Giám đốc Trung tâm Dự báo KT – TV Trung ương Lê Công Thành:

Tôi sẵn sàng từ chức nếu đã dự báo sai

Tôi sẵn sàng từ chức nếu đã dự báo sai

Ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí chiều hôm qua, 25-5.

Tôi sẵn sàng từ chức nếu đã dự báo sai ảnh 1

- Thưa ông, một số đài quốc tế đã dự báo chính xác trong vòng 48 giờ, còn ở VN thì không?

- Chúng tôi thừa nhận rằng khả năng dự báo 48 giờ của chúng tôi còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, bất cứ dự báo nào cũng có sai số, 24 giờ, 48 giờ hay 72 giờ. Nhưng nếu sai số lớn hơn giá trị cho phép, dự báo đó không những không có giá trị cho tổ chức phòng chống mà còn gây thiệt hại nhiều hơn. Hãy so sánh, sai số vị trí tâm bão trong dự báo 24 giờ của Nhật Bản là 49km, Hoa Kỳ tại đảo Guam là 56km, Bắc Kinh là 103km, Anh là 107km, Hải quân Hoa Kỳ là 105 km, trong khi của VN là 79km.

Với cơn bão số 1, đồng bào thiệt hại một cách đau lòng như vậy, chúng tôi hoàn toàn không muốn nói rằng chúng tôi dự báo đúng. Nhưng cần nhìn lại toàn bộ quá trình dự báo chứ không nhìn tại một điểm.

- Tại sao chúng ta không dự báo trước 2 - 3 ngày, dù xác suất chính xác có thể không cao?

- Việt Nam không có khả năng dự báo 2 ngày hay 3 ngày với một độ chính xác cần thiết để ngư dân có thể tránh được bão sớm nhất. Nhiều người nói rằng các dự báo của Hồng Công, Hoa Kỳ đoán trước được sự dịch chuyển lên phía Bắc của cơn bão 2 ngày. Thứ nhất, chúng tôi thực sự bất ngờ, không được biết về việc vào mùa này ngư dân lại đánh cá nhiều như vậy trên biển và ở rất xa hải phận Việt Nam. Điều thứ hai, nếu chúng tôi thông báo rộng rãi về dự báo hướng di chuyển lên phía Bắc của cơn bão ngay từ ngày 13-5 (2 ngày trước khi bão thực sự chuyển hướng), thì trước hết phải xem lại đồng bào đang ở chính xác vị trí nào và với vị trí đó sẽ tránh bão như thế nào.

- Nhưng nhiệm vụ của trung tâm là phải dự báo chính xác và sớm nhất hướng di chuyển của bão, chứ không phải là xác định vị trí của ngư dân trên biển?

- Tôi xin nhắc lại, muốn tránh được bão chúng ta phải biết chính xác vị trí các thuyền đánh cá đang ở đâu. Vì ở mỗi vị trí, các tàu thuyền có hướng di chuyển tránh bão khác nhau, hoặc chạy vào đất liền, hoặc tiếp tục chạy ra biển. Chỉ cần dự báo lệch 100km, chúng ta có thể hướng dẫn tàu thuyền chạy thẳng vào tâm bão. Và đây cũng là điều từng xảy ra trong thực tế.

Hơn nữa tôi xin khẳng định rằng, theo đúng dự báo ngày 13-5, tức là dự báo bão sẽ di chuyển lên phía Bắc, ngư dân cho tàu chạy về phía Đài Loan là đúng. Nhưng thực tế do dự báo ngày 13-5 có sai số, nên đến ngày 17-5, bão lại chuyển hướng sang phía Đông (phía Đài Loan) và gây nên tai họa thảm khốc cho đồng bào. Vì vậy ngay từ ngày 13-5, nếu chúng ta ra thông báo bão sẽ chuyển hướng lên phía Bắc, ngư dân vẫn cho thuyền chạy về phía Đài Loan.

Thực tế chứng minh các dự báo dài ngày được các trung tâm dự báo quốc tế đưa ra vào ngày 13-5 có độ sai số lớn và sai số này rơi vào ngày 17-5. Đến ngày 17-5, bão không chạy thẳng phía Bắc vào Hồng Công nữa mà đổi hướng chạy xiên lên bờ biển phía Đông Trung Quốc. Ngư dân chạy lên phía Đài Loan lại rơi đúng vào vùng ảnh hưởng của bão.

- Có ý kiến cho rằng, trung tâm không sử dụng dự báo của nước ngoài mà chỉ đưa ra dự báo 24 giờ là do ngại trách nhiệm?

- Lúc 19 giờ ngày 14-5 bão ở vị trí 14 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông. Bản tin dự báo trước đó 24 giờ là 15,3 độ vĩ Bắc và 115,8 độ kinh Đông. Như vậy tâm bão thực tế cách tâm bão dự báo khoảng 120km. Vào thời điểm nhạy cảm nhất, thời điểm bão chuyển hướng, vào 19 giờ ngày 14-5, tâm bão sau 24 giờ sẽ ở 15,3 độ vĩ Bắc và 114,2 độ kinh Đông. Thực tế vào 19 giờ ngày 15-5, tâm bão ở 15,4 độ vĩ Bắc và 115 độ kinh Đông, cách tâm bão dự báo 90km. Nếu đã dự báo sai, tôi sẵn sàng từ chức và nhận trách nhiệm về mình.

- Rút kinh nghiệm về tính dự báo của cơn bão số 1, tới đây chúng ta có tính tới việc hợp tác với các đài dự báo quốc tế để tăng độ chính xác của dự báo?

- Việc này chúng tôi vẫn làm thường xuyên. Tuy nhiên, chắc chắn tới đây sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế để tăng độ chính xác của dự báo, đặc biệt là dự báo xa và nới rộng phạm vi kiểm soát thiên tai.

LÊ VĂN ghi

Tin cùng chuyên mục