Sáng 20-11, lần đầu tiên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cùng thứ trưởng một số bộ chủ trì hội nghị đối thoại với các công ty tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và có thể nói, đây là hội nghị thành công nhất. “Tôi muốn việc cấp phép nhanh nhất, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực. Các đơn vị tư vấn hiểu rõ nhất về luật, biết từng ngóc ngách của hoạt động cấp phép đầu tư, nên chúng tôi rất mong được nghe ý kiến đóng góp...”. Với lời mở đầu như thế, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đã khiến cuộc hội thảo trở nên chân tình, thẳng thắn…
Nhiều câu hỏi liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông được các công ty tư vấn nêu lên tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Thủ tục chậm, tiền bị “giam”!
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, 8 tháng đầu năm sở tiếp nhận 440 hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư nước ngoài và đã giải quyết 280 hồ sơ. Thời gian giải quyết một hồ sơ lâu nhất là 172 ngày, nhanh nhất là 9 ngày, tính trung bình là 47 ngày/hồ sơ, so với trước giảm khoảng 30%. Thế nhưng, luật sư Lê Thị Vân Quỳnh - người chuyên thực hiện các hồ sơ liên quan đến bất động sản - bức xúc cho rằng, sở nói thế nhưng thực tế hồ sơ nào cũng tốn từ 4 - 6 tháng. Dù biên lai tiếp nhận hồ sơ ghi giải quyết trong 45 ngày làm việc nhưng công ty tư vấn phải thỏa thuận với khách hàng đến 6 tháng. Luật sư Fred Buker, Công ty luật Baker & McKenzie thừa nhận thủ tục cấp phép đầu tư có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) như thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ qua mail vẫn phải làm thủ công, khiến cơ quan nhà nước vẫn tốn nhiều thời gian. Theo ông, hệ quả của việc cấp phép kéo dài thời gian buộc DN phải trả chi phí rất lớn. Bất hợp lý ở chỗ, hồ sơ xin cấp phép đầu tư buộc DN phải có hợp đồng thuê nhà, nhưng nếu quy trình cấp phép kéo dài, nhà đầu tư phải tốn cả tiền thuê nhà trong thời gian xin phép. Thuê nhà mà không biết có xin được giấy phép không thì quá rủi ro cho DN. Hồ sơ các dự án bất động sản cũng vậy, nếu chậm, số tiền chứng minh bị “giam” trong ngân hàng, không lưu thông được…
Tương tự, luật sư Trần Anh Đức, Công ty Luật TNHH Allen & Overy phản ánh, có những dự án chuyển nhượng vốn rất lớn, người nhận chuyển nhượng luôn đòi hỏi phải được cơ quan nhà nước chấp thuận rồi mới dám chuyển tiền, nhưng sở lại đòi cung cấp giấy chuyển tiền rồi mới làm thủ tục. Đúng ra việc này hãy để các DN tự do thỏa thuận. Luật sư Đức tiếp tục cung cấp hàng loạt những những quy định không cần thiết. Ví dụ như phải cung cấp hợp đồng giữa các DN với nhau, phải nộp báo cáo tài chính 2 năm gần nhất, trong khi các báo cáo này dài hàng ngàn trang, phải dịch ra tiếng Việt, chứng thực, tốn chi phí rất lớn…
Luật sư Châu Huy Quang, Công ty RAJAH & TANN LCT cho rằng, chính những quy định không cần thiết dễ tạo ra sự nhũng nhiễu. Ông Châu Huy Quang dẫn chứng, chẳng luật sư nào có “đất sống” ở Đà Nẵng, vì hồ sơ thủ tục nơi này rõ ràng, đơn giản nên nhà đầu tư tự đi làm, chẳng cần thuê luật sư. Ngay cả việc xin chi nhánh, Đà Nẵng cũng chỉ cấp trong 1 ngày là xong. Trong khi họ quản lý DN chặt chẽ, chậm nộp báo cáo 1 ngày cũng bị phạt rất nghiêm. Một luật sư người Nhật nói thẳng, rất nhiều công ty Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam phải đối mặt nhiều thứ, trong đó có cả tham nhũng. Lãnh đạo UBND yêu cầu công ty tiết lộ chi tiết cụ thể tham nhũng nhưng công ty thì sợ bị trả thù, họ rất ngại tiết lộ thông tin. Dù UBND cam đoan bảo vệ công ty nhưng các cơ quan hữu quan lại có rất nhiều quyền trong cấp phép, nên sợ bị trả đũa.
