Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái

Bộ Công thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đang khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời (ĐMT) áp mái tại Việt Nam” với mục tiêu đạt 100.000 hệ thống được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025.

Các chuyên gia của chương trình này nhận định, thúc đẩy ĐMT áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời.

Tham vọng… khả thi 

Chương trình trên do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Bộ Công thương chủ trì thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các hoạt động với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ như Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) của USAID, Tổ chức Hợp tác Đức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức và Chương trình hỗ trợ năng lượng của EU và Ngân hàng Thế giới.

Theo ông Micheal Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Chương trình thúc đẩy ĐMT áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị ĐMT đang phát triển.

Không như các nhà máy ĐMT nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống ĐMT áp mái có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.

Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái ảnh 1 Pin mặt trời áp mái tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Dẫn chứng cho sự tiện lợi khi lắp đặt hệ thống ĐMT, đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, 70% ĐMT của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống ĐMT mái nhà.

Đức có nhiều kinh nghiệm phát triển thành công thị trường này và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ chương trình thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà tại Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển.

“ĐMT áp mái mang đến cơ hội cho người dân có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm vào ĐMT và từ người tiêu dùng trở thành nhà sản xuất điện và đóng góp trực tiếp vào việc giảm tác động đến hệ sinh thái. Tại một số nước châu Âu, người dân có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức về điện để cùng đầu tư và vận hành các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo như là dự án ĐMT lớn lắp đặt tại trường học hay cột gió cỡ lớn, những khoản đầu tư mà chính các cá nhân cũng không thể tự hình dung ra”, vị đại điện chia sẻ.

Số lượng còn hạn chế

Theo EVN, tính đến ngày 18-7, tổng số khách hàng lắp điện mặt trời áp mái là 9.314 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 198MWp. Ngoài các đơn vị điện lực thì có 9.110 khách hàng đã lắp đặt với tổng công suất 186,37MWp, trong đó có một số lượng đông đảo là các hộ gia đình (7.550 khách hàng). Điều này cho thấy, lắp đặt điện mặt trời áp mái đã thu hút được sự quan tâm của người dân.

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết, đối với ĐMT, Chính phủ đã ban hành quyết định 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 và điều chỉnh bằng quyết định 02/2019/QĐ-TTg năm 2019.

Theo đó, sử dụng cơ chế giá FIT (giá bán điện năng lượng tái tạo) nhằm thúc đẩy đầu tư các dự án ĐMT quy mô lớn và các dự án ĐMT áp mái ở quy mô hộ gia đình cũng như khối công nghiệp và thương mại.

Nhờ việc áp dụng cơ chế FIT, trong thời gian vừa qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án ĐMT quy mô lớn. Tuy nhiên, số lượng các dự án ĐMT áp mái còn hạn chế chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này. 

Trong khi đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về ĐMT mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 - 4,8 kWh/ngày. ĐMT trên mái nhà có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, sẽ giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống.

Ưu điểm của việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, khuyến khích phát triển ĐMT áp mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện tại miền Nam.

Trưởng Ban Kinh doanh của EVN Nguyễn Quốc Dũng cũng cho rằng, ĐMT áp mái là giải pháp chủ động, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Nguồn điện này càng quan trọng trong bối cảnh EVN đang phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương đương 1,7 tỷ kWh trong năm nay và dự kiến 5,2 tỷ kWh năm 2020.

Chương trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu Euro (khoảng 375 tỷ đồng) của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Dự án có mục tiêu hỗ trợ khoảng 50.000-70.000 khách hàng là hộ gia đình trên toàn quốc lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất lắp đặt từ 130 MWp đến 150 MWp.

Mức hỗ trợ dự kiến là 3 triệu đồng/kWp và tối đa không quá 6 triệu đồng mỗi khách hàng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.

Tin cùng chuyên mục