Thương lắm, Đam Rông!

Phòng mổ “ba không”
Thương lắm, Đam Rông!

Được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 xã vùng sâu của hai huyện Lạc Dương và Lâm Hà, Đam Rông được biết đến là địa phương nghèo, nhiều khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng và cũng là huyện nghèo nhất nước hiện nay. Ở đó, ngay cả những cán bộ “xịn nhất” là các y bác sĩ cũng đang phải sống cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Nhưng trong suốt những năm qua, chưa có ai rời bỏ vị trí của mình để đi tìm cuộc sống tốt hơn ở nơi khác. Bởi trong họ còn có tình yêu lớn hơn, thiêng liêng hơn với nghề và mong ước góp chút sức mình làm vơi nỗi cơ cực cho người dân nơi đây.

Vào một ngày cuối tháng 5-2005. 19 giờ, một sản phụ được đưa đến trung tâm trong tình trạng sức khỏe đã rất yếu. Chẩn đoán cho thấy thai ngang, chỉ định cấp thời là phải mổ. Nhưng ngay sau chỉ định ấy, các bác sĩ cũng đành nhìn nhau tuyệt vọng vì phòng mổ không đủ điều kiện. Vậy là tức tốc tăng cường đội ngũ, đưa bệnh nhân chuyển viện gấp.

Những người ở nhà đứng ngồi không yên vì không biết liệu có kịp? 30 phút sau, chuông điện thoại của bác sĩ giám đốc reo vang. Tin báo từ đội ngũ đi cấp cứu: Xe đã đi được 40 cây số, đường xấu, xóc nhiều, không hiểu sao thai nhi đã xoay thuận được nên quyết định đưa vào trạm y tế xã cho sinh! Cả trung tâm thở phào!

Phòng mổ “ba không”

Vượt lên mọi khó khăn cuộc sống, các bác sĩ vẫn gắn bó với trung tâm và chắt chiu mọi thứ có thể để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong ảnh là bác sĩ Chil H’Ban - Trưởng khoa Khám bệnh đang khám cho một trẻ bị thoát vị cuống rốn.

Vượt lên mọi khó khăn cuộc sống, các bác sĩ vẫn gắn bó với trung tâm và chắt chiu mọi thứ có thể để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong ảnh là bác sĩ Chil H’Ban - Trưởng khoa Khám bệnh đang khám cho một trẻ bị thoát vị cuống rốn.

Huyện Đam Rông được thành lập từ tháng 11-2004, cũng trong thời gian ấy, trung tâm y tế huyện đi vào hoạt động với 2 dãy nhà cấp 4 của phòng khám đa khoa khu vực huyện Lạc Dương cũ để lại. Trang thiết bị cho trung tâm lúc đó còn rất nghèo nàn, chỉ bao gồm: một máy chụp X quang; một máy siêu âm trắng đen; một máy hút đàm nhớt và vài bàn khám.

Trong kết cấu hạ tầng khu vực điều trị, trung tâm cũng có phòng mổ, nhưng là phòng mổ “ba không”: không có máy cắt đốt đơn cực, không có máy giúp thở, không có monitor theo dõi bệnh nhân và thậm chí bàn rửa tay tiệt trùng cũng không có nốt… Phòng mổ vì thế xem như bị vô hiệu hóa, chỉ có thể mổ triệt sản trong những lần có các bác sĩ tuyến trên về với cả đống đồ nghề phụ trợ đem theo.

Ký ức của những người tình nguyện đầu tiên đến vùng đất này như bác sĩ Phan Thanh Thành, Phó Giám đốc Trung tâm y tế, vẫn rõ mồn một: Ngày đầu vào, nhìn cơ ngơi của trung tâm, nhiều anh em nản đến mức chỉ muốn quay về ngay. Không chỉ vì những khó khăn trước mắt mà điều đáng ngại hơn là không biết mình sẽ làm được gì cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Thành, cán bộ y bác sĩ của trung tâm phần lớn được tăng cường đến từ các huyện Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương và cả thành phố Đà Lạt. Hầu hết mọi người trước khi vào đây đều đã có công việc ổn định ở những thành phố, huyện thị sầm uất hay những vùng đất trù phú, tiềm năng kinh tế tốt hơn.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần tình nguyện, nhưng nhiều người cũng không khỏi sốc khi phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn trong những ngày đầu về đây.