DN chỉ mong “bớt hỏi”
Lý do hoạt động cấp phép bị chậm, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai là do các cơ quan liên quan chậm cho ý kiến, nội dung trả lời không rõ ràng thống nhất, cần phải hỏi lại. Luật sư Châu Huy Quang đề nghị, địa phương nên bớt hỏi đi. Có hồ sơ hỏi đến 6 - 7 bộ ngành và vì sợ không được trả lời hoặc chậm trả lời nên DN phải tự liên hệ với các đơn vị được hỏi để nắm tiến độ hồ sơ. Nhiều nội dung hỏi lại không cần thiết, như WTO chưa cam kết, vậy có cấp hay không? Đó là lý do một số luật sư “làm nên ăn ra” là nhờ chạy giấy phép. Ngay việc trả lời cũng mang tính cảm tính. Chẳng hạn, Bộ Công thương thường trả lời bằng câu “Nhà đầu tư không khả thi”, nhưng nếu hồ sơ chúng tôi in tiếng Tây, tiếng Tàu đính kèm là thể nào cũng được… khả thi!
Luật sư Lê Thị Vân Quỳnh cũng phản ứng việc hỏi ý kiến các sở ngành liên quan khiến hoạt động cấp phép chậm tiến độ. Trong khi, có sở trả lời nội dung hỏi không liên quan đến họ nên họ không trả lời. Có trường hợp, nguồn vốn đầu tư từ tư nhân mà lại hỏi ý kiến Sở Tài chính! Luật sư Lê Nết đề nghị lãnh đạo TP chỉ đạo sở không được hỏi ý kiến của các bộ về việc giải thích luật. Còn nếu hỏi về luật thì phải hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ cơ quan nhà nước không có chức năng giải thích luật. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nói ngay, TP đã chỉ đạo sở không được hỏi những vấn đề mà luật không quy định buộc phải lấy ý kiến. Ngay cả những việc quy định phải hỏi thì cũng ghi rõ, sau 15 ngày cơ quan chức năng không trả lời thì vẫn trình TP xử lý hồ sơ.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai đã đưa ra những giải pháp: Đầu năm 2015, sở sẽ áp dụng quy trình liên thông xử lý hồ sơ đầu tư, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ thuế và con dấu cùng lúc để đỡ phải đi lại. Sở cũng đang phối hợp với Bưu điện TP xây dựng quy trình giao kết quả hồ sơ tại nhà, giảm thời gian đi lại cho nhà đầu tư. Đồng thời, tháng tới các hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư tại TPHCM sẽ được gắn chip để theo dõi, quản lý. Đồng chí Lê Mạnh Hà cho rằng, trước những bộ hồ sơ dài gần nửa mét, ông mong muốn sẽ tiếp tục ngồi lại với các DN tư vấn, cùng chuẩn hóa bộ hồ sơ cấp phép. Những gì không cần thiết thì phải loại bỏ, những gì luật, nghị định không quy định thì không được phép yêu cầu. Hồ sơ chậm trễ phải phân loại cụ thể, trễ do chậm trả lời, do cán bộ hay do DN không cung cấp đầy đủ hồ sơ. Tất cả hồ sơ phải được công khai trên mạng từng ngày để dân biết, dân theo dõi chứ không phải chỉ nội bộ biết với nhau như hiện nay.
HÀN NI