Đề án tái cơ cấu kinh tế đang tiếp tục được cơ quan soạn thảo, thẩm tra bổ sung, điều chỉnh trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới. Trong đó, hiệu quả của việc cắt giảm đầu tư công là một vấn đề hết sức quan trọng cần được xem xét.
Cắt, nhưng vẫn... tăng!
Theo số liệu mới được công bố tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2011 vẫn có xu hướng tăng đáng kể, đạt 100.167 tỷ đồng, vượt 13,8% so với dự toán, trong đó, khoảng 23% số tăng chi ngân sách nhà nước là tăng cho đầu tư phát triển.
Đơn cử, lĩnh vực giao thông vận tải có mức đầu tư cao nhất, với vốn đầu tư thực hiện của Bộ GTVT là 2.167 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong một diễn biến khác, người ta có thể thấy, trong nhiều năm tới, lĩnh vực này tiếp tục phải chi lớn. Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bộ này có nhu cầu đầu tư hơn 223.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý hơn, chỉ riêng việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn của các cơ quan trực thuộc đã cần khoảng 12.170 tỷ đồng (riêng từ 2012 - 2015 cần 7.950 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỷ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỷ đồng…
Luôn khẳng định tinh thần hết sức kiên quyết trong cắt giảm đầu tư công, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng phải thừa nhận, trong nhiều trường hợp, chính bộ này cũng phải nhân nhượng. Bằng chứng là việc tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH, chính ông vừa thay mặt Chính phủ đề nghị UBTVQH phân bổ thêm vốn trái phiếu Chính phủ cho 5 dự án chưa có trong Nghị quyết của UBTVQH về vấn đề này…
Về kết quả này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: “Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên vừa phải cắt giảm đầu tư công - trước hết là giảm tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước - mà kết quả lại như vậy là chưa hợp lý, chưa thể hiện sự nhất quán trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư. Điều này tạo áp lực lớn cho tái cấu trúc đầu tư công”.
Lơi lỏng giám sát
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, trong khá nhiều trường hợp, tâm lý cục bộ, địa phương cộng với sự lơi lỏng trong giám sát là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công tiếp tục tăng cao, trong khi hiệu quả lại không như mong muốn.
Luật Ngân sách nhà nước năm 2004 quy định việc phân bổ vốn đầu tư được giao chủ yếu cho các ngành và các địa phương, nhằm tạo chủ động cho các đơn vị. Các dự án nhóm A, B, C đều được phân chia cho các ngành và địa phương tự xét duyệt, chỉ có một số rất ít do Thủ tướng phê duyệt. Đây chính là kẽ hở khiến cho việc ra quyết định đầu tư công nhiều khi khá tùy tiện, thiếu trách nhiệm; phá vỡ quy hoạch quốc gia, đầu tư dàn trải, lãng phí.
Trong khi đó, quá trình giám sát, kiểm tra đầu tư nhiều khi còn chiếu lệ, mang tính hình thức, không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2011 chỉ có 110/124 cơ quan gửi báo cáo về giám sát đầu tư công, đạt tỷ lệ 88,7%; thấp hơn so với năm 2010. Tổng hợp số liệu từ các báo cáo này, hiện có 26.125 dự án trên tổng số 38.420 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, chỉ đạt tỷ lệ 68%. Điều này cho thấy công tác giám sát đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều chủ đầu tư chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, một số không báo cáo theo quy định, hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, ngay khi các báo cáo chưa chi tiết như lẽ ra cần phải thế, người ta cũng đã thấy nổi lên một vấn đề đáng lo ngại: Tình trạng chậm tiến độ diễn ra tại nhiều dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Riêng trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ; làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Cùng kỳ, các cơ quan chức năng đã phát hiện 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí (chiếm 0,38% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 2,69% tổng số dự án đang thực hiện.
Cần nói thêm rằng, ngay cả khi tiến hành cắt giảm khá quyết liệt, đầu tư công ở Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế - khoảng 38,9% năm 2011, phấn đấu giảm xuống 34% năm 2012. Ngược lại, hiệu quả của đầu tư công còn khá thấp. Những đồng tiền thuế của người dân phải được sử dụng một cách thận trọng, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
ANH THƯ