Thị trường vàng tiếp tục diễn biến bất thường

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trấn an những người giữ vàng bằng cách thông tin thêm là vàng các thương hiệu khác vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi nghị định quản lý vàng được ban hành, thị trường vàng vẫn có nhiều xáo trộn, tình trạng loạn giá vàng vẫn tiếp diễn.
Thị trường vàng tiếp tục diễn biến bất thường

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trấn an những người giữ vàng bằng cách thông tin thêm là vàng các thương hiệu khác vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi nghị định quản lý vàng được ban hành, thị trường vàng vẫn có nhiều xáo trộn, tình trạng loạn giá vàng vẫn tiếp diễn.

  • Chỉ độc quyền sản xuất?

Trước tình hình này, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, cần thiết nhất trong lúc này là NHNN phải đưa ra những giải pháp nhằm ổn định tâm lý cho người dân.

Theo đó, ông đưa ra 3 giải pháp để ổn định thị trường vàng: thứ nhất, NHNN nên tổ chức mua lại vàng miếng của 7 thương hiệu không đủ điều kiện như trong dự thảo nghị định; thứ 2, trong trường hợp nhà nước không thể mua được lượng vàng này thì nên cho doanh nghiệp (DN) thực hiện xuất khẩu vàng khi có điều kiện thuận lợi; thứ 3 là cho phép Công ty SJC gia công cho các DN khác để đổi thành thương hiệu SJC hoặc mua lại vàng của các DN khác để gia công thành vàng SJC.

Khách ngồi đợi đến lượt mua vàng tại Công ty SJC ngày 24-11. Ảnh: KIM NGÂN

Khách ngồi đợi đến lượt mua vàng tại Công ty SJC ngày 24-11. Ảnh: KIM NGÂN

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nên cho nhiều DN kinh doanh vàng, còn sản xuất thì có thể giao cho một đơn vị nhưng phải được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Theo vị này, độc quyền kinh doanh sẽ bất ổn nhưng việc độc quyền sản xuất vàng miếng là cần thiết nhằm kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc của vàng miếng. Ở các nước trên thế giới, việc sản xuất vàng cũng giao độc quyền cho 1 đơn vị sản xuất nhưng đơn vị này chỉ sản xuất chứ không kinh doanh.

Còn ở Việt Nam, nếu như nghị định được thông qua, đơn vị độc quyền, cụ thể là SJC, vừa là đơn vị sản xuất vàng vừa là đơn vị kinh doanh vàng thì sẽ dẫn đến hệ lụy đơn vị này chỉ sản xuất vàng cho mình kinh doanh mà thôi.

Chính vì thế mấy ngày qua có tình trạng bán tháo vàng các thương hiệu ngoài SJC để mua lại vàng SJC, đẩy giá vàng này tăng chênh lệch khá cao so với các thương hiệu vàng khác. “Mặc dù sau khi NHNN đưa ra thông điệp trấn an những người giữ vàng thương hiệu khác đã làm cho vàng SJC “hạ nhiệt”, thị trường bớt dậy sóng nhưng đó chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề” - vị chuyên gia này cho biết.

Theo vị chuyên gia này, sở dĩ các nhà đầu tư trên thị trường lo lắng là vì dự thảo chưa nêu rõ SJC có sản xuất vàng miếng cho các đơn vị khác hay chỉ sản xuất độc quyền cho thương hiệu của mình. Và nếu như SJC không sản xuất cho các thương hiệu khác thì vàng của các thương hiệu khác cho dù vẫn có giá trị lưu hành nhưng khi giao dịch sẽ bị ép giá.

Một vấn đề nữa được đặt ra là chất lượng vàng. Nếu vàng nào cũng là vàng thì tại sao mỗi loại một giá, phải chăng chất lượng khách nhau? Người dân đi mua vàng chỉ bằng niềm tin của thương hiệu đã được công nhận chứ không thể biết chất lượng của vàng loại vàng đó như thế nào. Điều này cho thấy, thời gia qua, do Nhà nước cấp phép cho nhiều đơn vị cùng sản xuất vàng miếng đã dẫn đến tình trạng bát nháo, lộn xộn. Suy cho cùng, khách hàng vẫn là người thiệt thòi nhất.