Y sĩ trẻ Phan Thị Nhữ, 26 tuổi, tình nguyện từ Lâm Hà vào đây, kể lại: “Mấy năm đầu, phòng tập thể còn không có mà ở, bọn em phải che tạm cái lều ở miếng đất phía sau. Trưa thì nắng hầm hập, chiều thì gió thổi đất cát vào lều, ngày nào về cũng phải dọn dẹp đến tối mịt. Nhiều đêm mấy chị em buồn quá, nhớ nhà chỉ biết ôm nhau khóc. Năm 2006, Sở Y tế tỉnh xuống thăm, thấy thương quá nên cho kinh phí xây mấy phòng tập thể này. 5-6 người ở chung một phòng 16m², dù chật chội nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với thời ở lều”. 

Chợ phiên 5 phút!

Với tỷ lệ 80% hộ đói nghèo theo tiêu chí mới, 70% dân số là người dân tộc thiểu số, đa phần người dân ở Đam Rông đều được hưởng chính bảo hiểm y tế cho người nghèo do nhà nước hỗ trợ. Nhưng công tác khám chữa bệnh vẫn rất khó khăn khi người dân chưa có ý thức chủ động tìm tới bác sĩ.

Chính vì vậy, trong những ngày đầu nhận nhiệm sở ở vùng đất này, một trong những việc đầu tiên mà các y bác sĩ phải làm là học tiếng đồng bào để làm quen và vận động bà con. “Ở đâu người ta sợ nạn “phong bì” hay chạy sô mở phòng khám tư chứ ở đây, chúng tôi miễn nhiễm rồi” – bác sĩ K’Ngọc Hùng, Giám đốc trung tâm nói vui.

Ở đây, ngoài giờ trực, có bác sĩ nào muốn làm thêm thì chỉ có nước đi cuốc đất, làm cỏ hay đến mùa thì đi hái cà phê cho bà con, vừa để vui chân vui tay, vừa có thể đổi lấy bó rau, quả cà hay con gà cải thiện đời sống chứ không thể làm gì thêm để tăng thu nhập.

Thu nhập bình quân của các y bác sĩ chỉ vào khoảng 2 triệu đồng/tháng, mọi thứ đều phải trông vào lương, phụ cấp độc hại chứ không có bất cứ một khoản thêm nào khác. Lúc trước còn có 70% phụ cấp thu hút của tỉnh dành cho ngành y tế và giáo dục, nhưng năm ngoái ngành y tế bị cắt. Huyện đang đề xuất xin lại, chưa biết kết quả ra sao.

Thu nhập đã ít càng lại càng khó khăn hơn khi hầu hết anh em trong trung tâm đều sống xa gia đình, cơm đã phải chia 2 nồi, chi phí phát sinh cũng nhiều hơn. Việc tổ chức bữa ăn ở đây lại khá chật vật khi mà cả huyện đến giờ cũng chưa có chợ.

Chuyện mua thực phẩm chỉ trông chờ vào người lái buôn với 2 sọt toòng teng trên chiếc xe Honda 67, mỗi sáng vội vã đi qua những con đường và dừng lại mỗi điểm buôn bán trong thời gian ngắn ngủi. Anh em trong trung tâm gọi đó là “chợ phiên 5 phút”. Sáng nào kịp tranh thủ ra “chợ phiên” thì còn có đồ ăn tươi (mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thịt heo, cá hấp, rau, đậu). Còn không thì tiếp tục “chiến đấu” với cá khô hay trứng chiên qua ngày.

Giá cả của “chợ phiên 5 phút” thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với chợ huyện kế cận, nhưng cũng phải mua vì không còn lựa chọn nào khác. “Ngặt nỗi là thu nhập của mình đã ít ỏi, với giá cả như thế lại còm cõi hơn nữa” – y sĩ Nhữ tâm sự. Nhiều người muốn đưa gia đình vào đây lập nghiệp, ổn định cuộc sống cũng rất khó. 

