Thiếu vận động, trẻ lệch lạc nhân cách

Trẻ phố thị bị “nhốt” trong khung
Thiếu vận động, trẻ lệch lạc nhân cách

Đó là cảnh báo của TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM). Nhiều trẻ em ở đô thị đang bị nhốt trong “khung” và bị can thiệp quá sâu, bị tước đi quyền được vận động, vui chơi thoải mái…

Các em thiếu nhi tại một lớp học võ thuật. Ảnh: MAI HẢI

Trẻ phố thị bị “nhốt” trong khung

Phải chăng trẻ em ở các đô thị lớn như TPHCM đang bị nhốt trong cái khung quy chiếu của người lớn và người lớn ngang nhiên tước đoạt quyền được tự do vận động, vui chơi giải trí theo nhu cầu của trẻ em? So sánh với trẻ em thôn quê luôn tung tăng chạy nhảy trên những con đường quê, thỏa thích tắm nắng, bắt bướm, bẫy chim, tận hưởng hương đồng gió nội… thì trẻ em phố thị quá thiệt thòi! Không những thế, những đứa trẻ phố thị chẳng mấy khi được nếm thử các trò chơi dân dã đầy lý thú. Các em còn bị cha mẹ can thiệp, áp đặt quá nhiều thứ khiến nhiều trẻ ngây ngô như gà công nghiệp.

Vì những nguyên cớ “sợ”, lo ngại đủ thứ từ vi khuẩn, đến ánh nắng, người lạ, kẻ xấu dụ dỗ... nhiều bậc cha mẹ chọn cách “nhốt” con trong nhà cho an toàn. Thế là từ trường học đến về nhà, trẻ bị bó hẹp trong không gian chật chội của đô thị, thậm chí nhiều trẻ không được giao du với trẻ em hàng xóm, ở cùng chung cư. Trên thực tế, nhiều ngôi trường chật hẹp, thiếu sân chơi nên giờ ra chơi cũng chẳng có ý nghĩa gì bởi các em không được phép chạy nhảy thoải mái. Còn trong nhà phố thị thì không gian chật hẹp và lấy đâu chỗ vận động chạy nhảy để giải phóng năng lượng?

Theo TS Ngô Xuân Điệp, quy chiếu theo tư duy của người lớn thì cái thích của mình luôn đúng còn ý thích của con trẻ như đòi chơi trên bãi cát hay trên đất là dơ bẩn và không được phép. Việc cấm đoán, can thiệp không cho trẻ vận động một cách tự nhiên là trái quy luật sinh học và thể hiện sự không tôn trọng con cái. Trẻ em có quyền được quậy phá, thả hồn vào những trò chơi tinh nghịch, kể cả nằm dài trên mặt đất, chọc ngoáy, thăm dò những chỗ gọi là dơ bẩn để trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh theo cách của con trẻ. Vậy mà người lớn, cha mẹ lại áp đặt con cái phải thích, phải chơi theo ý người lớn và cái văn hóa quy chiếu này đã bó hẹp không gian, suy nghĩ và sự vận động tự do của con trẻ. Thực tế minh chứng điều này, một bộ phận cha mẹ thời nay cố tình không hiểu con và cố tình áp đặt con một cách máy móc.

Thiếu vận động sẽ bị tăng động

Trẻ em đến 6 tuổi mà vận động đủ thì sẽ ngồi yên, còn vận động thiếu thì sẽ tìm mọi cách được vận động để bù đắp. Nhiều trẻ bị tăng động là do vận động chưa đủ. Không những thế, hệ quả thiếu vận động, thụ động trong học và chơi sẽ dẫn đến rối nhiễu tâm trí, hành động thiếu chuẩn mực và nhân cách phát triển thiếu cân bằng. Chính vì thế, cha mẹ, trường học phải tạo điều kiện, tạo không gian cho học sinh tiểu học vận động đủ để các em phát triển bình thường. Học trên lớp chỉ là một kênh tiếp thu kiến thức, còn vui chơi, chạy nhảy sẽ giúp trẻ hiểu rõ cơ thể, hiểu rõ bản thân và biết cách trải nghiệm, ứng xử tốt hơn. Cụ thể các em biết lượng hóa nguy hiểm và biết cách đối phó hiệu quả nhờ tích lũy kỹ năng sống thực tế.

Có thể nói, tư duy quy chiếu của cha mẹ đã tác động đến hệ thống giá trị của con cái và nỗi khổ bị ép học thêm vào mùa hè để gánh ước mơ vào đại học, làm “ông này, bà nọ” của cha mẹ đã cướp mất tuổi thơ của con cái. Đây là sai lầm nghiêm trọng, bởi lẽ việc “ép học” từ nhỏ, từ học chính khóa trong năm học đến học hè đã tước đi niềm vui được vận động của học sinh. Và sự thụ động kéo dài đã dẫn tới thực trạng giới trẻ ngày nay, kể cả sinh viên có sức ì rất lớn, thiếu năng động, tính sáng tạo bị mất đi. Việc coi trọng nạp nhiều kiến thức và xem nhẹ sự vận động của học sinh là cách học lệch lạc và nó không thể phát triển nhân cách hài hòa cho người học.

Sự thiếu hụt kỹ năng vận động của trẻ và học sinh các cấp sẽ dẫn đến hệ quả các em không hiểu bản thân mình và vì không hiểu nên không thể tương tác, giao tiếp, thiếu sự tự tin. Kết quả là các em dễ thất bại trong giao tiếp, văn hóa ứng xử kém... Vì thế, đừng xem nhẹ niềm vui được vận động thoải mái, được chạy nhảy tự do theo ý muốn của con trẻ. Việc lắng nghe các em thổ lộ, nói ra điều mình thích và tìm mọi cách đáp ứng nguyện vọng sẽ giúp học sinh phát triển cân bằng trí tuệ lẫn nhân cách, hành vi ứng xử chuẩn mực.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục