Vụ “gian lận thi cử” tại Bộ GD-ĐT

Không công nhận kết quả thi của hai thí sinh vi phạm

Như SGGP đã thông tin, liên quan đến sự kiện “gian lận thi cử” ngay tại Bộ GD-ĐT trong kỳ thi tuyển công chức (ngày 9-9 vừa qua), ngày 15-9, Hội đồng thi tuyển công chức của Bộ đã có cuộc họp xem xét việc xử lý đối với hai thí sinh vi phạm.

Tuy nhiên, sau cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức, đã tỏ thái độ bất hợp tác với báo chí khi từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc xử lý kỷ luật đối với hai thí sinh vi phạm cũng như trường hợp liên quan là bà Đào Thị Bình, Trưởng phòng Tổng hợp của Văn phòng Bộ. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GD-ĐT Lê Văn Học cũng từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Chỉ đến lúc 19 giờ tối qua, quan chức cuối cùng của Bộ GD-ĐT mà chúng tôi có thể phỏng vấn được là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi ông vừa rời phòng làm việc.

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, vụ gian lận thi cử này tại Bộ GD-ĐT được nhận định là có tiêu cực và dàn xếp. Xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý đối với vụ tiêu cực trên và với người liên quan là bà Trưởng phòng Tổng hợp Đào Thị Bình?

- Bộ trưởng NGUYỄN THIỆN NHÂN
: Tôi đã có chỉ đạo là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Liên quan đến chị Bình, sự việc này đã được chuyển đến người phụ trách trực tiếp là Chánh Văn phòng Bộ. Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm yêu cầu chị Bình làm kiểm điểm, nếu không có gì thì thôi, nhưng nếu có vấn đề thì sẽ lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý cán bộ theo đúng quy định của luật pháp.

- Nhưng cho đến thời điểm này, Bộ đã có kết luận chính thức đây là một vụ tiêu cực chưa, thưa Bộ trưởng?

- Chưa thể có kết luận cuối cùng, vì việc xử lý phải có quy trình. Chúng tôi đã cử người về quê gặp đương sự, yêu cầu làm kiểm điểm và sau đó, Hội đồng kỷ luật của Bộ mới xem xét. Quyết định sinh mạng của một con người là vô cùng quan trọng, nếu họ sai thì xử nhưng nếu họ không sai thì chúng ta không được phép làm mất đi cơ hội của cuộc đời họ.

- Nhưng đối với hai thí sinh thì việc vi phạm quy chế đã rõ, Bộ sẽ xử lý thế nào?

- Đối với hai thí sinh thì việc xử lý đã rõ: không công nhận kết quả thi và làm biên bản gửi về cơ quan nơi cử hai cán bộ này đi học để cơ quan tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Còn ở đây, chúng tôi sẽ xem xét việc liên đới của người trong Bộ là chị Đào Thị Bình. Sự có mặt của hai thí sinh tại phòng làm việc của chị Bình chưa đủ cơ sở kết luận sai phạm ở mức độ nào để kỷ luật. Đó chỉ là hiện tượng, chúng tôi đang phải xem xét kỹ lưỡng để xử lý thật đích đáng, đúng mức.

- Thưa Bộ trưởng, đến bao giờ sự việc này mới có kết luận chính thức?

- Dự kiến, đầu tuần tới, Hội đồng kỷ luật của Bộ sẽ họp.

- Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào trước sự việc đáng tiếc này, ngay sau khi Bộ vừa tổ chức cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử”?

- Tôi thấy không ngạc nhiên, bởi trình độ yếu kém thì sẽ bộc lộ thôi. Điều quan trọng là quyết tâm của toàn ngành kiên quyết loại bỏ tiêu cực trong thi cử, là kiên quyết xử lý nghiêm để lấy lại lòng tin của các bậc phụ huynh và mọi người dân.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

VIỆT LAN thực hiện

Thu hồi kinh phí du học cấp cho nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển

Ngày 15-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao đã ký văn bản số 148/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đồng chí Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đi học nâng cao trình độ tiếng Anh tại Vương quốc Anh.

Ngày 13-9-2006, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo vụ việc. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo như sau: Việc dùng ngân sách Nhà nước (từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo cán bộ tại cơ sở nước ngoài do Bộ GD-ĐT quản lý, gọi tắt là Đề án 322) cho đồng chí Nguyễn Minh Hiển đi học nâng cao trình độ tiếng Anh 6 tháng tại Vương quốc Anh là không phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT. Việc làm không đúng này đã gây bất lợi trong dư luận.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông báo việc làm không đúng này đến đồng chí Nguyễn Minh Hiển và chỉ đạo thu hồi toàn bộ khoản kinh phí đã cấp để nộp lại Ngân sách Nhà nước (kinh phí của Đề án 322). Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc này. T.T.X.

Tin cùng chuyên mục