Thật quả không ngoa khi một số chuyên gia dự hội nghị tổng kết chương trình An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia năm 2009 đánh giá “vấn nạn” VSTP đang gây bất an cho người dân. Nỗi ám ảnh của nhiều loại thực phẩm mất vệ sinh được phát hiện trong thời gian qua đến mức nhiều người phải thốt lên rằng “không còn muốn ăn nhưng cũng phải nhắm mắt mà ăn”... Chưa hết, ngay cả những thứ đựng đồ ăn như hộp xốp mà các cơ quan chức năng Trung Quốc vừa cảnh báo gây hư gan, ung thư hay cả cái cây que cầm kẹo mút phát sáng cũng phát sinh độc tố khiến người dân thêm một phen “rùng mình”. Và cứ sau mỗi lần cảnh báo như vậy, cơ quan kiểm soát y tế, cụ thể là Cục ATVSTP lại hô hào vào cuộc ngăn chặn. Thử hỏi, nếu không có cảnh báo từ phía các nước hay phản ánh của người dân, của dư luận, cục có nhanh nhạy, sốt sắng đến vậy?
Cứ đợi “mất bò mới lo làm chuồng”, và điều này gần như là căn bệnh kinh niên của các cơ quan kiểm soát thực phẩm nước ta. Từ vụ độc chất melamine trong sữa đến 3-MCPD trong nước tương... đều thể hiện rõ cung cách quản lý còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Trong đó, công tác kiểm nghiệm thường xuyên để ngăn chặn, phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Tìm ra nguyên nhân, tìm ra độc chất để sớm cảnh báo, xây dựng những quy chuẩn an toàn thực phẩm là những nguyên tắc tối cần thiết. Vậy nhưng, ở đây những nguyên tắc ấy được các cơ quan kiểm soát thực phẩm nước ta thực hiện ngược lại. Nghĩa là cứ nghe, thấy sản phẩm nào, thức ăn nào gây ngộ độc, có nguy cơ gây hại thì lấy mẫu, kiểm nghiệm để cảnh báo, sau đó thì cứ ung dung!
Theo Cục trưởng Cục ATVSTP, hiện nay, mạng lưới kiểm nghiệm ATVSTP đã được hình thành rộng khắp trong cả nước. 5 trung tâm kiểm nghiệm “quy mô” đặt tại 5 khu vực của cả nước cũng được đầu tư hiện đại. Nói vậy chứng tỏ năng lực kiểm nghiệm thực phẩm được đầu tư, trang bị không phải là ít ỏi! Song thực tế ông Cục trưởng thừa nhận: 100% labo xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay chỉ mới xét nghiệm được một số chỉ tiêu vi sinh cơ bản như phẩm màu, chất ngọt tổng hợp trong thực phẩm, một số vi khuẩn gây hại Coliform, E.Coli, Samonella.
Để xây dựng một ngôi nhà, người ta phải thiết kế, rồi mới thi công và trong thi công phải có bộ phận giám sát. Vậy thì thực phẩm cũng không ngoại trừ. Đó là phải có những quy chuẩn an toàn về thực phẩm, quy chuẩn cho những đồ dùng, vật dụng dùng trong thực phẩm... Giả dụ là hộp xốp đựng cơm thì phải có quy chuẩn gì để khi đựng cơm, thức ăn không phát sinh chất độc, để từ đó người dân biết mà sản xuất, sử dụng và để cơ quan quản lý dễ kiểm soát, ngăn chặn và xử lý. Có như vậy mới mong hạn chế phần nào “vấn nạn” ATVSTP chứ không thể cứ vận dụng mãi cái ngược đời... mất bò mới lo... chạy theo sự vụ!
TƯỜNG LÂM