Từ bàn tay má, tết xưa theo về

Những cơn nắng tháng Chạp lúc vàng non dịu nhạt, lúc lại đậm sắc vàng cứ rượt đuổi nhau từng đợt ngoài sân. Má lại bưng bê dời mấy mẹt tre theo hướng nắng rồi luôn tay trở bề mấy bẹ dưa cải, rổ hành tím. Những sợi dây chuối chẻ dọc còn thơm mùi nhựa lá cũng được xếp đầy một góc sân trưa im vắng. Mùi kiệu, mùi rau củ quyện vào mùi nắng nguyên sơ đưa hương tháng Chạp về đầy ắp sân nhà.

Sân nhà những ngày cuối năm tựa như một lò sấy thiên nhiên mà nắng tháng Chạp hào phóng ban tặng. Là nơi bề bộn những mẹt tre rau củ đủ sắc màu của cà rốt, củ cải, su hào, dưa kiệu. Rổ rá, chén bát để dành giỗ chạp cũng được má tận dụng những góc nắng để hong phơi như một nếp nhà quen thuộc.

Khi bếp lửa tháng Chạp bắt đầu nồng lên mùi giấm chua ngọt, mùi nước mắm đường thân quen của dưa món, củ kiệu, lòng tôi lại cứ nôn nao, khấp khởi. Tết đã cận kề. Vài bước chân nữa thôi là hết tháng Chạp, những chộn rộn lo toan ngày cuối năm lại ùa về theo từng thời khắc.

Đi chợ cùng má vào những ngày này đã nghe mùi của tết tràn về theo những thức mùa. Mùi của nhang trầm tĩnh lặng, mùi rau củ hăng hăng, mùi trái cây đưa hương thơm lừng… Thấy các món mứt được bày biện bắt mắt, tôi gợi ý mua về để má được nghỉ ngơi nhưng má vẫn muốn chọn mua nguyên liệu về tự làm các món mứt truyền thống như thời chị em tôi còn nhỏ.

mut-dua-ngu-sac-4269.jpg
Mứt dừa ngũ sắc

Đó là rổ củ gừng còn nguyên mùi đất, những trái tắc no tròn, là mớ cơm dừa hôm trước má dặn người quen để làm món mứt dừa ngũ sắc cho đàn cháu hảo ngọt. Theo má, ba ngày tết có hũ mứt gừng phòng khi bụng dạ không yên như một nếp nhà xưa cũ.

Ngày má làm mứt cũng là ngày đàn cháu được nghỉ học nên nhân lực phụ giúp rất dồi dào. Mấy đứa cháu thích thú cạo vỏ gừng, tay dao, tay thớt phụ ngoại xắt lát, ngâm rửa. Đứa lớn nhất được ngoại dạy từng công đoạn, cách luộc gừng cho giảm bớt độ cay nồng. Cách ướp đường vào gừng sao cho vừa đủ vị ngọt, rồi canh lửa sên mứt. Má dặn dò, làm mứt nào cũng vậy, cứ để lửa thong thả, chầm chậm, đừng vội vàng như bước chân chợ tết. Gian bếp lại rộn ràng hơi ấm của hương mứt, hương lá dứa quẩn quanh. Khoảnh khắc bà cháu bên nhau chuẩn bị mứt tết thật ấm cúng, thân thương, bọn trẻ cứ lăng xăng, tiếng nói cười, tiếng gọi ngoại ơi…

28 tết, cả nhà quây quần gói bánh.

tu-ban-tay-ma-tet-xua-theo-ve-1468.jpg
Từ bàn tay má, tết xưa theo về

Khoảng sân hôm ấy trải đầy sắc xanh của lá chuối, má tỉ mỉ dạy bọn trẻ cách lau lá. Lá to, lá nhỏ được xếp riêng để làm lớp trong, ngoài đòn bánh. Thịt mỡ, gạo nếp và các loại đậu làm bánh nhân mặn má đã dặn dò dâu con chuẩn bị từ đêm hôm trước. Mớ chuối sứ đã được bóc vỏ xếp ngay ngắn vào mâm chờ thấm muối đường để làm bánh chay dâng cúng ông bà tổ tiên.

Má phân chia mỗi người một việc, đứa thì xếp lá theo từng lớp xen kẽ, dọc rồi ngang, đứa tơi nếp đặt nhân, cột sơ hai đầu và đoạn giữa để định hình đòn bánh, rồi cột chặt cách quãng và bện lại thành cặp. Mỗi công đoạn má đều hướng dẫn chị em tôi làm thuần thục.

bon-tre-chuan-bi-noi-hap-banh-4324.jpg
Bọn trẻ chuẩn bị nồi hấp bánh

Ngoài sân đống củi vừa phơi đủ nắng, nồi hấp bánh đã được rửa lại sạch sẽ đặt cạnh cái kiềng sắt ba chân, tất cả đã sẵn sàng chờ nhen lửa ấm trong vài giờ tới. Gió xuân đã chạm đến thềm nhà, các chậu kiểng, chậu mai được tưới tắm đã bật dậy những búp nụ và chồi non xanh thắm. Từ góc bếp, mùi thơm của nồi khổ qua vừa chín tới, mùi thịt kho trứng dâng lên những làn hương đầm ấm ngày tết. Tiếng nhạc xuân đã về trên phố, những bước chân ngày cuối năm lại càng thêm vội vàng, hối hả.

bon-tre-thuc-canh-banh-6279.jpg
Bọn trẻ thức canh bánh

Đêm xuân, trời trở lạnh, từ cái bếp dã chiến, mùi nếp, mùi lá chín theo làn khói lan tỏa hơi ấm khắp sân nhà. Đội canh lửa đã có thâm niên nên việc giữ lửa, thăm bánh, châm nước, các anh làm rất gọn gàng. Má sau vài giờ nghỉ ngơi, cũng thức cùng con cháu. Vui nhất là bọn trẻ, bởi ngày thường mắt chẳng rời ti vi, điện thoại, ngày ngoại gói bánh các con được tận tay cầm từng đòn bánh thả vào nồi nước to đùng, được thấy các mẻ than đượm hồng cơi ra từ mớ củi đã cháy giòn kêu lách tách.

Tôi lại ngồi gần mân mê đôi bàn tay của má, ngắm nhìn nét thời gian và sự cần lao ẩn mình trong ấy. Mỗi khi tháng Chạp về, đôi tay má lại tỉ mẩn bày biện, lo toan từ khi chị em tôi còn chăm chỉ sách đèn, giờ lại đến thời các cháu. Khi cuộc sống tạm đủ đầy, đôi tay ấy vẫn ân cần bên góc bếp, sân nhà như ủ giữ những năng lượng tích cực, những ấm cúng, sum vầy, để cháu con có được những hương vị tết xưa đầy hoài niệm giữa nhịp sống thị thành ồn ào, tất bật.

Mùa xuân này, tết xưa chừng như vẫn vẹn nguyên nơi tầng đáy của thời gian, chỉ cần má bày biện mọi thứ vào tháng Chạp là hương vị ấy lại được khơi gợi, dâng trào tha thiết, nôn nao.

Từ bàn tay má, tết xưa theo về...

LƯƠNG BÍCH THỦY

Phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM

Tin cùng chuyên mục