“Bắt mạch” đúng bệnh
Bên cạnh những thành quả đạt được trong hoạt động thu hút FDI thời gian qua, nghị quyết lần này đã “bắt đúng bệnh” về những hạn chế để từ đó có giải pháp “chữa trị” hữu hiệu. Nguyên nhân là những thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển, dẫn đến những vấn đề phát sinh không xử lý kịp thời. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hóa, xã hội thiết yếu. Cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và tính chuyên nghiệp. Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp…
Thời gian qua, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm. Hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường... dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.
Ngoài nguyên nhân về nhận thức, còn nguyên nhân chính là hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài thiếu chọn lọc. Từ đó, dẫn đến nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc” hoặc chuyển giá, tận dụng tài nguyên của Việt Nam nhưng không nộp thuế. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát lại các chính sách, quy định pháp luật, quy hoạch về FDI cả về mặt địa lý, lẫn quy định về thu hút, ưu đãi theo địa bàn, điều kiện, lĩnh vực chứ không ưu đãi theo từng dự án cụ thể như trước đây. Đặc biệt, nhà nước nên thống nhất quy định, quy chế về ưu đãi, không để từng địa phương ban hành chính sách ưu đãi rồi cạnh tranh lẫn nhau, nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng hết thời hạn ưu đãi thì về nước, nhà nước không được gì cả.
Hướng đến hiệu quả…
Nghị quyết 50 đưa ra chỉ tiêu cụ thể như sau: giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút FDI với mức vốn đăng ký đạt 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm), trong đó vốn thực hiện (giải ngân) đạt khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm). Giai đoạn 2026-2030, vốn đăng ký đạt khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm), trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm). Ngoài ra, có chỉ tiêu về tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 (so với năm 2018). Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20% - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Qua đó, nghị quyết cũng chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI. Có cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng cần được chú trọng như nâng cao hiệu quả chế tài và mức xử phạt; bổ sung quy định kiểm toán và công bố thông tin đối với các doanh nghiệp FDI; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu tốt hơn về FDI…