Bão số 3 đang mạnh lên và đến gần bờ

Vẫn còn trên 1.500 tàu cá xa bờ trên biển

Vẫn còn trên 1.500 tàu cá xa bờ trên biển

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ hôm qua, 2-8, bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ Bắc, 114,5 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/giờ), giật trên cấp 11.

Vẫn còn trên 1.500 tàu cá xa bờ trên biển ảnh 1

Đường đi của bão số 3.

Dự báo trong sáng nay (3-8), bão tiếp tục di chuyển về phía Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc biển Đông.

Trong vòng từ 24 đến 48 giờ tới, bão số 3 có khả năng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, có thể ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Do tác động của hoàn lưu bão, gió mùa Tây Nam trên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm vùng biển ngoài khơi Nam Trung bộ, Nam bộ) mạnh cấp 6, cấp 7. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc tố.

Chiều tối 2-8, trao đổi với phóng viên SGGP, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cho biết, tình hình kiểm soát, kêu gọi các tàu và thuyền khai thác thủy sản trên biển trở về đất liền, tìm nơi an toàn để tránh trú bão số 3 lần này của Bộ Thủy sản đã cơ bản được cải thiện hơn nhiều so với cơn bão số 1 và 2 trước đó.

Tính đến thời điểm tối qua, Sở Thủy sản các tỉnh đã kịp thời gửi số liệu, thông tin tổng hợp về tình hình các tàu thuyền còn trên biển cũng như số tàu đã về tìm nơi neo đậu an toàn. Tại Thái Bình, có 38/50 tàu đã về trú đậu tại Cát Bà (Hải Phòng), 12 tàu khác tìm về neo đậu tại Thái Bình. Ở Nam Định có 145 tàu cá xa bờ của huyện Hải Hậu đã vào trú ẩn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Cũng theo thống kê, chiều qua 2-8, đã có 32 tàu chở 258 ngư dân của Quảng Ngãi và 4 tàu chở 31 ngư dân Quảng Bình đã về đến cảng tránh trú Cửa Việt. Còn tại Đà Nẵng, đến chiều qua, chính quyền địa phương đã bắt được tín hiệu của 17 tàu cá tránh trú bão tại tọa độ 190N, 1040E. Sở Thủy sản Đà Nẵng cho rằng vị trí neo đậu như vậy là không an toàn và đã yêu cầu các tàu này tiếp tục di chuyển về nơi an toàn hơn.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Bộ Thủy sản, đến nay vẫn còn 397 tàu cá của các ngư dân Thanh Hóa đang hoạt động trên biển, tập trung phần đông ở quanh đảo Bạch Long Vỹ, Cát Bà và vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ. Chính quyền địa phương đã kịp thông tin tình hình cơn bão cho ngư dân và theo kế hoạch, các tàu này sẽ cập cảng tránh trú bão vào sáng nay 3-8.

Tương tự, ở Nghệ An, theo thống kê vẫn còn 1.092 tàu khai thác xa bờ còn ở trên biển. Trong số đó, 220 tàu thuyền loại công suất nhỏ, hoạt động theo kiểu sáng đi chiều về, mức độ nguy hiểm không nhiều. Số còn lại chủ yếu đang hoạt động từ vĩ độ 17030N trở ra. Phần lớn các tàu đã nắm được thông tin từ đất liền và đang trên đường tìm nơi trú ẩn.

Chiều qua, Sở Thủy sản Nghệ An cùng các đồn biên phòng bắt đầu “đóng cửa” tất cả bến cảng, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi. Ở Hà Tĩnh, theo thông tin do ngư dân chuyển về cho biết, hiện còn 1 tàu xa bờ đang đánh cá ở biển Ninh Thuận và 62 chiếc khác công suất nhỏ làm nghề câu mực đang khai thác ở vùng biển phía Đông Nam đảo Trường Sa, Bạch Long Vỹ.

Riêng tại Quảng Bình, hiện vẫn còn 452 chiếc tàu xa bờ đang đánh bắt tại khu vực vịnh Bắc bộ và cửa vịnh Bắc bộ. Còn tại Quảng Trị, chiều qua có 20 tàu với 160 thuyền viên đang đánh cá ở vùng biển cách Quảng Trị 15km, là khu vực được coi an toàn. Tuy vậy, tỉnh này vẫn còn 2 tàu cá mang ký hiệu QT 90089 BTS và QT 91052 BTS chở 23 thuyền viên đã ra biển xa bờ được 15 ngày, nhưng đến chiều tối qua, đất liền vẫn chưa xác định được vị trí cũng như chưa liên lạc được với họ.

Được biết, có thông tin rằng có 37 tàu cá của Quảng Ngãi đang đánh cá ngừ ở quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi bão sẽ đi qua, rất nguy hiểm. Sở Thủy sản tỉnh này cho biết, có 4 tàu đã kịp trở về đất liền. Số tàu còn lại đêm qua đang trên đường di chuyển về đất liền và vào ngư trường phía Nam. Sở Thủy sản Quảng Ngãi vẫn đang giữ liên lạc với 33 tàu thuyền kể trên.

Bộ Thủy sản cho biết, đến chiều qua, có 2 địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng vẫn chưa nắm được tổng số tàu thuyền của địa phương còn đang hoạt động trên vịnh Bắc bộ là bao nhiêu cũng như số lượng tàu đã kịp cập bờ, vào nơi neo đậu tránh bão

* Tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 2-8, cho biết: hơn 200 hộ dân các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây đã được di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ nứt núi. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở nơi ở mới được thuận lợi, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã quyết định hỗ trợ lương thực cho các hộ gia đình này.

NHÓM PV

Sớm hoàn thành hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai cho ngư dân trên biển

Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã họp sơ kết công tác PCLB 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ đến cuối năm 2006 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây ra hậu quả khá nghiêm trọng về người (hơn 300 người chết và mất tích) và vật chất. Nguyên nhân chủ yếu là công tác dự báo chưa thực sự theo kịp diễn biến của thiên tai, thông tin và biện pháp phối hợp đối phó của các ngành, các địa phương chưa nhịp nhàng. Phát biểu chỉ đạo công tác PCLB, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Cơ quan dự báo phải liên tục đổi mới cập nhật những thông tin chính xác đến cho nhân dân; Bộ Bưu chính - Viễn thông phải sớm hoàn thành hệ thống thông tin cảnh báo thông báo thiên tai cho nhân dân trên biển. Trong khi đó, các bộ ngành, địa phương phải tập trung mọi nhân lực, vật lực làm tốt công tác đối phó với bão, lũ quét ở Bắc bộ và Trung bộ; xây dựng cụm tuyến dân cư an toàn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. TH.N. 

Tin cùng chuyên mục