Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng duy nhất không đem lại lợi ích mà chỉ gây bệnh tật và tử vong cho người dùng. Thuốc lá là ngành công nghiệp duy nhất giết hàng triệu người mỗi năm và trong thế kỷ qua đã lấy đi 100 triệu mạng sống trên toàn thế giới. Dù vậy, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục tồn tại bởi các quốc gia xem đây là một nguồn thu nhập.
Điều gây sốc là có thêm nhiều người hút thuốc trong thời đại ngày nay, dù biết thuốc lá gây ung thư, đau tim hoặc rối loạn chức năng cương dương. Không gì có thể ngăn chặn người hút thuốc lá và mỗi ngày có thêm hàng ngàn người bắt đầu hút thuốc. Hút thuốc là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, nhưng dịch bệnh này mới chỉ bắt đầu. Hãy xem một số số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tobacco Atlas - Quỹ Lá phổi thế giới (WLF), Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) về nguy cơ sức khỏe toàn cầu và đại dịch thuốc lá toàn cầu:
Thuốc lá đã giết 100 triệu người trong thế kỷ 20 và dự báo sẽ giết 1 tỷ người trong thế kỷ 21 nếu xu hướng hút thuốc hiện nay tiếp tục. Thuốc lá giết 6 triệu người mỗi năm, hơn 5 triệu người trong số đó chết do hậu quả trực tiếp từ hút thuốc trong khi hơn 600.000 người chết do hậu quả gián tiếp (hút thuốc thụ động).
Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó ít nhất 250 hóa chất gây hại và ít nhất 50 hóa chất gây ung thư. Bất cứ ai cũng có thể hít khói thuốc trong không khí. Chỉ hơn 1 tỷ người, tức khoảng 16% dân số thế giới, được bảo vệ bởi các luật cấm hút thuốc hiệu quả. Gần phân nửa số trẻ em phải hút thuốc thụ động ở những nơi công cộng. Trên 40% số trẻ em có ít nhất cha hoặc mẹ là người hút thuốc. Trẻ em chiếm 28% số ca tử vong do hút thuốc thụ động trong năm 2004. Cứ mỗi 6 giây có khoảng 1 người chết do thuốc lá, chiếm 1/10 số ca tử vong người lớn. Khoảng phân nửa số người hút thuốc hiện nay cuối cùng sẽ chết do các bệnh liên quan thuốc lá. Nếu không có các hành động khẩn cấp, số tử vong do thuốc lá hàng năm đến năm 2030 sẽ tăng lên hơn 8 triệu người mỗi năm.
Gần 80% trong số 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan thuốc lá cũng lớn nhất. Người hút thuốc chết sớm làm gia đình họ mất thu nhập, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và cản trở phát triển kinh tế. Ở một số quốc gia, trẻ em trong các gia đình nghèo thường được sử dụng trong việc trồng thuốc lá để cung cấp thu nhập cho gia đình. Những trẻ em này đặc biệt dễ bị bệnh “thuốc lá xanh”, do nicotine được hấp thụ qua da khi làm việc với lá thuốc lá tươi.
Dù có các chương trình chống hút thuốc mạnh mẽ ở các nước thu nhập cao, tiêu thụ thuốc lá vẫn tăng trên toàn thế giới. Ngay ở Mỹ, tỷ lệ hút thuốc vẫn cao trong số người nghèo. Người ta tiếp tục hút thuốc ngay cả khi có các nghiên cứu cho thấy thói quen này giết phân nửa số người hút thuốc.
Thuốc lá gây hơn 20% số ca tử vong ở những người trên 30 tuổi tại một số nước, gồm Mỹ. Hút thuốc đứng thứ hai, chỉ sau cao huyết áp, trong số các yếu tố gây nguy cơ sức khỏe. Top 5 các yếu tố này là huyết áp cao, hút thuốc, đường huyết cao, vận động ít, thừa cân và béo phì.
Người hút thuốc tiêu thụ 5.900 tỷ điếu trong năm 2009, nếu chia cho tất cả số người đang sống, mỗi người sẽ “được” 865 điếu. Ở một số quốc gia như Nga và Trung Quốc, trung bình mỗi người hút hàng ngàn điếu thuốc mỗi năm. Tiêu thụ thuốc lá bình quân đầu người năm 2009 (trên tổng dân số, chỉ tính thuốc điếu) của Nga ở mức trên 2.500 điếu và của Trung Quốc ở mức 1.500-2.499 điếu.
Nạn dịch thuốc lá tệ hại hơn nhiều ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ người hút thuốc ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể tăng trong nhiều thập niên trước khi đạt đỉnh.
Phụ nữ, vốn hút thuốc ít hơn nam giới trong hầu hết các quốc gia, có thể có một sự gia tăng thậm chí còn ấn tượng hơn về tỷ lệ hút thuốc và số ca tử vong ở các nước có thu nhập thấp.
Thiếu niên trai nhóm tuổi 13-15 hút thuốc ở mức 30% hoặc hơn ở một số nước, ở Mỹ cũng có khoảng 10% trẻ trai độ tuổi này hút thuốc. Hiện nay thiếu niên gái nhóm tuổi 13-15 hút thuốc gần như bằng thiếu niên trai, một điểm đáng báo động về sự gia tăng trong tương lai số phụ nữ trưởng thành hút thuốc.
Thuốc lá không khói (thuốc lá điện tử), cũng gây chết người, chiếm một phần đáng kể và mức sử dụng ngày càng tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở Nam Á. Tỷ lệ người lớn hút thuốc không khói ở Nam Á năm 2010 ở mức hơn 20%.
TRÂN NGUYÊN
Nhãn cảnh báo giúp bỏ thuốc
Nhãn cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá có thể tác động người hút nỗ lực bỏ thuốc ngay cả khi họ cố gắng tránh nhìn nhãn đó, theo một nghiên cứu mới. Khảo sát hàng ngàn người trưởng thành hút thuốc tại 4 quốc gia, nghiên cứu phát hiện nhãn cảnh báo nhỏ và chỉ gồm chữ như trên vỏ bao thuốc lá ở Mỹ nhắc nhở người hút phải suy nghĩ về nguy cơ sức khỏe của việc hút thuốc, và những người thường xuyên chú ý nhãn cảnh báo có nhiều khả năng nỗ lực bỏ thuốc. Nhãn cảnh báo lớn hơn, in hình ảnh như ở những nước khác, chẳng hạn Úc, tốt hơn khi thu hút được sự chú ý của người hút và thúc đẩy họ nỗ lực bỏ thuốc. “Các nhãn cảnh báo rất khác nhau giữa các quốc gia nhưng rõ ràng một khi người hút nhìn thấy các nhãn, họ có cùng quá trình tâm lý và cảm xúc làm họ cân nhắc việc bỏ hút”, theo tác giả chính của nghiên cứu, Hua-Hie Yong, Hội đồng Ung thư Victoria ở Úc.
Theo nghiên cứu, với những người hút thuốc quan tâm nhãn cảnh báo, chỉ nhìn thấy chúng đủ làm họ suy nghĩ về những rủi ro sức khỏe do hút thuốc, làm họ ít có khả năng hút thuốc. Những người không suy nghĩ nhiều về những rủi ro sức khỏe do hút thuốc có nhiều khả năng nói rằng những rủi ro đó là phóng đại, họ cũng có nhiều khả năng nói rằng mình hút thuốc quá nhiều nên không thể bỏ. Tuy nhiên, những người hút thuốc cố tình tránh nhãn cảnh báo bằng cách che hoặc giữ nó ngoài tầm mắt vẫn cho biết họ thường suy nghĩ về những rủi ro sức khỏe do hút thuốc và về việc bỏ hút. “Điều này chỉ để chứng minh ý tưởng rằng người ta càng cố gắng không nghĩ về điều gì đó, người ta càng có xu hướng tập trung vào nó”, Yong nói.
Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát qua điện thoại với 5.000 người hút thuốc ở Mỹ, Úc, Canada và Vương quốc Anh từ năm 2007 đến 2009, tiếp tục theo dõi họ 1 năm sau đó. Khảo sát quốc tế ở 4 quốc gia này nằm trong một nghiên cứu đánh giá tác động của các chính sách kiểm soát thuốc lá trên thế giới.
Theo WHO, chỉ 30 quốc gia, đại diện cho 14% dân số thế giới, có nhãn cảnh báo bằng hình ảnh tốt nhất, bao gồm ngôn ngữ địa phương và hình ảnh ít nhất phân nửa mặt trước và sau vỏ bao thuốc lá. Hầu hết các quốc gia này có thu nhập thấp hoặc trung bình.
HẢI ANH