
Khảo sát khá nhiều gia đình có con trẻ từ 1 – 8 tuổi, hầu hết đều cho rằng, hiện nay, tại TPHCM không có điểm vui chơi, giải trí nào dành cho trẻ thơ một cách bài bản, đúng nghĩa. Những nhà thiếu nhi thì hầu như chẳng phải là sân chơi mà là nơi để… học. Một số nơi có dành khu vui chơi, giải trí cho trẻ thì lại quá đơn điệu, nhàm chán, chật hẹp. Vì vậy không ít tuổi thơ hiện nay bị “nhốt” trong… “hộp” là chính căn nhà của mình!
Sân chơi trong siêu thị và… quán nhậu!
Chị Huỳnh Thị Kim Oanh, nhà ở đường Thạch Lam (Q. Tân Phú) cho biết, trên địa bàn chị ở dường như không có một điểm vui chơi giải trí nào dành cho trẻ thơ. Đứa con gái đầu lòng 3 tuổi của chị cả tuần ở nhà với bà vú, bị nhốt suốt trong nhà “như cái hộp”, cuối tuần chị tranh thủ “giải thoát” cho con nhưng chẳng biết đi đâu.
Vào Thảo Cầm Viên một lần là “ngán”. Bí quá chị chở con xuống công viên Hoàng Văn Thụ để con chạy chơi cho thoáng. Thậm chí có hôm chị chở con vào nhà thờ có sân rộng để cháu chơi.
Còn chị Ngọc, nhà ở đường Bà Hạt (Q.10) cho biết, mới đây, thấy đứa con trai 4 tuổi của mình chậm nói, chị đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng II, bác sĩ bảo rằng chị nên cho cháu ra ngoài chơi, tìm những chỗ có đất cát sạch cho cháu nghịch để phát triển tự nhiên.

Trẻ em rất cần những điểm vui chơi để phát triển về tâm hồn
và thể lực
“Trong thành phố tôi chẳng tìm đâu ra được một điểm có điều kiện như vậy cho cháu chơi. Gần nhà quanh đi quẩn lại chỉ có thú nhún mà thôi”, chị Ngọc nói.
Còn anh Tâm, nhà ở 235/7 Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) tâm sự: “Đi làm cả tuần, bỏ 2 đứa nhỏ ở nhà, thấy con tội nghiệp, cuối tuần muốn bù đắp cho chúng bằng cách chở đi chơi nhưng cũng chỉ đi lòng vòng rồi về, chẳng nơi nào có các trò chơi ra trò phục vụ các cháu.
Nếu muốn cho các con chơi thú, đi xe điện, chơi trò chơi điện tử thì chỉ có cách vô… siêu thị hoặc trung tâm mua sắm. Vì hiện nay nhiều nơi có khu vực trò chơi thiếu nhi lại bán vé thu tiền”.
Tuy nhiên, anh Tâm vẫn không hài lòng vì vào siêu thị thì ồn ào, ngột ngạt. Có nơi làm khu trò chơi cho trẻ ở tận… tầng hầm nên rất ngộp. Anh Tâm kể chuyện thật mà như đùa, là nhiều khi muốn có chỗ chơi cho con nên anh “sáng kiến” đưa chúng vào quán nhậu, làng nướng, vì hiện một số nơi này có khu trò chơi dành cho trẻ chơi thoải mái để cha mẹ an tâm… nhậu!
Anh Tâm cho biết thêm, có một điểm tương đối thoáng, đẹp đó là nhà chơi dành cho trẻ nằm trong khuôn viên Khu du lịch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh). Tuy nhiên, do nhiều người thấy ở đây an toàn, có không gian cho trẻ nên cuối tuần không ít người đưa con đến, có hôm quá tải, khu nhà chơi trở nên chật chội.
Không riêng gì chị Oanh, chị Ngọc hay anh Tâm mà hầu hết các gia đình có con trẻ đều than rằng TPHCM quá thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ.
Tại trung tâm thành phố có Nhà Thiếu nhi TP và ở các quận, huyện cũng có nhà thiếu nhi nhưng hoạt động mang tính “giáo khoa” chứ không phải là điểm vui chơi, giải trí mang tính vận động, kích thích khả năng phát triển thể lực, trí tuệ cho trẻ.
Một số nhà thiếu nhi có khu trò chơi nhưng đơn điệu, thậm chí có nơi - nhất là ở các quận, huyện xa trung tâm thành phố - gần như chẳng hoạt động gì, nhiều khu trò chơi thì xuống cấp.
Mơ những sân chơi đầy ắp tuổi thơ
Rất nhiều bậc phụ huynh mong muốn có những sân chơi mà ở đó giúp cho trẻ có những giờ phút vui chơi đầy ắp tuổi thơ. Thành phố cũng có một số khu du lịch và công viên như: Đầm Sen, Suối Tiên, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên… nhưng khu vực vui chơi dành cho các em không nhiều và tất cả những công viên, khu du lịch này đều dành cho cả người lớn, muốn vào phải mua vé!
Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, bên dưới bán hàng, còn dành ra một hoặc 2 tầng trên làm không gian vui chơi (chẳng hạn như cửa hàng bán đồ chơi trẻ em của Công ty Phương Nga trên đường Kỳ Đồng, Q.3) đã hấp dẫn nhiều gia đình có con trẻ tìm đến.
Tuy nhiên, những nơi này không gian thường nhỏ hẹp và trò giải trí chủ yếu lắp ráp mô hình, thú, búp bê…, chứ không có các loại trò chơi mang tính vận động và thiếu hẳn không gian rộng cho trẻ thỏa sức vui đùa, chạy nhảy.
Chị Tô Hoàng Thùy Trâm, chủ nhân website “Thế giới hoạt hình”, cho biết: “Nhiều bậc phụ huynh lên website tâm sự rằng con họ rất cần những điểm vui chơi và còn khuyên tôi nên làm một sân chơi mà ở đó sẽ đầy ắp những trò chơi cho trẻ trong thế giới hoạt hình”. Chị Trâm cho rằng, hiện nay, tìm một địa điểm có mặt bằng tốt, thuận lợi để xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ quy mô tại trung tâm thành phố là rất khó.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng chưa thật sự quan tâm trong khi trên thực tế đây là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn và lợi nhuận không kém nhiều ngành nghề khác. Không cần ở trung tâm thành phố mà ở các quận xa, nếu điểm vui chơi đó được đầu tư bài bản, hấp dẫn thì phụ huynh cũng sẵn sàng đưa con em mình tới.
“Tôi có ý tưởng và sẵn sàng hợp tác với nhà đầu tư có tài lực xây dựng một trung tâm giải trí dành cho thiếu nhi, có thể không tầm cỡ kiểu Disneyland nhưng sẽ là “vương quốc tuổi thơ” mà đến đây, các em được đắm mình trong thế giới của những nhân vật được yêu thích trong phim hoạt hình”, chị Trâm nói.
Trên một báo mới đây, PGS.TS xã hội học Nguyễn Minh Hòa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đô thị và cộng đồng TPHCM cho rằng, trong nhiều năm quaTPHCM không có nổi một công viên thiếu nhi! Đối với các nước phát triển, công viên thiếu nhi thuộc loại ưu tiên số 1 trong quy hoạch đô thị. TPHCM có nhiều công viên nhưng không có lấy một công viên thiếu nhi đúng nghĩa mà ở đó có sân bóng, hồ bơi, bãi cát sạch, vườn dành cho trẻ em cắm trại, các trò chơi… |
THIÊN SA