Kính gửi cô Hoàng Kim Thanh,
Đã ngót 50 năm trôi qua kể từ khi em bước vào nghề sư phạm. Hồi đó, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngành sư phạm đã ế ẩm rồi. “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua, nông dân xin kiếu…”. Câu văn vần nôm na ấy đã xuất hiện từ thời điểm em nộp đơn xin thi vào đại học. Nhưng với em, nghề dạy học có một ma lực hấp dẫn đến thiêng liêng.
Em còn nhớ trong lá đơn xin thi vào đại học dạo ấy, em ghi: “Nguyện vọng 1: Sư phạm. Nguyện vọng 2: Sư phạm. Nguyện vọng 3: Sư phạm.” Học không tồi mà chọn sư phạm là ngành thi duy nhất, chắc rất ít người. Nguyên nhân trực tiếp, cũng là nguyên nhân sâu xa để em kiên định sự chọn lựa ấy, chính là nhờ hình ảnh quá đẹp đẽ của nhiều thầy, cô giáo đã in đậm trong trái tim em suốt 10 năm ngồi trên ghế nhà trường, trong đó, cô là cô giáo thân thiết, gần gũi đã để lại trong em những tình cảm sâu sắc, lâu bền nhất.
Bước vào trường sư phạm, em luôn thường trực ý nghĩ: sẽ cố gắng phấn đấu theo gương cô. Em thầm ao ước, sau này, chỉ cần một học sinh yêu quý mình như mình yêu quý cô cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.
Những năm học sư phạm và 10 năm đầu vào nghề, cuộc chiến tranh đi vào thời kỳ ác liệt. Trường liên tục phải sơ tán. Cô trò mỗi người mỗi nơi. Nhưng hình ảnh cô luôn theo em trên mọi chặng đường. Lúc khó khăn, em đã nghĩ tới cô và cô đã giúp em vượt qua tất cả. Những niềm vui nho nhỏ trong nghề, em cũng muốn được chia sẻ cùng cô. Một giờ dạy thành công em cũng muốn có cô hiện diện để chứng kiến đứa học trò nhỏ của cô năm xưa đã lớn lên như thế nào.
Ngay cả chuyện hát hò cũng thế. Một lần, em nhớ vào mùa xuân 67, trong khí thế cả nước ra trận, thầy trò diễn tập quân sự trên một ngọn đồi thông lộng gió Hà Trung (Thanh Hóa), khi nghỉ giải lao em đã hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, bài hát mà cô đã từng hát hay hơn bất cứ ai hồi ở Vinh, có lẽ cô đã hát bài hát ấy bằng tất cả niềm thương nỗi nhớ quê hương xa cách của mình. Bọn em nghe xúc động đến tận đáy lòng…
Thật kỳ lạ, anh Nguyễn Bá Thâu, Hiệu trưởng trường Hà Trung năm đó, khi nghe em hát xong đã ngợi khen em trong xúc động: “Anh đã tham gia chiến dịch Bình Trị Thiên hồi chống Pháp, nghe em hát anh thương nhớ đến thắt cả lòng, anh chưa nghe ai hát bài này hay và xúc động như vậy”. Em phát ngượng nhưng cũng rất sung sướng vì lời khen, và thầm nghĩ rằng: Có lẽ tâm hồn cô và tiếng hát của cô đã hiện diện trong tiếng hát và tâm hồn em vào lúc ấy.
Sau này, nhiều lần em muốn tìm đến thăm thầy, thăm cô, nhưng bao nhiêu năm em vẫn lặn biệt tăm. Vì đường sá cách trở, hoàn cảnh khó khăn, túng bấn ư? Điều đó chỉ đúng một phần. Hình như trong sâu xa, em sợ… gặp lại nhỡ bị đổ vỡ thần tượng như em đã từng thấy quá nhiều ở những cuộc tái ngộ trong đời. Em thật có lỗi với thầy cô, mong cô mở lòng đại xá.