Tất cả vì bệnh nhân

Căn phòng tập thể chật hẹp với 5-6 người ở đến nỗi chỗ ngủ cũng là vấn đề lớn mỗi khi có khách ở xa ghé thăm.

Căn phòng tập thể chật hẹp với 5-6 người ở đến nỗi chỗ ngủ cũng là vấn đề lớn mỗi khi có khách ở xa ghé thăm.

Chiều muộn. Cúp điện. Chẳng biết làm gì hơn, anh em y bác sĩ túa ra sân khu tập thể hóng gió và hát nghêu ngao. Tiếng là ở Tây Nguyên, nhưng do nằm lọt thỏm trong vùng lòng chảo nên ở Đam Rông cũng oi bức không thua gì các tỉnh đồng bằng.

Bác sĩ Hùng cho biết, hiện nay huyện vẫn phải xài ké đường điện của bên Đắc Lắc nên điện rất chập chờn, cắt cúp liên tục. Hồi mới đến, có khi điện cúp 3 ngày liền. Khổ nỗi là nước ở đây lại là nước giếng bơm nên cúp điện là mọi sinh hoạt khác cũng phải ngừng lại. Mỗi khi cúp điện cả ngày, cánh đàn ông còn có thể ra sông ra suối tắm rửa chứ mấy chị em phụ nữ thì đành chịu.

Nhiều năm qua, đội ngũ “cán bộ xịn” này vẫn sống trong cơ ngơi tạm bợ, thiếu thốn trăm bề, chật chội đến nỗi chỗ ngủ cũng trở thành “vấn đề” khi có khách ghé thăm đột xuất. Vậy mà mỗi khi huyện hay tỉnh hỏi có đề xuất gì thì anh em lại chỉ chú tâm chuyện xin trang thiết bị hay công trình phục vụ cho bệnh nhân.

Cả trung tâm có 3 dãy nhà với 19 phòng bao gồm cả phòng chức năng và khối phòng điều trị với 25 giường bệnh (so với chỉ tiêu là 50 giường). Nhiều phòng chức năng được tận dụng tối đa, ưu tiên số 1 cho việc khám chữa bệnh, ngay cả dãy tập thể của cán bộ trung tâm vốn đã rất chật hẹp cũng bị rút lại 1 phòng nhường chỗ để làm kho vaccine sinh phẩm…

Chuyện thiếu trang thiết bị phục vụ công tác điều trị khiến nhiều y bác sĩ nơi đây bứt rứt không yên, nhất là mỗi khi có ca bệnh mà đội ngũ ở trung tâm biết rằng mình hoàn toàn có thể giải quyết được, nhưng vì không có đủ trang thiết bị lại phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh rồi… lo, bởi chặng đường từ trung tâm y tế huyện lên bệnh viện tỉnh đằng đẵng cả trăm cây số.

Cả trung tâm có 12 bác sĩ, chuyên môn khá vững nhưng chỉ có thể giải quyết được sơ cứu là chính, còn can thiệp ngoại khoa hoặc chuyên sâu hơn thì đành bó tay. Hồi đầu tháng 3-2009, khi trung tâm được giao nhận 1 máy sinh hóa, nhiều cán bộ mừng muốn rơi nước mắt. Theo bác sĩ K’Ngọc Hùng, có máy này, các bác sĩ sẽ được hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán, theo dõi kết quả điều trị, đánh giá tiên lượng để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Gạt hết những khó khăn của cuộc sống riêng tư, bác sĩ Hùng tâm sự: “Điều mơ ước nhất của tôi cũng như nhiều cán bộ trung tâm hiện nay là được trang bị một phòng mổ đạt yêu cầu và một nhà ăn cho bệnh nhân nội trú. Ở đây hàng quán không có, căng tin bệnh viện cũng không, người nhà bệnh nhân vẫn phải nấu ở bếp tạm ngoài trời, vào mùa mưa càng khó khăn hơn”. Anh nói và chỉ về phía nơi căn bếp ọp ẹp dựng tạm, ánh mắt xa xăm những nỗi niềm.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục