Tiền ảo và khoảng trống pháp lý - Bài 1: Sôi động thị trường đồng tiền số

LTS: Tiền ảo, tiền điện tử hay đồng tiền số… là những cách gọi khác nhau cho một loại tiền mã hóa nhờ phần mềm máy tính, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009. Trước sức hút của loại tiền này, ngày càng nhiều nhà đầu tư Việt Nam lao vào các cuộc mua-bán, đầu cơ với giấc mộng triệu phú.
Không thể phủ nhận tiền ảo đã và đang tạo ra cuộc cách mạng quy mô toàn cầu trong giao dịch tiền tệ, nhưng đi kèm với đó là môi trường thuận lợi cho vô vàn hoạt động gian lận, lừa đảo. Vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo iFan bị phát giác vừa qua tại TPHCM chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi các cuộc giao dịch vẫn âm thầm diễn ra khi những khoảng trống pháp lý rất khó bịt kín. 
Tiền ảo và khoảng trống pháp lý - Bài 1: Sôi động thị trường đồng tiền số ảnh 1 Giao dịch Bitcoin trên máy BTM tại quận 1, TPHCM 
 Không chỉ có Bitcoin rực đỏ (giảm giá) mà cả thế giới tiền kỹ thuật số cũng như vậy với tốc độ dưới 10% trong ngày 11-5. Càng về cuối bảng xếp hạng theo vốn hóa thị trường, tốc độ giảm cao xuất hiện càng nhiều khiến các nhà đầu tư “không thể vui vẻ”. Lời cảnh tỉnh từ chính người chơi là: Ở các sàn giao dịch trên mạng, bảng giá niêm yết cũng xanh -  đỏ (giảm giá) hàng giờ và giá trị tiền ảo không những chịu sự chi phối bởi các sự kiện kinh tế thế giới quan trọng, mà còn bị thao túng bởi các nhà đầu cơ lớn hay chính phủ. 
Tiền ảo nhưng giá trị thật Tiền ảo là phát minh của thời kỳ Internet, ra đời khi con người nảy ra suy nghĩ “có một hệ thống tiền tệ không bị ràng buộc bởi yếu tố địa lý hay chính phủ”. Đến nay, thế giới ghi nhận sự tồn tại của hơn 3.000 loại tiền ảo khác nhau. Tại Việt Nam, các loại tiền ảo thông qua quảng cáo từ các sàn giao dịch cũng cho thấy khá đa dạng về chủng loại, giá trị lẫn mức độ chênh lệch sau quy đổi. Giới đầu tư tiền ảo trong nước vẫn cứ hay mách nhau nên chọn đồng tiền ảo nằm trong tốp 10 loại tiền phổ biến nhất, có thể kể ra như Bitcoin, Ethereum, Ripple, Bitcoin Cash… Giống với các loại tài sản khác (như chứng khoán hay bất động sản), giá của tiền ảo luôn biến động, có thể tạo ra những tỷ phú bất chợt hoặc phá sản chỉ sau vài giờ. Tuy nhiên, điều khác biệt là giá trị tiền ảo có tần số lần biến động và mức chênh lệnh giá ở hai thời điểm cao kỷ lục trong hệ thống tiền tệ thế giới, vượt xa suy đoán của giới đầu tư. Chẳng hạn như trong 12 tháng vừa qua, giá của 1 Bitcoin đã tăng từ khoảng 1.700USD lên khoảng 8.736USD (tương đương 500%). Cùng thời gian đó, 1 Ethereum đã đạt được mức tăng trưởng hơn gấp đôi, để đạt được giá trị dao động trong khoảng 691USD. Bitcoin Cash cũng tăng gần 3 lần từ 500USD vào tháng 8-2017, thành 1.385USD tại thời điểm hiện nay.  Theo cập nhật mới nhất từ Coinmarketcap, giá Bitcoin vào sáng 11-5 sụt giảm 4,2%, rơi xuống dưới 9.000USD/đơn vị, thấp nhất trong vòng hai tuần trở lại đây. Cần biết rằng cũng chỉ trước đó vài ngày, những nhà đầu tư dài hạn nắm giữ các đồng tiền điện tử đã tận hưởng một tuần đầy cảm xúc, khi Bitcoin và Ethereum dẫn đầu sự hồi phục của thị trường rộng lớn 450 tỷ USD. Anh Tr. - một nhà đầu tư Bitcoin ở quận 3 (TPHCM) cho hay, giá tiền ảo tăng - giảm đều được người chơi theo dõi liên tục theo thời gian thực. Với hình thức mua - bán ngắn hạn để hưởng chênh lệch, dù người chơi hầu hết sở hữu lượng tiền ít nhưng chọn sai thời điểm đầu tư là cũng mất vài chục triệu đồng. Còn với người chơi đã lâu như anh vẫn chưa tìm lại động lực sau cú rớt giá thê thảm hồi đầu tháng 2 của đồng Bitcoin (mức giá mua - bán của đồng tiền này về sát ngưỡng 8.500 USD, tương đương 200 triệu đồng/đồng Bitcoin, chưa tới một nửa so với mức 420 triệu đồng/đồng Bitcoin xác lập vào cuối năm 2017 - PV). Khi đó, nhiều nhà đầu tư Việt Nam không “mạnh vốn” đã bán tháo trước nguy cơ phá sản. 
Tiền ảo và khoảng trống pháp lý - Bài 1: Sôi động thị trường đồng tiền số ảnh 2 Giao dịch tiền ảo trên  điện thoại  di động
 Cũng theo anh Tr., việc mua bán tiền ảo tại Việt Nam ngày càng đơn giản, khi xuất hiện nhiều hơn các sàn giao dịch ảo (những sàn trung gian) mà người mới chơi có thể tìm thấy nhan nhản trên mạng. Họ chỉ việc đăng ký tài khoản trên các sàn; thực hiện các bước khai báo hành chính về loại “hàng”, ngân hàng… rồi tiến hành giao dịch. Mỗi giao dịch được ấn định một mã số. Mã số cũng là thứ duy nhất được “định danh”; còn ai mua, ai bán là bí mật. Cuộc giao dịch diễn ra chỉ trong vài phút. Tiền thật của người mua trở thành tiền ảo, tiền ảo người bán trở thành tiền thật trong ví ngân hàng của họ. 
Nhiều cách kiếm tiền  Vụ việc có thể nói là “tiếng tăm” nhất gần đây liên quan đến tiền ảo có lẽ là vụ việc hàng trăm người dân kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech ở TPHCM kèm theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh tố cáo công ty lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng. Ai sai ai đúng thì vẫn đang chờ các cơ quan chức năng điều tra, kết luận, song trong thế giới tiền ảo, đó vẫn được coi là một hình thức đầu tư thông qua tiền ảo - còn được gọi với cái tên ICO (đi kêu gọi vốn/tiền trước khi làm dự án). Liên quan đến vụ việc này, mánh khóe đa cấp đầy tiêu cực của đơn vị gọi vốn ở chỗ cam kết chia lợi nhuận đến 48%/tháng. Sau khi thu được số tiền lớn từ nhà đầu tư, Modern Tech bất ngờ tuyên bố thay đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi sang đồng tiền ảo iFan có “giá quy định” là 5 USD/đồng. Tiền này nhanh chóng chạm đáy với 0,01 USD/đồng chỉ sau đó một thời gian ngắn. Tiền đầu tư coi như mất trắng.  Anh N.H.P., một kỹ sư phần mềm có thời gian tìm hiểu sâu về tiền ảo, cho biết ICO chỉ là một dạng đầu tư tiền ảo. Phổ biến nhất ở Việt Nam là các cá nhân mua-bán qua mạng lưới hệ thống Blockchain riêng (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, LiteCoin...) vì cho rằng đây là những loại tiền có uy tín do được tạo ra từ các công ty lớn trong lĩnh vực tiền công nghệ. Nhất là hiện giờ nó vẫn có giá. Tiền lời có được từ mức chênh lệch trong mua - bán khi đồng tiền ảo tăng hoặc rớt giá. Nếu may mắn có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày, nếu mất cũng không quá nhiều. Một hình thức khác để sở hữu tiền ảo là giao dịch qua máy BTM đặt cố định tại một số quán ăn, nhà hàng. Cuối cùng có lẽ là “đào” tiền ảo. Thống kê mới nhất từ Cục Hải Quan TPHCM cho biết có 7.005 bộ máy đào tiền ảo đã được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2017.  Một cá nhân đào tiền ảo có “số má” ở Hà Nội bật mí: Giá mua một máy đào hiện khoảng 80-90 triệu đồng, chủ yếu là nguồn hàng từ Trung Quốc. Nếu mua máy lướt (đã dùng 1-3 tháng) chỉ từ 45 triệu đồng/máy quay đầu. Máy đào có 2 loại: loại chuyên dụng chỉ đào 1 đồng nhất định (AntMiners, Antminer s9 chuyên Bitcoin; Antminer L3+ chuyên Litecoin…) và loại đào tiền ảo tùy biến (dùng GPU để đào, công suất cao hay thấp còn tùy thuộc vào VGA mạnh hay yếu). 1 dàn máy dùng 6 VGA mỗi tháng thu được 150 - 200 USD (chưa trừ tiền điện, chỗ đặt, phí khấu hao) tùy vào từng thời điểm. Với việc giá đồng tiền ảo bị kéo xuống khá thấp, trong khi các mỏ để thợ đào khai thác ngày càng khan hiếm vì các thuật toán tăng độ khó khiến hoạt động đào tiền hiện không hiệu quả, lợi nhuận mang về rất thấp. Với những người mới đầu tư thì chấp nhận bán máy để thu hồi vốn; còn những người đã đầu tư từ hơn 2 năm thì vẫn giữ máy lấy lãi nhỏ, vì đã lãi khủng từ trước đó.
 Công khai mua bán Bitcoin
Từ lời giới thiệu của anh P., chúng tôi tìm đến một cửa hàng ăn uống gần ngã sáu Phù Đổng (quận 1, TPHCM). Bên trong quán này đặt một máy giao dịch Bitcoin. Tuy vậy, khách đến giao dịch khá ít ỏi. Qua tìm hiểu, máy BTM thời gian đầu khá đông khách, một phần vì lạ, phần vì phí giao dịch rẻ hơn nhiều so với cách giao dịch trực tuyến; bên cạnh đó, khách đến quán có thể thanh toán hóa đơn bằng chính tiền ảo. Thời điểm này, máy BTM tại quán ăn này chỉ cho phép mua chứ không cho bán. Nếu muốn mua Bitcoin thì khách hàng có thể giao dịch bằng đồng Việt Nam hoặc USD với số lượng Bitcoin không giới hạn. Tương tự như vậy là một BTM khác đặt tại quán B Coffee nằm tại đường Bùi Viện (quận 1). Khách du lịch nước ngoài là những khách hàng chính tại đây, với lý do ngại sử dụng tiền giấy.

Tin cùng chuyên mục