Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm

Theo các báo cáo chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, thực hiện giải ngân 9 tháng của cả nước đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn năm 2021 - là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 (47,38%).
3 chương trình mục tiêu quốc gia đều đạt kết quả giải ngân rất thấp. Ảnh minh hoạ
3 chương trình mục tiêu quốc gia đều đạt kết quả giải ngân rất thấp. Ảnh minh hoạ

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều phiên họp của UBTVQH, kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét một số nội dung cấp bách, bảo đảm tính kịp thời, song tại một số bộ, ngành, địa phương tiến độ giải ngân vẫn rất chậm.

Đến hết 9 tháng năm 2022, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân vốn nước ngoài 9 tháng đầu năm ước chỉ đạt 19,03% so với kế hoạch.

Một số bộ, cơ quan trung ương xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân (Bộ LĐTB-XH báo cáo đề nghị trả lại số vốn 173,155 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch được giao; Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52,7 tỷ đồng (tương đương đến 97,6% kế hoạch được giao)… Đáng lưu ý, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả rất thấp (ước giải ngân vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 2,68% kế hoạch).

Theo báo cáo của Chính phủ, số vốn đầu tư công năm 2023 tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 792.487 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 414.925 tỷ đồng, nhu cầu vốn ngân sách địa phương là 377.561 tỷ đồng.

Số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến cân đối được trong năm 2023 là 698.867 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 383.403 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 315.464 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến tăng 28,9% so với năm 2022, đáp ứng được 88,3% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mức bố trí như dự kiến của Chính phủ là khá tích cực. Đáng lưu ý, đây là mức tăng khá cao so với năm 2022, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để có thể đảm bảo nguồn thu và khả năng giải ngân vốn để tránh lãng phí.

Tin cùng chuyên mục