Nếu bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện thì tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện tại vẫn có nhiều “cửa sáng”. Không nên nhìn vào số vốn đăng ký của một tháng, hay thậm chí một quý, để hốt hoảng lo sợ hay hớn hở vui mừng. “Những con số có thể thay đổi nhanh chóng” - ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, đã bình luận như thế khi đề cập đến sụt giảm đáng kể dòng vốn này tính từ đầu năm đến kỳ thống kê tháng 4-2012 (ngày 20-4).
Số lượng không quan trọng
Thực tế chứng minh nhà quản lý kỳ cựu trong lĩnh vực FDI này nói đúng. Trong tuần cuối của tháng 4 đã có thêm những dự án lớn được cấp phép, tạo ra cục diện mới cho bức tranh đầu tư nước ngoài. Đơn cử, chiều 24-4, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Wintek Việt Nam (100% vốn đầu tư Đài Loan - Trung Quốc). Qua đó, dự án sản xuất các loại màn hình điện thoại di động của công ty này có tổng vốn đăng ký lên tới 1,12 tỷ USD (so với 250 triệu USD trước đó).
Trước đó một ngày, UBND TP Hải Phòng cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy chuyên sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế của Tập đoàn Nipro Pharma (Nhật Bản) với tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD…
Việc số liệu thống kê ngắn hạn thay đổi ngoạn mục cũng đã từng xảy ra hồi đầu năm nay. Sau khi giới quan sát hết sức lo ngại về số vốn FDI đăng ký “rơi” mạnh trong tháng đầu năm, thì ngay sau Tết Nhân Thìn, vốn đăng ký đã tăng mạnh, do nhiều nhà đầu tư châu Á muốn sang đầu năm Rồng mới khai sinh dự án… lấy may!
Đối với một địa phương cũng vậy, việc đánh giá chính xác kết quả thu hút đầu tư cũng không thể nhìn ngắn hạn. Sau khi công bố kết quả đáng lo lắng về FDI trên địa bàn trong quý 1-2012, tại cuộc họp cuối tuần trước, nguồn tin từ UBND TP Hà Nội, TP này đang tập trung đẩy nhanh công tác thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với hàng loạt dự án có quy mô vốn đăng ký khá lớn đã nộp hồ sơ.
Có thể kể đến dự án Công ty CP Viễn thông Việt Nga (vốn đầu tư khoảng 357 triệu USD), dự án Trung tâm thương mại và nhà ở (tăng vốn khoảng 79 triệu USD), dự án trung tâm Metro Cash&Carry Hà Đông (24 triệu USD); dự án Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Goshi và Công ty TNHH Điện Standley (tăng vốn khoảng 15 triệu USD)…
Cũng đã có không ít quan ngại về việc “nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án FDI bất động sản ở Hà Nội đang tháo chạy”. Song, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cho biết, trên địa bàn có 16 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã làm thủ tục chuyển nhượng vốn. Trong đó, có 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài, trước đây liên doanh với bên Việt Nam chuyển nhượng vốn cho tổ chức kinh tế trong nước và chuyển đổi thành dự án 100% vốn trong nước.
7 dự án nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn từ bên Việt Nam trong liên doanh trở thành dự án 100% vốn nước ngoài. Hai dự án 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng một phần cho tổ chức kinh tế trong nước. Tựu trung, số nhà đầu tư nước ngoài rút đi và số nhà đầu tư tham gia mới không có chênh lệch lớn. Đó là những động thái bình thường trong kinh doanh.
Một lưu ý khác của các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài là hiện vẫn còn 108 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký chưa được giải ngân. Với tốc độ giải ngân bình thường như hiện nay, cũng phải 4 - 5 năm nữa thị trường mới thực sự hấp thu hết số vốn đã đăng ký…
Nhiều nhà đầu tư đang tìm cơ hội
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn vẫn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam. Trở về sau lễ ký hợp tác phát triển KCN phụ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) với Tập đoàn Xây dựng Shimizu (Nhật Bản) hồi tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển N&G, nhận định: “Sóng đầu tư từ Nhật Bản đang rất mạnh”. Doanh nhân này cho biết, có 214.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hoạt động trong ngành chế tạo chưa đầu tư ra nước ngoài lần nào, nhất là doanh nghiệp ở khu vực vừa xảy ra thảm họa động đất. Họ rất muốn tìm địa điểm đầu tư tại Việt Nam.
Hạ tuần tháng 4, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đã nhận giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN (nằm trong khu vực quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất mở rộng) và nhận chấp thuận chủ trương đầu tư với Dự án Khu dân cư - thương mại - dịch vụ (nằm trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi). Những dự án loại này luôn có ý nghĩa như “quả trứng mồi”, có tác dụng kích thích những khoản đầu tư tiếp theo của các DN khác.
Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng hứa hẹn sẽ rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, sau trận lụt lịch sử hồi cuối năm 2011, các nhà đầu tư Thái Lan đang dịch chuyển mạnh mẽ dòng đầu tư ra nước ngoài để giảm rủi ro và tìm kiếm cơ hội.
Trong đó có thể kể đến SCG, tập đoàn hoạt động đa ngành hàng đầu Thái Lan, đã ký kết hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam, tái khẳng định cam kết đối với dự án trị giá 4,5 tỷ USD. Tập đoàn Amata (Thái Lan) xúc tiến các dự án mở rộng, phát triển các KCN, khu đô thị phức hợp. Công ty 4 Oranges (đang chiếm 38% thị phần sơn xây dựng tại Việt Nam) cũng đã khẳng định chủ trương đầu tư theo chiều sâu để phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam…
Tất nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài không thể là chuyện “ngồi chờ sung rụng”, trông cậy vào các lợi thế sẵn có. Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, để tăng sức cạnh tranh trong thu hút dòng vốn này, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tạo được cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch; thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và nếu làm được như thế, không lý gì chúng ta không thể hy vọng vào một kết quả khả quan.
ANH THƯ