
Thay đổi một quan niệm, một định kiến vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ không hề đơn giản, đó là cả một quá trình dài và rất cần sự kiên trì, hợp tác của cả vợ và chồng. Hạnh phúc gia đình không cần quá rạch ròi trắng đen, phải trái, “vàng trắng hay xanh đen”, mà đơn giản chỉ là sự hòa hợp, cảm thông và chia sẻ với nhau giữa vợ và chồng.
Gặp một người bị viêm họng, bạn cho họ ăn kẹo, họ sẽ rất niềm nở, nhưng vô tình bạn lại làm cho căn bệnh của họ trầm trọng hơn. Cho họ một viên thuốc đắng, dù nó giúp họ hết bệnh ngay, nhưng họ sẽ từ chối uống nó. Nếu ta cho họ viên thuốc đắng nhưng bọc đường bên ngoài, họ vui vẻ đón nhận, khi lớp đường tan ra và thuốc phát huy tác dụng, họ sẽ khỏi bệnh. Cũng như khi gặp một người mà bạn muốn họ thay đổi để họ tốt hơn, bạn nói điều quá “ngọt” là hại họ, nói điều bạn nghĩ là đúng nhưng lại quá “đắng”, họ sẽ không thèm nghe. Dung dị giữa điều mình muốn nói và nói theo cách họ muốn nghe chính là cách tốt nhất. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nhận xét của một nhà văn đang gây xôn xao dư luận “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn!”. Lời nhận xét này có thể là viên thuốc quá “đắng lòng” với đa số cánh mày râu, nên lập tức nhận phải những phản ứng mạnh mẽ. Đề tài đàn ông vào bếp là chuyện “xưa như trái đất”, nhưng bản thân chuyện đó lại bao hàm nhiều chiều suy nghĩ, nhiều ý kiến, nhiều cách trả lời khác nhau.

Ảnh minh họa
Không ai có thể chăm sóc gia đình tốt bằng người phụ nữ
Từ cổ chí kim đến nay, tạo hóa đã phân chia rất rõ ràng đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm, truyền thống người phụ nữ Việt cũng thường gắn liền với nấu nướng, chăm con, giặt giũ… Đó gần như trở thành một thông lệ khó có thể thay đổi, và nếu thay đổi nó thì cũng không có một ai đảm nhiệm xuất sắc vai trò ấy hơn một người mẹ, người vợ. Cũng như việc sinh con, không một người đàn ông nào có thể thay thế được phụ nữ, cho dù có muốn thì cũng không bao giờ có được thiên chức tuyệt vời ấy. Đã bao lần tôi thử bước vào bếp và xắn tay áo lên, bảo vợ rằng “hôm nay để chồng trổ tài cho vợ xem” thì y như rằng sau khi hoàn thành công việc ấy, vợ tôi… không những phải xắn áo mà còn phải xắn quần lên để dọn dẹp “bãi chiến trường”. Thế mới hiểu được công việc nhà không hề đơn giản, rửa chén không chỉ là rửa chén, mà nó còn là cả một nghệ thuật, vì chén sạch thì ngon cơm. Một người chồng sau những giờ làm việc căng thẳng, về đến nhà thấy nhà cửa sạch sẽ, cơm nước đã sẵn sàng, thì bao phiền muộn cũng không cánh mà bay.
Người phụ nữ đôi khi rất khó tính, thấy chồng mình quên tắm một bữa là cau có mặt mày, nài nỉ “ Anh tắm đi cho mát…”, thấy nhà cửa bề bộn là khó chịu ra mặt, và bất chấp mọi thứ để nhảy vào dọn dẹp cho đến khi hài lòng thì thôi. Khi nhà cửa sạch sẽ, con và chồng có những bữa cơm ngon, gia đình êm ấm vui vẻ, thì lúc này họ mới mỉm cười, vì hạnh phúc của họ cũng chính là hạnh phúc của gia đình, là hạnh phúc của chồng, của con. Không ai bắt họ phải làm, nhưng họ vẫn cứ làm, và tôi cảm thấy thật may mắn khi được những bàn tay chu đáo ấy chăm sóc, đó là một hậu phương vững chắc để tôi, và những người đàn ông khác có thể lui về tổ ấm của mình sau một thời gian làm việc vất vả, và được nạp đầy năng lượng, chuẩn bị cho công việc của ngày mai. “Sau lưng một người đàn ông thành công bao giờ cũng có hình bóng của một người phụ nữ không ngồi không” là như vậy!
“Săn bắt và hái luợm” liệu có thể đổi chỗ với nhau?
Khi cuộc sống phát triển, phụ nữ dần trở nên dạn dĩ hơn và bắt đầu “lấn sân” những lĩnh vực mới, họ bắt đầu có những công việc ngoài xã hội, bắt tay vào những dự án, hợp đồng, và tạo ra những thành tựu to lớn không kém người đàn ông. Kinh tế gia đình giờ đây không còn do một vai người chồng, người cha gánh vác mà được san sẻ bớt bởi sự khéo léo và thông minh của người vợ, người mẹ. Cùng đảm nhiệm công việc tương đương, nhưng khi về nhà, người phụ nữ vẫn túi bụi trong bếp, còn đàn ông lại rảnh rỗi ngồi xem ti vi, đọc báo, hay nhậu nhẹt với bạn bè. Điều này đã dấy lên một cuộc chiến đòi công bằng cho phụ nữ, một nữ nhà văn với lối viết táo bạo cũng đồng tình với vấn đề này khi cho rằng “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn!”. Tôi tin rằng, rất nhiều người sau khi đọc xong lời nhận xét thẳng thắn trên đã “nóng mặt”, lập tức xuống bếp xung phong giúp vợ, và kết quả là chén rửa xong vẫn còn xà phòng, sàn nhà chưa quét mà đã lau, quần áo chưa kịp giặt đã nằm trên cây phơi đồ… Người vợ lại vất vả một phen đi theo dọn dẹp “bãi chiến trường” ấy. Một số khác đọc xong lời nhận xét trên lại cười nhạt, dè bỉu đàn ông vào bếp thì còn gì là đàn ông”.

Ảnh minh họa
Có thể ở những giây phút ban đầu, đàn ông phản ứng như thế cũng chỉ là một cách tự vệ tự nhiên, giống như đầu lưỡi vừa chạm vào một viên thuốc đắng, mặt ta sẽ nhăn nhó, khó chịu. Nhưng khi viên thuốc thấm vào cơ thể, nó lại giúp cho người bệnh khỏe hơn. Xin cảm ơn nhà văn nữ nọ đã một lần nữa đánh thức cái tôi của đàn ông, để sau những phản ứng quyết liệt kia, họ thấy yêu người vợ của họ hơn, họ bắt đầu tập thay đổi, bắt đầu biết sẻ chia, bắt đầu biết nhìn mọi việc một cách sâu sắc và tinh tế.
Thay đổi một quan niệm, một định kiến vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ không hề đơn giản, đó là cả một quá trình dài và rất cần sự kiên trì, hợp tác của cả vợ và chồng. Hạnh phúc gia đình không cần quá rạch ròi trắng đen, phải trái, “vàng trắng hay xanh đen”, mà đơn giản chỉ là sự hòa hợp, cảm thông và chia sẻ với nhau giữa vợ và chồng. Là người vợ, hãy thông cảm với chồng khi họ có lười biếng một tí nhưng vẫn tràn đầy tình thương và trách nhiệm. Là người chồng, hãy thông cảm với sự cực nhọc của người vợ khi vừa phải chăm sóc hậu phương, vừa phải lo cho tiền tuyến.
“Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn” chứ nói chi đến việc rửa bát cỏn con, đàn ông nhỉ!
Th.S Đào Lê Hòa An
(Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam)