Thịt heo ngâm mắm

Mấy năm trước mẹ tôi thích làm mấy món ngâm chua ăn tết. Mới đầu tháng chạp dưa kiệu phơi đầy trong sân. Cà rốt, đu đủ cắt hoa ưỡn ẹo nằm một bên, củ kiệu trắng như ngón tay con gái gọn gàng núp trong bóng mát. Nắng tháng Chạp nóng hâm hấp mà gió thổi ngang mặt cứ lạnh ngắt lạnh ngơ làm dưa kiệu lâu héo mặt. Thế mà mẹ vẫn kiên trì, bảo tự mình làm ăn vẫn ngon nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Mấy món mẹ tự làm mười thì hết tám là học của bà ngoại. Cái hồi xưa của mẹ, mỗi khi mẹ kể, lúc mẹ còn mẹ ấy, xa lắm, mới đó đã hai mươi năm trời. Thế mà những mứt bánh dưa muối, ngọt ngào chua chát vẫn rõ ràng đến tê dại đầu lưỡi, cứ nghĩ đến là lại thòm thèm. Lâu lâu mẹ phải giở ra làm lại, sợ quên.

Rồi, bữa đó mẹ nói với ba mẹ thèm thịt heo ngâm mắm.

Đó là một ngày gần cuối tháng Chạp, một ngày trong số ít những ngày ba ủng hộ mẹ bày vẽ. Ba hay gọi mấy món mẹ làm là bày vẽ, ba sợ mẹ cực. Mẹ đã cực lắm với chuyện cơm nước, ruộng đồng, ba sợ mẹ loay hoay làm những món này hoài lại sinh đau lưng mỏi cổ.

Nhưng lần đó, chắc ba cũng thèm nên ba ủng hộ.

Ký ức của ba, những món ngon của ba lúc nào cũng trùng khớp với mẹ đến lạ. Chắc đều là những người của cùng một thời. Ba nói: “Trời, cái hồi đó mà có miếng thịt heo ngâm mắm ăn với bát cơm nóng là ngon lắm đấy con!”. Tôi hiểu ngon đấy ý là ngon miệng, cũng ý là sung sướng và sung túc lắm. Nhìn con mắt ba long lanh, tôi có thể tưởng tượng được một miếng thịt đỏ hồng với thớ nạc hơi se lại trong khi phần mỡ vẫn lóng lánh mềm như một món thạch mỏng te đậu trên một chén cơm gạo mới đầy vun. Hạt gạo trắng như mây, nhựa gạo chưa khô hết, lúc nấu phải đổ thật ít nước để khỏi nhão, mở vung ra xới cơm mà mùi gạo thơm lừng bay khắp nhà. Nghĩ đến đấy là nước miếng tôi tự động tươm ra đầy trong kẽ răng, chẳng màng đã được nếm hay chưa.

Thế là mẹ tôi mua thịt về luộc. Trừ cúng giỗ ra, chỉ có tết người ta mới mua nhiều thịt khoanh như thế về luộc thôi. Tôi nhớ năm ấy mẹ mua nhiều lắm, tôi nhìn mà khoái. Với số thịt ấy, bọn tôi không cần phải tranh nhau, đứa lớn không cần nhín nhút nhường đứa nhỏ từng lát thịt mỏng dính. Thịt luộc xong đầy ụ, để dọc trên thớt, bốc hơi nóng hầm hập vì mới vớt ra khỏi nồi. Đợi thịt nguội rồi mẹ tôi đem xếp thẳng vào thẩu thủy tinh miệng rộng. Sau đó, em tôi nhảy chân sáo đi mua nước mắm Đề Gi loại ngon về đổ vào ngập hết mặt thịt. Tôi thả thêm mấy cục đường phèn, chút giấm, thật nhiều tỏi ớt thì cho thịt dậy vị.

“Ngâm bảy ngày mới có ăn!” Mẹ tôi nói thế khi thấy đám em đu trên kệ bếp nhìn cái thẩu. Con mắt bọn nhỏ phản chiếu mấy cục thịt đang ngấm nước mắm ngon màu cánh gián, trong vắt, trên mặt nổi ớt và tỏi lềnh bềnh. Cả bọn hít một hơi toàn mùi mắm, thèm thuồng.

Thế nhưng bây giờ nhớ lại món ấy trong tôi chỉ toàn là nuối tiếc. Cái ngày mẹ mở thẩu, đem thịt “chín” cắt ra độ chục lát mỏng, ba tôi gắp bốn đũa rồi ngưng, lũ em mỗi đứa một miếng đã lắc đầu.

Mẹ ngồi nhìn đĩa thịt, hơi sững lại. Có lẽ mẹ đang lục lọi những kỷ niệm đẹp trong đầu, mẹ ngờ mình làm sai ở đâu. Tại sao cái vị ký ức vẫn rõ ràng trên đầu lưỡi giờ chỉ còn hơi mặn lấn át, lơ lớ. Tại sao không ngon như mẹ vẫn trông mong?

Ngẫm lại, tôi trách mình đã không an ủi mẹ. Hoặc ít nhất thử ngăn mẹ lại đừng làm món cũ, chắc người sẽ không phải hụt hẫng, hoang mang. Bởi người ta có thể chụp hình, quay phim để lưu giữ kỷ niệm, để làm minh chứng, để so sánh, chứ nào có ai thu trữ được mùi vị của ấu thơ để mà đánh giá bây giờ. Nên dù nhận ra không như trí nhớ, mẹ cũng chẳng biết mình đã sai sót ở chỗ nào. Ngày cũ đã đi lạc ở đâu trong giờ phút ấy? Món thịt vẫn ngon, sao không làm người ta xao xuyến, sung sướng như xưa?

Tôi chẳng nỡ nói thịt ngâm mắm đã còn không hợp thời. Đám trẻ lớn lên với đồ ăn Tàu đồ ăn Tây, món gì cũng thử qua, không biết ao ước nữa. Trên ti vi người ta chủ trương giảm lượng muối lượng đường, những mắm muối mặn chát còn ai ham. Chỉ có mình mẹ ngồi nhìn mấy miếng thịt hơi khô mặt, cười bối rối.

“Sao cũng món ấy mà mẹ không thấy nó ngon nữa? Thôi để tết sang năm mẹ làm món khác cho con…’’

“Ngon mà, ngon mà, không ai ăn thì để đây tôi!” Chỉ có ba nắm lấy vai mẹ, gắp lấy mấy miếng trong đĩa bỏ vào chén của mình rồi cố ý gật gù cười.

Tự nhiên thấy thương mẹ, thương ba, thương những kỷ niệm mà ba mẹ đã ráng sức sẻ chia nhưng lũ con chẳng hiểu được. Những gì đã mất, sắp mất và sẽ mất. Những gì ta vẫn gọi là "Tết xưa" giờ đã thành cũ kỹ, xa xôi, chẳng hợp thời.

THANH LY

TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Tin cùng chuyên mục