Ô nhiễm môi trường đã trở thành một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu của xã hội phát triển. Nhiều bạn đọc đề nghị cho biết: Trong trường hợp phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm cách nào để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp kịp thời?
Theo luật định, khi phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào thực hiện các hành vi có khả năng gây ô nhiễm môi trường, mọi cá nhân đều có quyền tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về BVMT với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo”. Theo Luật Tố cáo, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Trường hợp tố cáo bằng đơn, trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp tố cáo trực tiếp, người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo, hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Tố cáo vi phạm pháp luật về BVMT có thể được thực hiện bởi nhiều người. Mỗi người có thể làm đơn tố cáo riêng, hoặc nhiều người cùng làm một đơn tố cáo và ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Tất cả những người tố cáo có thể cử đại diện để thuận tiện trong việc phối hợp với cơ quan giải quyết tố cáo.
Theo Nghị định 179/2013 ngày 14-11-2013 của Chính phủ, có nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về BVMT, tùy thuộc vào hành vi vi phạm và mức độ vi phạm, như: kiểm lâm, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, công an các cấp, chủ tịch UBND các cấp xã, huyện, tỉnh… Đối với các vi phạm thông thường, thuộc thẩm quyền giải quyết của công an, chủ tịch UBND các cấp xã, quận, huyện. Đối với các vi phạm khác, tùy từng hành vi cụ thể để xác định thẩm quyền giải quyết. Công dân vẫn có thể nộp đơn tố cáo tại UBND các cấp, UBND các cấp sẽ chuyển đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật Tố cáo, nếu công dân tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh họ tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do không thụ lý (nếu có yêu cầu). Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày. Nếu công dân tố cáo đến cơ quan không có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, và thông báo cho người tố cáo (nếu có yêu cầu). Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp, người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Tố cáo sẽ được giải quyết trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thụ lý, hoặc có thể là 90 ngày đối với vụ việc phức tạp.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)