Ở Trung ương Cục miền Nam, mỗi vị lãnh đạo có quan điểm trong công việc, phong cách lãnh đạo khác nhau nhưng đều là những tấm gương về tính kỷ luật, sự bình dị và lòng nhân hậu. Chúng tôi đã ghi lại mẩu chuyện về những vị lãnh đạo nghiêm khắc, nghĩa tình theo lời kể của ông Tô Bửu Giám, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và bà Đặng Hồng Nhựt, nguyên nhân viên Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.
- Chính xác, bình dị
Ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi thường gọi các đồng chí lãnh đạo bằng bí danh nhưng tên gọi thân thương nhất, hay được dùng nhất vẫn là “ông già”, chẳng hạn như “ông già” Mười (tức Mười Cúc, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 10-1961 đến tháng 10-1964), “ông già” Sáu (tức Sáu Di, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 10-1964 đến tháng 7-1967), “ông già” Bảy (tức Bảy Hồng, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ tháng 8-1967 đến tháng 4-1975).
Phong cách làm việc của “ông già” Sáu rất quân sự, mọi việc đều phải chính xác. Ngoài việc buổi sáng nghe báo cáo tổng hợp tin tức qua các đài phát thanh trong nước và nước ngoài, “ông già” Sáu phân công cho tôi, Tô Bửu Giám, nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo tin tức vào 21 giờ đêm.
Một buổi tối, anh Hai Đức được phân công theo dõi Đài BBC báo cho tôi biết: Thủ tướng Anh Wilson sang New York gặp Tổng thống Mỹ Nixon. Báo cáo cho “ông già” Sáu xong, tôi về nghe lại tin thì không phải là Thủ tướng Wilson sang New York mà là gọi điện thoại cho Tổng thống Nixon. Sáng hôm sau, không chờ đến 7 giờ, tôi tức tốc đến đính chính tin báo sai hôm qua.
“Ông già” Sáu nổi nóng thật sự và nghiêm khắc phê phán: “Sao đồng chí vô trách nhiệm thế! Đêm qua tôi ngủ không được, suy nghĩ sao Wilson phải bay sang Mỹ bàn về vấn đề Việt Nam với Nixon. Ông ta gọi điện khác hẳn với việc trực tiếp bay đến gặp Nixon chớ. Dù là báo cáo tin qua nghe đài cũng phải có trách nhiệm”. Tất nhiên, là người có lỗi, tôi nhận thiếu sót và về báo cáo lại cho các đồng nghiệp với lời năn nỉ thiết tha: “Sau này các bác chịu khó nghe kỹ, báo cáo chính xác giúp cho, kẻo lần sau…”. Anh Hai Đức, “thủ phạm” chính, cười như mếu, thanh minh: “Cái đài mắc dịch của mình cứ rè rè khó nghe quá!”. Tất cả cười xòa nhưng cùng nhận thức được sâu sắc trách nhiệm của cán bộ tiếp cận lãnh đạo là phải hết sức cẩn trọng với báo cáo của mình.
“Căn cứ an toàn nhất là lòng dân” - “ông già” Mười vẫn thường nhắc chúng tôi như vậy. Ông cho rằng rừng cây, địa hình hiểm trở, hầm bí mật… có thể che mắt quân thù nhưng vẫn là vật chết; con người mới là vốn sống. Nhân dân đã hiểu rất rõ cách mạng sẽ sẵn sàng chết để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Vì vậy muốn tự bảo vệ, cách hay nhất không phải là sống tách biệt với nhân dân mà phải sống có tình nghĩa trong lòng nhân dân. Cũng chính từ quan điểm này, “ông già” Mười không thích phô trương hình thức, đi đâu cũng chỉ có vài đồng chí bảo vệ. Khi đi chiến trường, “ông già” không chịu để anh em tổ chức trung đội bảo vệ cùng đi mà chỉ nói anh em bố trí chốt chặn ở những nơi nguy hiểm. Về sau này, trong thời bình, tư tưởng ấy của ông càng được thể hiện rõ. Đi công tác xa, ông chủ trương không có xe “tiền hô hậu ủng”, hụ còi để các phương tiện khác né tránh, nhường đường; không đi máy bay chuyên cơ mà đi chung với hành khách. Ông bảo, như thế vừa đỡ lãng phí tiền của nhà nước, công sức của lực lượng công an theo bảo vệ, vừa không làm phiền dân, tạo sự tách biệt giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân.
- Quan tâm, đồng cảm
Nhìn bề ngoài, nhiều người chưa từng sống chung nghĩ rằng “ông già” Bảy rất nghiêm khắc nhưng thật sự ông sống rất tình cảm, luôn lo cho anh chị em hơn bản thân mình. Trong thời gian công tác ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, tôi luôn nghe ông dặn dò anh em và các bác sĩ tiếp cận chăm sóc sức khỏe các đồng chí lớn tuổi như anh Mười (Nguyễn Văn Linh), anh Hai Văn (Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), anh Năm Nga (Trần Nam Trung, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam), anh Tư Thường (Phạm Văn Xô, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam)… Có ai gửi gì bồi dưỡng cho ông, ông đều bảo mang đến cho các anh ấy vì cho rằng các anh ấy cần hơn. Khi biết anh Ba Bình (Phạm Thái Bường, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam) bị xơ gan, “ông già” Bảy rất lo, thường hỏi thăm, nhắc các đồng chí trong Ban Bảo vệ sức khỏe mời các bác sĩ giỏi nhất ở Ban Dân y miền, Ban Quân y đến hội chẩn và ra phác đồ điều trị với lời dặn rất tha thiết: “Thuốc gì quý nhất cần cho anh Ba, dù tốn bao nhiêu cũng phải mua, khó cách mấy cũng phải tìm để trị cho anh ấy”. Những thuốc đặc trị bồi dưỡng Trung ương gửi cho ông như Moriamine forte (viên và ống tiêm), sâm Cao Ly loại tốt, ông đều bảo các bác sĩ ở văn phòng phân phát cho các đồng chí trong cơ quan đau yếu tiêm, uống để mau hồi phục sức khỏe.
Đối với các đồng chí ở chiến trường về, “ông già” Bảy đều nhắc văn phòng đưa các anh chị ấy đi khám bệnh, làm răng, cung cấp thuốc men đầy đủ. Là lãnh đạo nhưng ông sống rất chan hòa, quan tâm đến từng người. Khi chị Nguyễn Thị Một ở tù về, ngoài việc dặn anh chị em bồi dưỡng chu đáo, ông còn biếu chị một chiếc radio mà Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng nhưng vì sợ chị ngại nên anh bảo Trung ương Cục tặng chị. Hay một lần, khi chị Nguyễn Thị Được qua Trung ương Cục làm việc, ông dặn anh em bảo vệ hái khế ngọt đem biếu các chị em trong đơn vị vì biết mọi người thường thèm chua ngọt. Có thể nói không quá đáng rằng “ông già” Bảy là học trò tốt của Bác Hồ, luôn biết “lo cho tất cả, chỉ quên mình”.
“Ông già” Sáu (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất nghĩa tình. Có lần, trên đường đi công tác ở tỉnh, ô tô bị hư phải dừng lại sửa, ông xuống xe đi bách bộ, ngắm nhìn đồng lúa và cuộc sống của nông dân. Tình cờ, ông đi gần, nghe chuyện một đôi vợ chồng bộ đội trên đường, biết họ mới cưới nhau. Tiễn chồng trở về đơn vị, chị vợ nói: “Vợ chồng mình mới cưới mà chỉ có mấy ngày phép, ước gì mình có thêm vài ngày phép nữa để vợ chồng được sống bên nhau lâu hơn”. Anh chồng trả lời: “Anh còn mong ước nhiều hơn em nhưng anh không thể trễ phép, kỷ luật quân sự thời chiến mà em”. “Ông già” Sáu thấy thương họ quá, liền gọi hai vợ chồng người lính trẻ lại hỏi: “Cậu có thích được nghỉ phép thêm nữa không? Tôi sẽ tặng cho cậu thêm một tuần phép nữa”, sau đó ông trở lại xe lấy giấy viết có tiêu đề của Tổng cục Chính trị, hỏi tên anh bộ đội và viết ngay lệnh cho thêm 7 ngày phép. Lúc này, anh lính mới mừng quýnh, dập chân chào đại tướng và cảm ơn rối rít, cô vợ trẻ reo lên sung sướng rồi quay gót trở về. Câu chuyện ấy đã cho chúng tôi bài học về đức tính quan tâm đến người khác, kể cả những người có vẻ như chẳng liên quan gì đến mình và cách giải quyết nhạy bén, khen thưởng, động viên kịp thời, đúng lúc đối với người lính trẻ có tính kỷ luật cao.
Bộ phận cơ yếu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Trong bài viết “Bí mật bạch chỉ” đăng trên số báo ngày 22-4 có câu: “Trước đó, mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương Cục, Quân ủy Miền qua cơ yếu, bộ phận điện đài của địch hầu như giải mã được hết, chỉ có bạch chỉ là an toàn và chưa bao giờ bị lộ”. Qua thực tế hoạt động từ khi thành lập, khối cơ yếu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là một phần trong truyền thống vinh quang của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam. Khối cơ yếu đã góp phần đảm bảo chuyển thông tin chính xác, kịp thời, không để đường dây giữa Trung ương Đảng và Trung ương Cục, giữa Trung ương Cục với các khu, tỉnh, ban, ngành, đơn vị chiến đấu bị đứt đoạn. Với nguyên tắc hoạt động bí mật “sống để bụng, chết mang theo, nếu còn sống thì Đảng cho nói mới được nói”, các cán bộ cơ yếu luôn kiên trung, bất khuất, dẫu lọt vào tay địch vẫn không khai. Tuy nhiên, thông tin do bộ phận điện đài phát đi qua một thời gian có khả năng bị địch giải mã, do vậy để đảm bảo bí mật, khối cơ yếu thường thay đổi mật mã để tránh bị địch phát hiện”. |
L.Ngọc - M.Hương - A.Chân.
| |
| |