Thật may mắn, năm 1976, bất ngờ em được gặp lại cô. Cô vẫn thế. Tươi tắn, trẻ trung, nồng nhiệt, gần gũi… Quá vui mừng khi lại được cùng cô làm việc trong một mái trường (Cao đẳng Sư phạm)! Là quân của cô, đồng nghiệp của cô, em lại được biết thêm những phẩm chất mới của cô mà hồi làm học trò cô em chưa có điều kiện và trình độ để hiểu biết. Đó là một tính cách cương trực hiếm thấy, là sự tận tụy quên mình. Cô đúng là mẫu người lãnh đạo đặc biệt độc đáo. Bận rộn với bao công việc bộn bề, cô vẫn hết sức quan tâm và sâu sát đến hoạt động dạy và học, công tác nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động văn thể mỹ. Em ít thấy có ai tập trung nhiều phẩm chất (tưởng như trái ngược) trong một con người như cô: một người lãnh đạo khá kiên quyết và cứng rắn trong một tâm hồn nghệ sĩ, một tính cách cương trực mà hài hòa tế nhị, một phong cách cởi mở chan hòa ẩn trong một nhà giáo nghiêm khắc kiểu mẫu…
Với riêng em, cô vẫn là cô giáo dạy Vật lý, dạy Nhạc năm xưa, rất đỗi thân tình. Được cùng cô ôn lại những kỷ niệm thời thơ trẻ luôn là một niềm vui bất tận trong em. Mới ngày nào còn thắt khăn quàng đỏ, mặc “jupe” theo cô đi hát múa tối ngày, mới ngày nào cùng cô và thầy dạo trên con đường Phan Đình Phùng (Vinh) quen thuộc, giữa những đêm hè gió Lào rát mặt cùng cô thưởng thức những sáng tác mới của thầy, trong căn phòng chật hẹp của khu tập thể nhà lá trường Huỳnh Thúc Kháng… Thầy Hoàng Thiệu Khang, người bạn đời của cô là một thầy giáo có nhiều tư chất nghệ sĩ, một nhà mỹ học náu mình trong một thầy giáo dạy Văn. Không thể tưởng tượng là một nửa thế kỷ đã đi qua. Thầy nay đã thành người thiên cổ.
Dạo thầy ra đi đột ngột, em tưởng cô khó vượt qua nỗi đau quá lớn lao. Nhưng cô đã vượt qua bằng tất cả nghị lực và khát vọng cống hiến. Và tuy đã hơn 16 năm qua kể từ khi về hưu, nhưng nỗi niềm về giáo dục vẫn canh cánh bên lòng. Bằng tất cả tâm huyết, nhiệt tình và uy tín, trong vai trò của Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 1 và Ban Chấp hành Hội Khuyến học Quận 3, ngày ngày em vẫn thấy cô cầm cuốn Sổ Vàng trên tay, gõ cửa nhiều gia đình, nhiều tổ chức, để hàng năm đều đặn có những suất học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học. Đưa tiền cho cô, người ta biết đồng tiền sẽ đến đúng chỗ cần đến. Người thân và con cái của cô thương cô vất vả, rất muốn cô được nghỉ ngơi tuổi già, nhưng những người như cô làm sao có thể nghỉ ngơi được khi xã hội còn cần đến mình, những trẻ em nghèo ham học còn cần những người tâm huyết?
Riêng em, phải cám ơn thầy cô rất nhiều về tất cả những gì mà thầy cô đã dành cho trong suốt bao nhiêu năm trời: những quan tâm săn sóc tỉ mỉ, những kiến thức nhiều mặt, trong đó phải kể đến các tác phẩm âm nhạc kinh điển của Mozart, Beethoven, Chopin, Schubert, đã thấm vào tâm hồn bọn em từ tiếng guitar tài hoa của thầy. Đặc biệt nhờ cô mà cả kho bài hát thiếu nhi rất hay, rất trong trẻo dạo ấy “Quê em bừng sáng”, “Em ca hòa bình”, “Giấc mơ em đẹp quá”, “Em đi thăm miền Nam”… vẫn được em cất giữ nguyên vẹn, thỉnh thoảng lại đem ra hát cùng con cháu, làm cho tâm hồn trẻ lại, làm chậm lại cả những bước chân nghiệt ngã của thời gian… Đó là những nguồn tài sản vô cùng quý báu.
Hình như cô chưa từng nghĩ tới danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú nhưng cô là một nhà giáo đích thực, đúng nghĩa trong trái tim của những học trò có may mắn được học với cô.
Và trên tất cả, cô là tấm gương rất sáng về nhân cách sống, nhân cách LÀM NGƯỜI không phải nhà giáo nào cũng có.
Sắp đến tuổi cổ lai hy rồi, nhưng em mãi vẫn chỉ là người học trò nhỏ của cô
NGUYỄN THỊ DƯ KHÁNH