Bão số 9 di chuyển vào gần bờ (tiếp tục cập nhật)

Bão số 9 di chuyển vào gần bờ (tiếp tục cập nhật)
Bão số 9 di chuyển vào gần bờ (tiếp tục cập nhật) ảnh 1

Bộ đội giúp dân neo tàu an toàn tránh bão.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: hồi 13 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ vĩ bắc: 110,5 độ kinh đông; cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận khoảng 160 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11.Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 - 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km.Như vậy, trưa, chiều 4/12 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Khoảng tối 4/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến 13 giờ ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,7 độ vĩ bắc, 107,0 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Miền đông Nam Bộ.Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía nam Campuchia - Việt Nam.Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió bão mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, sóng biển cao từ 8 đến 10 mét. Biển động dữ dội. Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa -Vũng Tàu, gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Từ đêm 4/12, các tỉnh phía nam Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3-4 mét và sóng biển cao từ 5-7 mét.Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình kiến trúc. Đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.Phải cưỡng chế các hộ di dời khỏi vùng bão, bảo vệ tính mạng cho dân
Bão số 9 di chuyển vào gần bờ (tiếp tục cập nhật) ảnh 2

Chuẩn bị xuồng cứu hộ

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp bàn giải pháp phòng chống cơn bão số 9 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương sáng 4/12, tại Hà Nội.

Theo dự báo, bão số 9 có sức tàn phá lớn, có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy cần phải di dời các hộ dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, bảo vệ tính mạng cho dân. Việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải được triển khai khẩn trương, kiên quyết, tránh bỏ sót, đặc biệt là các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ban, ngành, các địa phương cần chủ động lên các phương án phòng tránh bão số 9, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cần bảo đảm an toàn cho các khu neo đậu tàu thuyền, tiếp tục chằng chống nhà cửa, kho tàng bởi bão số 9 rất mạnh, còn có khả năng đi sâu vào đất liền, do đó mọi việc di dời, phòng tránh phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 4/12.

Về tình hình sơ tán dân tại các địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: tại tỉnh Bình Định có 6.000 hộ với 24.000 người dân cần phải di dời (hiện đã di dời được 1.620 hộ với 6.413 người dân); tại tỉnh Phú Yên, tổng số dân cần di dời là 1.786 hộ với trên 4.000 người dân tại các huyện: Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa.

Tính đến 5 giờ sáng nay 4/12 đã di dời được gần 4.000 người; Tại tỉnh Khánh Hòa tổng số dân cần di dời là trên 23.000 người tại các huyện: Ninh Hòa, Cam Ranh, Khánh Sơn, Nha Trang, Đồng Khánh, Vạn Ninh, tính đến 6 giờ sáng nay mới di dời được gần 10.000 người dân; tổng số dân tại tỉnh Ninh Thuận phải di dời là gần 13.000 người, hiện mới di dời được 2.580 người; tỉnh Bình Thuận hiện mới di dời được gần 3.000 trên tổng số 26.000 người dân phải di dời.

Hiện nay, vẫn còn 1.791 tàu với gần 15.000 ngư dân đang trên đường di chuyển trú bão. Tại các tỉnh: Đà Nẵng có 38 tàu/147 ngư dân; Quảng Ngãi 18 tàu/226 ngư dân; Bình Định 227 tàu/2165 ngư dân; Phú Yên 52 tàu/482 ngư dân; Khánh Hòa 3 tàu/25 ngư dân; Nhinh Thuận 35 tàu/261 ngư dân; Bình Thuận 377 tàu/2.886 ngư dân; Tiền Giang 247 tàu/1.455 ngư dân; Bến Tre 181 tàu/1.983 ngư dân; Trà Vinh 1 tàu/5 ngư dân; Sóc Trăng 107 tàu/1.147 ngư dân; Bạc Liêu 127 tàu/1205 ngư dân; Cà Mau 213/1.592 ngư dân; Kiên Giang 165 tàu/1.235 ngư dân.


Không được chủ quan với bão số 9

Bão số 9 di chuyển vào gần bờ (tiếp tục cập nhật) ảnh 3

Tại cuộc họp giao ban sáng ngày 4-12 tại Văn phòng Thường trực Phân Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) miền Nam, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Vẫn còn một số tỉnh chủ quan với bão và sáng nay (4-12), Phó Thủ tướng đã gọi điện thoại gặp trực tiếp từng đồng chí Chủ tịch tỉnh nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu không được chủ quan với cơn bão số 9 vì nó diễn ra rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rất rộng và phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra.

Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền trong đêm nay (4-12) sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Quân đội dùng máy bay bay cập theo tuyến biển phát tín hiệu, dùng loa kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển phải vào nơi trú ẩn an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Phân Ban Chỉ đạo PCLB miền Nam, đến 5 giờ sáng ngày 4-12, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức di dời được 447 hộ (1.935 khẩu)/790 hộ theo dự kiến. Tỉnh Bình Thuận, tính đến 1 giờ ngày 4-12, toàn bộ số tàu thuyền đánh bắt của tỉnh đã vào bờ trú ẩn an toàn với 7.769 chiếc/38.471 lao động và đến 3 giờ cùng ngày di dời được 642 hộ/2.909 người đến nơi an toàn; dự kiến đến 10 giờ sáng ngày 4-12, tỉnh sẽ hoàn tất sơ tán dân vào nơi an toàn.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 6 giờ sáng ngày 4/12 đã di dời được 106 hộ và số tàu thuyền đã vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 2.468 chiếc với 18.935 người và còn neo đậu ngoài tỉnh là 285 chiếc với 1.795 người. Các tỉnh còn lại cũng đang chỉ đạo các huyện, thị, ban ngành trong tỉnh chủ động triển khai các phương án phòng chống bão số 9.

Quân khu 7 đã huy động lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, lực lượng hợp đồng với tổng số 11.576 quân bố trí theo 4 hướng: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Long An. Quân khu 9 đã huy động 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và mỗi huyện, mỗi xã một trung đội dân quân cơ động, có phương án cụ thể sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh để giúp dân di dời nhà cửa, tài sản ở địa bàn xung yếu ở các tỉnh và khu vực đóng quân.

Tổng Cục Cảnh sát đã huy động lực lượng, phương tiện triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, ứng cứu, di dời dân và tài sản ở các vùng xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão.

Chiều 4/12, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để kiểm tra việc triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 9.

Cần đề phòng lũ và sạt lở đất các bờ sông Trung và Nam Trung Bộ

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 9 kèm theo mưa kết hợp với không khí lạnh, ngày 4-12-2006, lũ các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ lên nhanh.

Ngày mai (5-12), mực nước các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đăklăc, Lâm Đồng có khả năng lên mức báo động 2, có nơi lên trên mức báo động 3; các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên lên mức báo động 1 - 2, có nơi lên trên mức báo động 2; các sông khác ở Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên ở dưới mức báo động 1.

Đặc biệt, cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ và ngập lụt ở vùng đồng bằng ven sông.

SGGP Online

Tin cùng chuyên mục