Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về tết đến lại nóng lên chuyện tấm vé xe về quê. Nào là người dân lo lắng không mua được vé, hành khách chen chúc mới mua được tấm vé, tình trạng xe dù chặt chém…
Nói một cách khác, tuy năm nào cũng có vẻ sôi sục chuyện tấm vé xe, thế nhưng cũng có một thực tế rằng không năm nào có bất kỳ hành khách nào phải vạ vật ăn tết ở thành phố do không mua được vé xe về quê. Từ thực tế này dẫn tới một thực tế phiền lòng khác: Đó là lắm khi những sự việc trên không bắt nguồn từ vấn đề không có xe, có vé, mà liên quan đến vấn đề thiếu thông tin, hoặc nhiễu loạn thông tin.
Ngay từ những mùa tết trước, các bến xe lớn đều luôn khẳng định sẽ không thiếu vé cũng như đảm bảo không để người dân nào không có vé về quê ăn tết. Đơn giản vì có nhiều giai đoạn bán vé đã được các cấp quản lý chuẩn bị: bán vé sớm do các doanh nghiệp (DN) vận tải tự thực hiện, bến xe bán vé theo ủy nhiệm của DN vận tải và cuối cùng là hình thức bán vé đi ngay. Trong giai đoạn DN vận tải tự bán vé, có thể có tình trạng hết vé, nhưng đó là tình trạng khan hiếm vé cục bộ tại thời điểm đó và xảy ra với DN vận tải đó, không có nghĩa là hành khách sẽ không có vé về quê. Bởi vì sau đó còn có giai đoạn bến xe bán vé ủy thác và các DN vận tải khác bán vé đi ngay trong ngày. Có lẽ người dân cũng cần nắm rõ rằng, vé bán đi ngay trong ngày diễn ra thường trực tại các bến xe, không nghỉ ngày nào, kể cả ngày tết. Vì thế khan hiếm vé có thể xảy ra nhưng đó là khan hiếm cục bộ, còn trong tổng thể thì đảm bảo không thiếu vé.
Có thể lấy tuyến TPHCM - Quảng Ngãi vào tết năm rồi làm dẫn chứng. Tuyến này cùng với tuyến TPHCM - Bình Định liên tiếp trong nhiều mùa tết gần đây luôn có số lượng hành khách rất đông. Năm ngoái, tuyến TPHCM - Quảng Ngãi có 10 DN vận tải bán vé, trong đó 7 DN tự bán vé và 3 DN ủy thác cho Bến xe miền Đông bán vé. Trong 7 DN tự bán vé, có 3 DN tổ chức bán vé sớm và lập tức hút vé, tức hết vé sớm. Khi đó, nhiều hành khách cũng “kết” đi xe của 3 DN này dĩ nhiên trở thành những người không mua được vé, nhưng điều này không có nghĩa là không còn vé để về Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong cục bộ ngắn hạn thì tạo ra tâm lý sốt ruột lo lắng cho một bộ phận người chưa mua được vé từ 3 DN bán vé sớm. Hai từ “hết vé” bắt đầu vang lên và lây lan (mà thiếu kiểm chứng) trong hành khách, càng làm cho không khí bức bối hơn. Sau đó, những hành khách chưa mua được vé đã được giải quyết khi 4 DN còn lại bán vé cũng như Bến xe miền Đông bán vé theo ủy thác từ 3 DN khác, chưa kể có vé bán đi ngay trong ngày.
Một hệ quả khác của sự thiếu thông tin và nhiễu thông tin, đó là vừa khi xảy ra khan hiếm vé cục bộ tại một thời điểm nào đó và đối với thương hiệu vận tải nào đó, có những người do sợ không có vé nên đã vội vàng tìm đến xe dù và khi đó họ có nguy cơ đối mặt với tình trạng chặt chém hoặc nhồi nhét hành khách.
Một mùa phục vụ tết của loại hình vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ lại đang cận kề, thiết nghĩ người dân cần nắm rõ vấn đề này để không hoang mang, lo lắng vô căn cứ, nhẹ thì mệt mỏi phiền hà vì chen chúc vào bến, nặng thì bị “chặt chém” và nhồi nhét trong những chiếc xe dù.
HUY KHÁNH