Việt Nam là một trong những quốc gia đạt nhiều thành tích tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Đã có rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam bước lên đài danh dự để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tuy vậy, sau những thành công này, các em học sinh, sinh viên đạt thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế đều phải tìm đến một nền giáo dục khác có chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với khả năng các em. Điều đó phần nào nói lên thực trạng nền giáo dục của nước nhà.
Với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam hiện đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yếu tố nguồn nhân lực chính là yếu tố cốt lõi trong sự phát triển của Quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà cung cấp nhân lực trong nước cũng như quốc tế, nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng công việc. Điều đó đa phần có nguyên nhân từ hệ thống đào tạo, giảng dạy của Việt Nam còn lạc hậu và chậm phát triển so với thế giới.
Bước vào những năm 80 của thế ký 20, Trung tâm Phát triển trẻ em quốc tế của Liên hiệp quốc đã triệu tập “Hội thảo nghiên cứu toàn cầu về phát triển thời kỳ sớm ở trẻ em" để khởi xướng sự nghiệp giáo dục thời kỳ sớm cho các em bé trên toàn thế giới. Sau đó, trên khắp toàn cầu đã dấy lên trào lưu giáo dục sớm ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ (Thai giáo).
Quan tâm sớm nhất đến giáo dục đối với lứa tuổi trước khi đi học là nước Mỹ. Ngay từ năm 1974, Mỹ đã thành lập "Cục Giáo dục thiên tài nhi đồng" thuộc Bộ Giáo dục Liên bang và xuất hiện “Chương trình giáo dục 0 tuổi". Trường Đại học danh tiếng Harvard cũng bắt đầu nghiên cứu "Công trình 0 tuổi".
Năm 1974, nước Anh thành lập "Hiệp hội thiên tài nhi đồng quốc gia" và đặt các Phân hội tại 34 địa phương trên toàn lãnh thổ. Liên Xô cũ cũng rất coi trọng việc bồi dưỡng cho nhữmg trẻ có tố chất đặc biệt và quy định trong đại cương giáo dục cho trẻ rằng: Trẻ sơ sinh từ 9 tháng tuổi trở lên phải được giáo dục trí tuệ theo từng bước và kế hoạch đề ra. Tại châu Á, ngay từ rất sớm, Nhật Bản đã sáng lập "Trường học anh tài", chuyên chiêu sinh và đào tạo nhi đồng có khả năng phi thường; thành lập "Hiệp hội khám phá tiềm năng nhi đồng" và đã xuất hiện "kế hoạch 0 tuổi". Trên tinh thần phổ biến nâng cao tố chất nhi đồng, đào tạo ra số lượng lớn các trẻ thông minh sớm, nước Nhật đã cải tạo thành công chất lượng nòi giống cả về trí lực và thể lực, trở thành một trong những nước có tiềm lực khoa học công nghệ, kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Chính tại thời điểm này, các quốc gia như Đức, Pháp, Ấn Độ và nhiều nước khác cũng đều trong giai đoạn triển khai những dự án, kế hoạch giáo dục sớm cho trẻ.
Trung Quốc là nước đông dân nhất trên thế giới, với trên 1 tỷ người. Sự phát triển về dân số là một gánh nặng đè lên vai các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục của Trung Quốc. Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra đề bài "rất khó" cho giáo dục Trung Quốc là phải tìm một giải pháp giáo dục để: "Biến gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên nhân tài có sức mạnh vô tận cho đất nước". Do đó, cách đây 30 năm, cùng với trào lưu giáo dục sớm của thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, thí nghiệm và thực hiện "Phương án 0 tuổi” - tên gọi tắt của "Công trình giáo dục ưu việt lứa tuổi 0-6 và phương án thực hiện" của Giáo sư Phùng Đức Toàn cùng tổ chuyên gia nghiên cứu do ông lãnh đạo thực hiện. "Phương án 0 tuổi" của Trung quốc đã tiếp thu tinh hoa về giáo dục sớm của hầu hết các nước trong lĩnh vực này. Hiện tại đã có hàng triệu gia đình ở trong và ngoài Trung Quốc tham gia hoạt động khoa học của "Phương án 0 tuổi". Học viên nhí có quốc tịch Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Philippines, Malaysia... và nhiều nước khác đang ngày càng tăng lên, tạo ra hàng loạt trẻ em thông minh và tài năng. Đây chính là một trong nhiều bí quyết giúp Trung Quốc đuổi kịp tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc nghiên cứu và thực hiện giáo dục trẻ thông minh sớm.
