Nhạc sĩ Phạm Văn Nam bộc bạch: “Năm 1997, tôi viết những nốt nhạc đầu tiên trên thơ Thường Đoan. Năm 2007, tôi phổ một số ca khúc trong đó có bài Khúc đêm, thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Thời gian vô tình trôi, mãi đến 2017 tôi mới in được Khúc đêm, gọi là tạm kết nợ 20 năm bén duyên với thơ của Thường Đoan”.
Sống thanh bần vì quá yêu thơ
Phạm Văn Nam có lẽ là một trong nhiều nhạc sĩ có niềm mê đắm nhất định với thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Nhiều bài thơ của Thường Đoan được các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phú Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Hữu Bích, An Thuyên, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Tôn Nghiêm, Vũ Hoàng… chắp thêm giai điệu, trở thành những ca khúc quen thuộc với nhiều người. Thơ được bay xa và tên tuổi tác giả được nhiều người biết là thế, song Thường Đoan vẫn rất lặng thầm...
Tôi biết nhà thơ Thường Đoan gần 20 năm trong khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo (Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM) khi ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng. Lần nào cũng thấy một người phụ nữ cho mèo ăn. Khi đó, khu đất 81 Trần Quốc Thảo có rất nhiều mèo hoang tụ về kiếm sống, phần vì chờ thức ăn thừa của quán, phần vì có nhà thơ Thường Đoan. Người phụ nữ cần mẫn cho mèo ăn hàng ngày trong hàng chục năm đó được bầy mèo xem như người thân.
Một dạo đi dự các sự kiện có tiệc chiêu đãi, cuối buổi, Thường Đoan hay gom thức ăn thừa đem về. Hành động này khiến nhiều người thấy kỳ lạ vì không ai biết rằng, chị đem thức ăn thừa về cho những con mèo vô chủ ở 81 Trần Quốc Thảo. Nhà văn Mạc Can kể: “Tôi hay ngồi uống trà đá trong 81 Trần Quốc Thảo và quan sát nhà thơ Thường Đoan cho mèo ăn. Hình ảnh chị Thường Đoan và những con mèo này đã giúp tôi viết tập truyện Bầy mèo vô sinh. Tôi chưa thấy ai thương chó, mèo như Thường Đoan. Biết ai ăn thịt chó, mèo là chị phản ứng liền”.
Động vật cũng có linh tính biết người hiền kẻ dữ, bầy mèo ở 81 Trần Quốc Thảo ngày càng đông lên do chúng sinh sôi và tiếng gọi bầy đàn để những chú mèo hoang từ nơi khác tìm về dưới sự đùm bọc của Thường Đoan. Người sống hiền lành, tốt tánh như thế nên được nhiều người yêu mến cũng là điều dễ hiểu. Một dạo, có cậu bé lưu lạc từ Quảng Trị vào làm bồi bàn cho quán cà phê. Thấy cậu bé chăm chỉ và hay đọc sách tiếng Anh, Thường Đoan đi đâu thấy sách tiếng Anh đều xin đem về cho cậu. Cậu bé ngày nào giờ đã có việc làm tốt hơn nhờ vốn tiếng Anh tự học trong những cuốn sách mà nhà thơ Thường Đoan đem cho. Nếu không quan tâm bằng tình thương yêu dành cho người khác, làm sao Thường Đoan có những việc làm rất nhỏ mà ý nghĩa như thế?
Nhà thơ Thường Đoan có lúc làm nghề buôn bán vải ở chợ Tân Bình. Thời đó, làm chủ sạp vải trong chợ được kể như giàu có, nhưng phú quý ngày càng giật lùi với nữ nhà thơ. Từ làm chủ một sạp vải, Thường Đoan xin về Báo Văn nghệ TPHCM, lúc đầu làm quảng cáo, rồi làm phóng viên viết mảng văn hóa. Có lẽ vì quá yêu thơ nên chị đã chọn công việc và cuộc sống thanh bần hơn là buôn buôn bán bán. Biết chị gần 20 năm, vẫn thấy chị chạy chiếc xe máy rẻ tiền mà hiện nay ít còn thấy trên đường phố và ở bãi xe các công sở. Cuộc sống thanh bần, đôi khi thiếu thốn nhưng chưa bao giờ thấy chị hé răng kể lể như một số nghệ sĩ đã từng làm nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của người hâm mộ.
Không đem kỷ niệm đi bán
Danh họa Lưu Công Nhân lúc sinh thời có rất nhiều bóng hồng ngồi mẫu để ông vẽ tranh. Trong số này có nhà thơ Thường Đoan. Một lần có người muốn mua tranh Lưu Công Nhân nhưng không biết mua ở đâu để đảm bảo tranh thật, vì tranh Lưu Công Nhân và nhiều danh họa bị làm giả quá nhiều. Tôi nói ở đâu không biết chắc chắn, nhưng tranh Lưu Công Nhân của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đảm bảo thật. Nói rồi sợ còn thiếu sót, tôi gọi điện hỏi, nhà thơ cho biết vẫn còn lưu tranh của danh họa Lưu Công Nhân vẽ tặng. Chợt nghĩ, dù khi túng thiếu đến đâu nhà thơ Thường Đoan cũng không nỡ đem tranh đi bán, mà ai lại đem bán kỷ niệm bao giờ!
Không chỉ danh họa Lưu Công Nhân, nhiều nghệ sĩ lớp trước cũng rất yêu quý Thường Đoan và sẵn sàng chia sẻ với chị những chuyện riêng tư, trong đó có tác giả Em ơi, Hà Nội phố!. Phan Ngọc Thường Đoan kể: “Phan Vũ nói với tôi “thỉnh thoảng anh có một chuyện tình…”. Nghe hấp dẫn chưa? Nhưng đừng vội mà thích nhé, cũng chớ vội mà phê phán nhé. Vì chuyện tình của anh thật là nghệ sĩ, thật là thanh khiết, nó không có “chất chồng - vợ, đàn ông - đàn bà” trong đó, mà nó là hai ly nước, một ly cà phê và một ly sinh tố, cùng tan vào màu vàng của chiếc lá vừa rụng khẽ xuống trước mặt họ. Cùng bay theo ngọn gió luồn lách dưới gầm bàn khiến hai bàn chân lành lạnh trên đường về, mà bên cạnh không có chiếc bóng song hành”.
Theo nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhà thơ Phan Vũ thuộc lòng bài thơ đầu tay mang tên Bình vỡ viết năm 1956 nhưng lại quên Em ơi, Hà Nội phố! viết vào năm 1972. Gần nửa thế kỷ Em ơi, Hà Nội phố! mới được công khai trên báo. Nhà thơ Phan Vũ cho biết: “Bài này anh làm vào tháng chạp năm 1972, khi Mỹ trút bom xuống Hà Nội. Điều anh muốn nói trong bài thơ này là dẫu thế nào “vẫn còn em”, tức là “vẫn còn Hà Nội”. Chính vì lâu quá nên nhà thơ Phan Vũ không thể nhớ Em ơi, Hà Nội phố! mỗi khi đọc trước công chúng và Em ơi, Hà Nội phố! có nhiều dị bản là vì thế!