Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đỗ Văn Đạo, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh 34, phần lớn phường - xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc 11 nội dung công khai, thông báo để nhân dân biết; 3 nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; 5 nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và các nội dung nhân dân giám sát.
Phó Giám đốc Đỗ Văn Đạo đánh giá, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại đơn vị, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức niềm nở, thân thiện hơn khi giải quyết hồ sơ liên quan đến người dân.
Tuy vậy, một số cán bộ, công chức còn chưa tích cực giải thích, hướng dẫn cho nhân dân, nhất là ở lĩnh vực đất đai, xây dựng; chưa thực sự sâu sát lắng nghe ý kiến nhân dân; chưa phản ảnh kịp thời, đầy đủ những thắc mắc, kiến nghị của người dân cho lãnh đạo cấp trên, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các cấp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu trong năm 2018, các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở để thúc đẩy vai trò của nhân dân tham gia sâu hơn, có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như các cấp. Không chỉ công khai các nội dung như Pháp lệnh 34 quy định, mà còn lưu ý công khai những quy định mới như công khai cán bộ được quy hoạch, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, phải đúc kết, hình thành phương thức giám sát của nhân dân, vào cuộc những vấn đề thiết thực để chăm lo quyền lợi về chính trị, kinh tế - xã hội của người dân.