Các công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đời người, đặc biệt là giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là "Giai đoạn vàng", "Cửa sổ của cơ hội" để bộ não phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, môi trường sống, và nội dung phương pháp giáo dục sớm. Trẻ mầm non là nhóm trẻ đặc biệt quan trọng, là nền tảng trong chiến lược phát triển con người. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục có chất lượng cao cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Tổ chức cứu trợ trẻ em của Liên Hợp quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra những khuyến cáo để các quốc gia chú trọng hơn đầu tư cho sự phát triển trẻ em giai đoạn 0-6 tuổi, đặc biệt là giai đoạn từ 0-3 tuổi, chú trọng hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, giáo dục cha mẹ, đầu tư cho chương trình phát triển trẻ thơ, chăm sóc giáo dục trẻ chất lượng cao. Trẻ em chinh là nhữmg người đảm nhận sự phát triển của xã hội tương lai. với sức khoẻ tốt, tư duy sáng tạo, tâm hồn trong sáng, tình cảm đẹp đẽ trẻ có thể thích nghi, định hướng hành động nhanh phù hợp với sự phát triển kính tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo, Đảng ta đã khẳng định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược...; Mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi... Đây là một định hướng chiến lược quan trọng của Đảng ta về giáo dục và đào tạo. Nếu chúng ta tổ chức triển khai thực - hiện tốt nhất định ta sẽ nâng cao được chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Theo một số liệu mới đây thì nước ta mới chỉ có 20% trẻ em lứa tuổi nhà trẻ (3 - 36 tháng) được đến trường, còn khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo chưa được đến trường. Đây là một thiệt thòi lớn không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả đất nước. Hiện nay, Nhà nước mới quan tâm đầu tư từ cấp tiểu học trở lên, trong khi đó cấp học mầm non từ 0 - 6 tuổi, độ tuổi có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển về trí lực và thể lực thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, việc thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011 - 2020 của Đảng về giáo dục và đào tạo thì trước hết, Nhà nước phải đầu tư thoả đáng cho giáo dục mầm non, đồng thời có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các lực lượng trong xã hội tham gia.
Vừa qua, hiểu được giá trị to lớn của chương trình giáo dục sớm theo "Phương án 0 tuổi", một số nhà giáo dục và doanh nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà đã thành lập Tập đoàn giáo dục và đầu tư VSK, trong đó có Viện Nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VICER và Trường mầm non VSK, góp phần xã hội hoá sự nghiệp giáo dục.
Trong lần đến thăm và tìm hiểu tại Viện VICER và Trường mầm non VSK của Tập đoàn, thấy rằng Viện VICER và Trường Mầm non VSK đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ giáo dục sớm theo "Phương án 0 tuổi" của Trung Quốc và của một số nước khác nhằm từng bước xây dựng được Chương trình giáo sớm từ 0 - 6 tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá... của Việt Nam, góp phần phát triển tiềm năng của trẻ em, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thời gian nghiên cứu, thử nghiệm chưa nhiều nhưng bước đầu đã nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là đã được đông đảo phụ huynh học sinh có tìm hiểu về giáo dục sớm đón nhận.
Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở vật chất có hạn nên mô hình này mới chỉ dừng ở độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo mà chưa có thể phát triển lên các cấp học cao hơn. Đây là một mô hình giáo dục rất mới có ý nghĩa đột phá để nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nhân tài cho đất nước cần được quan tâm để nhân rộng. Do đó, Nhà nước, Bộ Giáo dục và đào tạo cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu loại mô hình giáo dục sớm này và tính hiệu quả của mô hình để xây dựng chương trình Giáo dục sớm và mở rộng các trường thực hành giáo dục sớm của Nhà nước và tư nhân. Việt Nam đã đi sau thế giới hơn 30 năm trong lĩnh vực giáo dục sớm. Chúng ta cần có một giải pháp rút ngắn sáng tạo ra cách làm riêng của Việt Nam để vượt 1 lên: "đi sau về trước", tạo ra sản phẩm giáo dục đẳng cấp quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao toàn cầu. Trước mắt, cần tuyên truyền sâu rộng về giáo dục sớm trong cộng đồng dân cư, để giáo dục sớm trở thành một nét văn hoá trong đời sống gia đình Việt Nam.
Các đoàn thể nhân dân như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Hội Khuyến học,... cần phải vào cuộc thực hiện Chiến lược của Đảng về giáo dục và đào tạo, xây dựng các Câu lạc bộ gia đình, Câu lạc bộ ở thôn, xã, Câu lạc bộ của ngành mình, giới mình về giáo dục sớm. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sự thành công của Chương trình giáo dục sớm, nâng cao chất lượng nòi giống, nhằm nuôi dưỡng, đào tạo ra các tài năng cho dân tộc Việt Nam, việc đầu tư xây dựng một "Tổ hợp hệ thống trường đào tạo nhân tài Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm từ mầm non đến phổ thông" là hết sức cần thiết và làm càng sớm càng tốt. Vì theo mô hình giáo dục sớm thì chỉ cần từ 15 đến 20 năm chúng ta đã có một thế hệ công dân Việt Nam có trí lực và thể lực vượt trội để sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.
Vũ Oanh
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam