Thời của hàng OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm phong phú, đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có chất luợng cao được gắn 4 và 5 sao. 

Đến thời điểm này, sử dụng các sản phẩm OCOP đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng trong nhiều gia đình Việt vì đây chính là đặc sản của mỗi tỉnh, thành và vùng miền.

Lạ, độc đáo

Trung tuần tháng 7-2020 vừa qua, gia đình chị Đ.U.Như tại TPHCM có dịp đi du lịch tại Quảng Ninh. Được một người thân dẫn đi mua sắm các mặt hàng đặc sản tại đây, chị Như đã chọn mua khá nhiều, nào là gà đồi Tiên Yên, nếp cái hoa vàng Đông Triều, miến dong Bình Liêu, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, rượu ba kích, trà hoa vàng Ba Chẽ… Tất cả những mặt hàng này đều nằm trong Chương trình OCOP Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có dán tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, có chỉ dẫn địa lý gắn với tên của từng địa phương trong tỉnh khá ấn tượng. Đáng lưu ý, chất lượng các sản phẩm rất đồng đều, thơm ngon, được gia đình chị Như đánh giá rất cao. 

Chọn mua đặc sản tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: CAO THĂNG
Gặp chúng tôi tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 diễn ra từ ngày 24-9 đến 27-9 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Bạch Mai (quận Phú Nhuận) cho hay, phải tranh thủ đến để mua đặc sản các vùng miền bởi đây là dịp hiếm có. Tại mỗi gian hàng của các tỉnh, chị Mai chỉ chọn từ 1-2 món để mua như đẳng sâm của Đắk Lắk, tinh dầu của Quảng Trị, bánh phồng tôm tươi MaNaCa của Năm Căn - Cà Mau, sầu riêng Bến Tre, thanh long đỏ của Long An… 

Tại gian hàng của tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, tỉnh đang tập trung toàn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre năm 2020. Đây là con đường ngắn nhất để đưa các sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước. Tỉnh Long An cũng đã chọn ra 14 mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu biểu, trong đó chủ yếu là sản phẩm OCOP để giới thiệu với các đối tác và người tiêu dùng TPHCM.  

Tại nhiều hệ thống siêu thị, điển hình như Big C - đơn vị đồng hành, gắn kết và hỗ trợ nhiều tỉnh, thành xây dựng và phát triển chuỗi các sản phẩm OCOP. Tại mỗi địa phương có siêu thị Big C, đơn vị này luôn dành phần quầy kệ tốt nhất để trưng bày các sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa được nhiều mặt hàng đặc sản. Đại diện hệ thống Big C cho hay, doanh thu đối với các nhóm hàng OCOP hàng năm tăng khá, ví dụ Big C Hạ Long đạt bình quân từ 150-200 triệu đồng/tháng. 

Chuẩn hóa sản phẩm

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước có 6.270 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Các đơn vị này đã sản xuất được 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm là thực phẩm, thảo dược, vải may mặc, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch. 

Người dân thành phố mua đặc sản tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Đến tháng 5-2020, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phê duyệt đề án, kế hoạch Chương trình OCOP; có 32 tỉnh, thành đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.711 sản phẩm OCOP có khả năng được “gắn sao” (sản phẩm được gắn từ 1 đến 5 sao; sản phẩm 1-3 sao phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm 4-5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Trên thực tế, hầu hết mặt hàng OCOP được phát triển từ sản phẩm sẵn có, là thế mạnh của các địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng được một sản phẩm OCOP theo chuẩn 4, 5 sao lại là điều không đơn giản và giải bài toán đầu ra ổn định luôn là vấn đề trăn trở. 

Theo tính toán của chị Chị Lê Kiều Phương, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phúc Thịnh (Cà Mau), tỉnh có nhiều lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản và mặt hàng bánh phồng tôm cũng không xa lạ với người tiêu dùng, nhưng để sản xuất được loại bánh phồng có nguyên liệu 35% là tôm tươi, công ty đã mất 3 năm chuẩn bị nguồn nguyên liệu và sản xuất thử nghiệm, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hiện công ty đang hoàn thiện sản phẩm từ bao bì, mẫu mã, chất lượng theo đúng chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao mang thương hiệu NaCaMa để nâng giá trị gia tăng, cạnh tranh tốt trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long (tỉnh Bến Tre) mong muốn nhà bán lẻ, nhà phân phối trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành, tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào kênh phân phối hiện đại với mức chiết khấu phù hợp, giúp các DN nhỏ và vừa, các HTX phát triển. 

Liên quan đến vấn đề đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vào kênh phân phối hiện đại, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc thu mua hệ thống siêu thị Big C cho biết, các đơn vị sản xuất cần đảm bảo các yếu tố về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, đảm bảo sản lượng, khâu vận chuyển và cung ứng sản phẩm. Đại diện Liên hiệp HTX TPHCM (Saigon Co.op) cho rằng, hàng hóa của DN địa phương đã có sự đầu tư mẫu mã, thiết kế bao bì nhưng khâu quảng bá, tiếp thị để giúp nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết trên thị trường lại chưa được đầu tư đúng mức. Do vậy, DN cần nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đồng thời, tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển HTX, DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.

Tin cùng chuyên mục