Thực hiện Hiến pháp năm 2013: Nhiều triển vọng về cải cách thể chế nhà nước

Ngày 6-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Viện Chính sách công và pháp luật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chủ trì hội nghị. 

(SGGPO).- Ngày 6-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Viện Chính sách công và pháp luật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chủ trì hội nghị. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền.

“Hiến pháp định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế độc lập”, ông nói.

Phó Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu góp ý, làm rõ nội hàm các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013; góp phần hoàn thiện nhiều dự án luật quan trọng liên quan đến thi hành Hiến pháp như Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân…

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước; những cơ hội và thách thức với cải cách thể chế nhà nước nhìn từ Hiến pháp năm 2013; những nội dung mới về QH trong Hiến pháp năm 2013 và việc tiếp tục thể chế hóa những nội dung mới này vào các đạo luật; những nội dung cơ bản của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về chính quyền địa phương và định hướng triển khai… và đã thảo luận về những vấn đề này.

TS Vũ Công Giao (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, mặc dù Hiến pháp năm 2013 hàm chứa những triển vọng lớn về cải cách thể chế nhà nước, song để hiện thực hóa những triển vọng đó, cần phải vượt qua nhiều thách thức. Đơn cử, đối với việc mở rộng dân chủ XHCN, hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu một loạt luật nền tảng, như Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin... Khung khổ pháp lý về dân chủ đại diện (các luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND) tuy đã có, nhưng có nhiều quy định đã lạc hậu, cần sửa đổi (như các quy định về ứng cử, đề cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử).

Vẫn theo TS Vũ Công Giao, đối với việc cải cách khuôn khổ về quản trị quốc gia thì vướng mắc lớn nhất lại không phải là lập pháp, mà nằm ở lực cản đối với việc thành lập và hoạt động của các thiết chế kiểm soát, giám sát quyền lực. Một ví dụ là sự trì hoãn đối với việc xây dựng Luật về phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận...

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến tại Hội nghị đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương. PGS, TS Nguyễn Đức Minh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, trong lần sửa đổi Hiến pháp vừa qua, chế định chính quyền địa phương được đánh giá là một trong những nội dung quan tọng nhất và khó nhất. Góp ý cụ thể cho nội dung của văn bản luật này, ông Minh nhận định: “Nếu QH quyết định không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhất thiết phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn nào của HĐND huyện, quận nơi không tổ chức HĐND được điều chỉnh, chuyển giao cho HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Luật cũng phải quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch UBND và thành viên khác của UBND quận, huyện, phường ở những nơi không tổ chức HĐND”...  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục