Trong 9 tháng qua ngành giao thông đã đưa 50 công trình vào khai thác. Trong đó, mới nhất là thông xe toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thông xe cầu vượt nút giao QL46 với đường sắt Bắc - Nam (tỉnh Nghệ An)... Đặc biệt, tại 2 dự án lớn nhất hiện nay là dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, phát sinh nhiều vấn đề nan giải như chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém… đã được Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ, khắc phục. Dự kiến năm 2015 Bộ GTVT sẽ hoàn thành mở rộng QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ và năm 2017 sẽ hoàn thành thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
Việc đẩy nhanh tiến độ để các dự án giao thông sớm phát huy hiệu quả là một thành công của ngành GTVT. Tuy nhiên, cùng với đó có hàng loạt sai phạm trong thi công vừa phát hiện đang khiến dư luận hết sức lo ngại về chất lượng công trình. Điển hình là vụ việc Tổng Công ty Công trình giao thông 1 Thanh Hóa, Công ty cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long đã thi công bê tông nhựa sau cơn mưa, ngay trên mặt đường ẩm ướt và đọng nước tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1A thuộc địa phận huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Sự việc tương tự cũng xảy ra trên công trường thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL1A thuộc địa bàn huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Các nhà thầu Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Viện Khoa học Công nghệ GTVT cũng thi công bê tông nhựa dưới trời mưa. Cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Xây dựng Đức Đạt Gia Lai tưới nhựa sai quy trình tại dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Phước...
Mặc dù Bộ GTVT đã nhanh chóng làm rõ sai phạm và xử lý những đơn vị liên quan, bao gồm xử lý trách nhiệm người đứng đầu, phạt tiền, cấm dự thầu theo quy định... Song câu hỏi đặt ra là, với hàng chục dự án lớn đang triển khai với tổng chiều dài các công trình lên tới hàng ngàn kilômét thì việc kiểm soát chất lượng đã thực sự chặt chẽ? Liệu có phải sai phạm nào cũng được phát hiện khi các lực lượng chức năng còn mỏng như hiện nay? Chưa kể tình trạng đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nhiều ngành, là các đơn vị chỉ làm đúng khi có đoàn kiểm tra và khi đoàn kiểm tra đi khỏi sai phạm lại tái diễn. Chính những sai phạm này đang khiến cho thành tích về tiến độ của ngành GTVT có thể bị nghi ngờ. Trên thực tế, rất nhiều dự án lớn được rút ngắn tiến độ nhưng vừa đưa vào khai thác đã có sự cố về chất lượng. Cụ thể, nhiều tuyến đường cao tốc vừa thông xe đã bị lún, nứt gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Những sự cố chất lượng này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả và sự an toàn trong khai thác công trình mà nguy hiểm hơn, nó còn đang làm hao tốn ngân sách, tổn hại đến danh dự, uy tín của ngành.
Vì sao hàng loạt các giải pháp kiểm soát chất lượng công trình giao thông chưa phát huy hiệu quả, đủ sức răn đe? Không thể phủ nhận tác động tích cực của những giải pháp mạnh mà Bộ GTVT đã đưa ra, tuy nhiên bên giải pháp đúng, quyết liệt còn phải có sự chuyển biến trong nhận thức của các cá nhân, đơn vị tham gia thực hiện dự án. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao ý thức của người thực thi công vụ, ý thức của các chủ thể tham gia dự án đã được đặt ra nhiều lần, trở thành khẩu hiệu hành động của ngành. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là đối với các ban quản lý dự án trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn do chủ đầu tư ủy quyền. Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng quy chế về trách nhiệm cụ thể đối với từng chức danh, cá nhân của ban quản lý dự án trong quá trình quản lý, thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra hiện trường từng dự án, chỉ đạo rà soát năng lực các nhà thầu xây lắp thi công chậm tiến độ, đề xuất cắt chuyển khối lượng hoặc thay thế các nhà thầu yếu kém, trọng điểm là các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
MINH DUY