Thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Quá nhiều giấy phép “nhánh”, giấy phép “lá”!

Thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Quá nhiều giấy phép “nhánh”, giấy phép “lá”!

Ngày 21-8 tại TPHCM, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), Tổ Công tác thi hành Luật Doanh Nghiệp (DN) và Luật Đầu tư (GTZ) đã tổ chức hội thảo tham vấn, rà soát các điều kiện kinh doanh, lấy ý kiến đóng góp nhằm công bố những điều kiện kinh doanh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để sửa đổi hoặc ban hành điều kiện kinh doanh mới cho phù hợp với cam kết WTO. Hội thảo đã chỉ ra nhiều vấn đề phát sinh sau 2 năm thực thi 2 bộ luật này.

Có tới 400 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Theo tinh thần của Luật DN (có hiệu lực từ ngày 1-7-2006), DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với ngành, nghề mà pháp luật quy định thì DN chỉ được kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định.

Thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Quá nhiều giấy phép “nhánh”, giấy phép “lá”! ảnh 1

Lái taxi cũng phải đáp ứng... 11 yêu cầu (!). Ảnh: CAO THĂNG

Trước tình hình này, CIEM và GTZ đã tiến hành rà soát đối với 15 lĩnh vực về các danh mục ngành nghề kinh doanh. Kết quả, có tới 400 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ đã có tới 250 ngành, nghề nằm trong diện này. Cũng có tới 450 văn bản quy định khác nhau từ luật đến các quyết định của các bộ trưởng về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, số lượng ngành nghề này cũng tăng nhanh kể từ năm 2000 đến nay. Nếu Nghị định 11/1999 chỉ quy định 10 loại ngành nghề cấm kinh doanh; 5 hạn chế; 14 loại kinh doanh có điều kiện thì đến Nghị định 59/2006 có tới 23 loại cấm; 8 hạn chế và 92 loại có điều kiện.

Kết quả rà soát cũng cho thấy, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tản mạn tại nhiều văn bản khác nhau, chưa có thống kê chính thức nào cho thấy có bao nhiêu loại ngành nghề có điều kiện và đó là loại ngành nghề nào, làm gì và được quy định ở đâu… Ngoài ra, còn nhiều điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản do bộ hoặc UBND cấp tỉnh, thành ban hành nhưng vẫn được thực hiện. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cả DN và các cơ quan nhà nước thực thi.

Điều đáng lưu ý, trong 400 ngành nghề có điều kiện thì có khoảng 50 ngành nghề có “vấn đề” về mặt pháp lý. Đây là những ngành nghề mà tên được quy định ở nghị định trong khi điều kiện thì lại được quy định ở các thông tư.

Về Luật Đầu tư, kết quả rà soát của GTZ cũng cho thấy, để hoàn thành một dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất thì bình quân 1 nhà đầu tư mất khoảng 400 ngày và phải qua khoảng 314 văn bản khác nhau với khoảng 60 loại hồ sơ cần phải nộp…

Không rõ ràng nên phải… “đẻ” giấy phép con!

Số lượng các ngành nghề có điều kiện khá đồ sộ với hơn 450 văn bản quy định dày đặc như vậy, nhưng hầu hết các quy định lại không nêu mục tiêu quản lý nhà nước, điều kiện kinh doanh một cách rõ ràng, cụ thể. Theo bình luận của ông Nguyễn Đình Cung – Thư ký GTZ, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc CIEM, nếu lấy tiêu chí về tính hợp lý và cần thiết của 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải cắt đi hơn 50% con số này. Quy định không rõ ràng nên việc thực thi cũng sẽ không mang lại kết quả được.

Để chứng minh, ông Cung cho rằng, có khá nhiều trường hợp, điều kiện kinh doanh quy định giống như một “bộ quy tắc ứng xử” hơn là điều kiện cần và đủ để kinh doanh một ngành kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, điều kiện kinh doanh taxi đối với một người lái xe taxi bao gồm 11 yêu cầu. Những điều kiện này tương ứng với 3 loại giấy phép để cấp cho 1 lái xe, gồm giấy xác nhận của phường xã, giấy sức khỏe và giấy tập huấn. Riêng đối với DN kinh doanh taxi có 2 loại giấy phép như sử dụng tần số và tổng đài taxi là không cần thiết là không hợp lý. Điều này gây tốn kém về tiền của, thời gian và tăng chi phí cho DN. Theo ông Cung, chúng ta đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nhưng với thực tế cấp phép vẫn đang được áp dụng như hiện nay thì không thể rút ngắn thời gian, thủ tục cấp phép cho DN. Thủ tục rườm rà, không cụ thể nên khó tránh khỏi tình trạng giấy phép “nhánh”, giấy phép “lá” chứ đừng nói đến việc giảm thiểu 2 loại giấy phép “mẹ” – “con”! Những vấn đề này cần gọt càng sớm, càng tốt để tạo điều kiện tốt nhất cho DN.

Một vấn đề khác, nhiều loại hồ sơ về thực chất là giấy phép, thậm chí còn hơn cả giấy phép (như xác nhận của UBND xã, huyện, tỉnh, cơ quan…) nhưng lại thiếu quy phạm pháp luật để điều chỉnh và cả ý nghĩa, bản chất pháp lý của nó…

Theo kiến nghị của các chuyên gia và DN, cần phải thống nhất cách tiếp cận về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Luật DN. Theo đó, các ngành nghề này sẽ phân ra làm 3 loại: cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và tự do kinh doanh. Tất cả các bộ ngành cần tập hợp, rà soát lại các nghề cấm, kinh doanh có điều kiện trong phạm vi bộ, ngành để quy định thành một danh mục thống nhất và được điều chỉnh bởi một nghị định thay vì quá nhiều văn bản như hiện nay. Tên ngành nghề và điều kiện kinh doanh tương ứng phải được quy định rõ trong luật và các văn bản dưới luật. Tăng cường hậu kiểm theo hướng áp dụng nguyên tắc, DN tự chủ kinh doanh khi có đủ điều kiện, chỉ áp dụng việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đặc biệt, đồng thời tăng cườngï kiểm tra đáp ứng điều kiện cả trước và trong quá trình hoạt động. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục