Thúc đẩy hành động giảm phát thải

Trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải khí nhà kính, và con số này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố đã và đang xây dựng nhiều chương trình thực hiện.
Một hộ dân ở huyện Bình Chánh, TPHCM sử dụng điện mặt trời áp mái
Một hộ dân ở huyện Bình Chánh, TPHCM sử dụng điện mặt trời áp mái

Mở rộng hợp tác quốc tế

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Cao Tung Sơn, Trưởng Phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT TPHCM) cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì chuyển đổi xanh là lựa chọn tất yếu để đảm bảo cho môi trường sống lành mạnh, phát triển bền vững của thành phố. Nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải, TPHCM đã hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án Hạ tầng kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam (VUES). Dự án tập trung vào hoạt động hỗ trợ các cơ sở có lượng phát thải khí nhà kính lớn; nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính hàng năm; nghiên cứu các biện pháp sử dụng nước hiệu quả trong các cơ sở, công trình công lập. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động quan trọng nữa là hỗ trợ TPHCM xây dựng lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0.

Theo nhóm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho TPHCM (thuộc dự án VUES), dự kiến năm 2050, lượng phát thải khí nhà kính của TPHCM vào khoảng 245 triệu tấn CO2, riêng các lĩnh vực sử dụng năng lượng phát thải khoảng 241,3 triệu tấn CO2. Trong đó, lĩnh vực thương mại phát thải 89,22 triệu tấn CO2; công nghiệp phát thải khoảng 87,14 triệu tấn CO2; giao thông phát thải 47,96 triệu tấn CO2. Nếu như năm 2018, công nghiệp là nguồn phát thải lớn nhất ở TPHCM, chiếm 34,5% tổng lượng phát thải, tiếp theo là giao thông, thương mại, hộ gia đình; thì đến năm 2050 cơ cấu phát thải đã thay đổi: lĩnh vực thương mại là nguồn phát thải lớn nhất, công nghiệp xếp thứ 2, sau đó đến giao thông. Do vậy, việc thúc đẩy các giải pháp phát triển xanh, thực hiện giảm phát thải đang là những yêu cầu cấp bách đối với thành phố hiện nay.

Phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất sạch

Chia sẻ về lộ trình thực hiện giảm phát thải ở TPHCM, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng nhóm nghiên cứu kế hoạch giảm phát thải TPHCM, cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra và phân tích những kinh nghiệm quốc tế về phát triển thành phố không phát thải carbon như thành phố Copenhagen (Đan Mạch), Tokyo (Nhật Bản), Kolkata (Ấn Độ). Thông qua những giải pháp, kinh nghiệm mà các thành phố đã và đang thực hiện cùng với việc dựa vào đặc điểm tình hình thực tế ở TPHCM, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các kịch bản giảm phát thải và nhiều giải pháp chi tiết để thực hiện. Theo đó, thành phố cần đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi và điện rác (đốt rác phát điện), thực hiện chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường các ngành sản xuất sạch…

PGS-TS Hồ Quốc Bằng nhận định, với động lực từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó TPHCM có thể thí điểm cơ chế đặc thù để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thực hiện chuyển đổi xanh. Do vậy, thành phố nên cụ thể hóa triệt để chính sách này, triển khai càng sớm càng tốt.

Theo TS Pau Dargusch, Đại học Queenland (Australia), chuyên gia tư vấn dự án VUES, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho phép TPHCM thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thành phố nên áp dụng triển khai sớm để thu hút tài chính và đầu tư về khí hậu, đồng thời sử dụng lượng khí thải giảm thiểu từ biện pháp bù trừ nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải. Để thực hiện được cơ chế bù trừ carbon hiệu quả, TPHCM nên thiết lập một cơ quan làm đầu mối hỗ trợ phát triển, có sứ mệnh và cơ cấu quản trị rõ ràng, khác biệt với cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

“Trong ngắn hạn, cơ quan này xác định các dự án có thể được thực hiện nhanh chóng, tương đối dễ dàng. Lợi ích được cung cấp, mức giảm phát thải và các điều chỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển của TPHCM. Trong dài hạn, đầu mối này sẽ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân để giúp họ ước tính tài khoản carbon của mình, đồng thời khám phá và thực hiện các dự án giảm phát thải nhằm mục đích sau khi bù trừ sẽ giảm lượng phát thải”, TS Pau Dargusch đề xuất.

Theo Sở TN-MT TPHCM, liên quan đến việc triển khai dự án Hạ tầng kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TPHCM, đến nay, các đơn vị đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp về kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng báo cáo thí điểm kiểm kê khí nhà kính cho 10 doanh nghiệp; đề xuất một số giải pháp tiết kiệm nước cho các tòa nhà, cơ sở công lập trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thành phố đã ký kết với Ngân hàng Thế giới, triển khai hoạt động của Nhóm kỹ thuật phát thải carbon thấp; phối hợp triển khai dự án TA9608 - REG về Nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ; phối hợp Cục Môi trường Osaka (Nhật Bản) thực hiện Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp.

Tin cùng chuyên mục