  • Tìm hướng kinh doanh mới

Hiện nay, có 8 DN kinh doanh vàng và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng. Mặc dù Nghị định chưa được thông qua nhưng một số DN cũng đã chuẩn bị tâm lý và có kế hoạch cho hướng đi của mình.

Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh Vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) cho biết, mặc dù nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng chưa thông qua nhưng chúng tôi luôn đổi mới và tìm ra hướng đi cho mình để không bị động. Ngoài sản xuất và kinh doanh vàng miếng và vàng nữ trang chúng tôi còn tập trung khai thác triệt để các dịch vụ giám định đá quý, phân kim, gia công chế tác hàng thủ công mỹ nghệ… Cách đây 3 tháng chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc kinh doanh sỉ vàng nữ trang cho các DN và các đầu mối ở TPHCM và các tỉnh.

Ngay từ khi tung ra thị trường sản phẩm vàng miếng Thần Tài SBJ, ngoài thị trường trong nước ra chúng tôi còn nhắm tới nhiều thị trường mới trong khu vực, đầu tiên là Campuchia. Sau đó, chúng tôi sẽ hướng đến nhiều thị trường khác, nhất là những nơi có người Việt sinh sống nhiều vì người Việt chúng ta thường có thói quen nắm giữa vàng miếng.

Còn một cán bộ quản lý của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết, nếu Chính phủ hạn chế kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ mua vàng nữ trang nhiều hơn vàng miếng. Trong lĩnh vực nữ trang, đặc biệt là vàng nhẫn PNJ rất có lợi thế, đồng thời PNJ đã có hệ thống 3.000 đại lý trong cả nước nên PNJ sẽ tập trung vào mảng này. Vị này cho biết thêm, năm qua PNJ cũng tập trung vào vàng miếng với khối lượng rất lớn nhưng chỉ chiếm 1% lợi nhuận.

“Vàng miếng mang lại doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận thấp. PNJ không đặt nặng lợi nhuận vào kinh doanh vàng miếng. Do đó, chúng tôi không lo lắng nếu chính sách này được ban hành” - vị này cho hay. 

HẠNH NHUNG

Giá vàng tiếp tục giảm sâu 

Trưa 24-11, tại TPHCM giá các loại vàng miếng SJC, SBJ và PNJ –DAB đều tiếp tục giảm sâu và mất thêm 350.000 đồng/lượng so với giá chốt ngày 23-11, Tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) số 115 Nguyễn Công Trứ, quận 1, giá vàng SJC được niêm yết mức 44,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Cùng thời điểm, giá vàng miếng Thần Tài SBJ của Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) lại thu vô ở mức 44,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,5 triệu đồng/lượng; vàng miếng Phượng Hoàng PNJ –DAB mua vô ở mức 44,1triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,35 triệu đồng/lượng.

Trước thông tin sắp tới sản xuất và kinh doanh vàng miếng sẽ được quy về một mối, theo đó chỉ có Công ty SJC là đủ điều kiện hoạt động kinh doanh sản phẩm này, trong 3 ngày gần đây người dân cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang có dấu hiệu tháo chạy khỏi các thương hiệu vàng miếng khác và dồn vốn vào sản phẩm vàng miếng SJC khiến cho thị trường vàng miếng loạn giá và loạn giao dịch.

Theo ông Lê Minh Thông, đại diện phòng kinh doanh vàng miếng của Công ty SBJ cho biết khối lượng giao dịch trong ngày tăng, trong đó các nhà đầu tư lớn, giao dịch từ 50 đến 100 lượng trở lên có dấu hiệu bán ra nhiều hơn mua vào, ngược lại các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì vẫn tiếp tục mua vào.

M. THI


- Thông tin liên quan:

>> Thị trường vàng TPHCM: Vẫn chỉ là đầu cơ

>> Thị trường sản xuất, kinh doanh vàng - Bình ổn hay bất ổn?

Tin cùng chuyên mục