery…

Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn, một hình thức đầu tư và là yếu tố quan trọng thúc đẩy  quá trình tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Ông Phương cũng nhìn nhận, hoạt động M&A của Việt Nam cũng bộc lộ những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là luật pháp chính sách vẫn còn bất cập; xu hướng thâu tóm triệt tiêu thương hiệu nội, đã có sự xuất hiện của các thương vụ M&A thù địch; sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, cũng như trong quá trình định giá và công bố thông tin.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục