Trong cuộc đua rating (tỷ suất người xem) giữa các nhà đài, lượt xem qua mỗi tập phát sóng của các chương trình thiếu nhi luôn ở mức triệu view. Sự ngây thơ, đáng yêu của trẻ nhỏ là một điểm cộng khiến những chương trình dành cho thiếu nhi thu hút người xem không kém những chương trình dành cho người lớn.
Nhiều chương trình có lượng rating cao có thể kể đến như: Giọng hát Việt nhí, Nhanh như chớp nhí, Người hùng tí hon, Thử tài siêu nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Vua đầu bếp nhí… Và không chỉ duy trì những chương trình đã ăn khách qua các mùa, các công ty giải trí cũng bắt đầu sản xuất nhiều chương trình mới như: Model Kid Vietnam 2019 (Người mẫu nhí Việt Nam), Sếp nhí khởi nghiệp - Kiddie Shark…
Sự nở rộ các gameshow dành cho thiếu nhi mang đến nhiều sân chơi khác nhau, phù hợp với sở thích và năng khiếu của các bé. Cũng từ đây, việc rèn luyện tính tự tin trước đám đông, hay làm việc nhóm cùng bạn bè của các em, được cải thiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại những vấn đề lợi bất cập hại từ các gameshow nhí này. Trong nhiều chương trình, các em dường như phải gồng mình làm theo kịch bản, sự hướng dẫn từ các đội trưởng, huấn luyện viên. Cậu bé mũm mĩm K.T. từng gây sốt trong chương trình Người hùng tí hon, có màn trình diễn về vấn đề giết hại động vật hoang dã, cụ thể là loài voi, gây thích thú cho người xem.
Phần biểu diễn dễ thương khi cậu bé hóa thân thành chú voi con trong trang phục màu hồng, giọng nói tuy còn ngọng nghịu nhưng đã thuyết phục được khán giả lẫn ban giám khảo. Nhưng liệu một cậu bé còn chưa vào mẫu giáo, chưa biết chữ thì những kiến thức kêu gọi mọi người không săn bắt, giết hại loài voi để lấy ngà, có phải quá sức không?
Ở Model Kid Vietnam 2019, để đi đến chiến thắng cuối cùng, các thí sinh nhí phải trải qua nhiều thử thách ở các vòng thi, cạnh tranh và “chiến đấu” để loại nhau. Với Sếp nhí khởi nghiệp, người xem không khỏi lo lắng, liệu rằng các em có già trước tuổi không, khi phải dùng mọi lý lẽ để thuyết phục nhà đầu tư và tìm kiếm cơ hội làm giàu. Đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng các em đã kêu gọi vốn đầu tư để làm giàu, khiến nhiều người xem không khỏi lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sau này của các em. Và nếu không được định hướng, dạy bảo kỹ càng, rất có thể sẽ dẫn đến việc các bé có một lối sống thực dụng trong tương lai.
Nhiều chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, nhảy múa… dành cho thí sinh có độ tuổi 6 - 14, nhưng mỗi tập phát sóng, các em được trang điểm đậm, trang phục, nhảy, múa không khác gì người lớn. Nhiều bài hát của người lớn với những tâm sự buồn, buộc các thí sinh nhí cũng phải nức nở, nghẹn ngào theo… Ở độ tuổi tiểu học, làm sao các em hiểu được nội dung tâm sự của một chuyện tình dang dở, nhưng vẫn phải gồng mình để hoàn thành tốt phần ca lẫn diễn.