Bình Thuận đang dẫn đầu các địa phương trong cả nước về số tàu cá được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hàng loạt chiếc tàu từ nguồn vốn vay hỗ trợ này đã được hoàn thành, giúp ngư dân vững vàng vươn khơi bám biển, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Ngày 16-6-2015, chiếc tàu cá công suất 500CV đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đóng mới bằng nguồn vốn vay hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ của ông Châu Minh Cương (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý) chính thức hạ thủy, đưa vào sử dụng. Tiếp đó, hàng loạt những “tàu 67” khác cũng lần lượt ra đời, đưa Bình Thuận trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. “Ban đầu tôi không nghĩ mọi chuyện lại thuận lợi đến thế. Nhưng khi chiếc tàu cá trên 5 tỷ đồng của tôi được hạ thủy thì tôi mới tin là sự thực. Từ đó cho đến nay, gia đình tôi yên tâm đi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1, mỗi chuyến trở về đều rất khả quan. Với tình hình này, chúng tôi sẽ dễ dàng trả nợ cho Nhà nước trong thời gian sớm nhất”, ông Cương cho biết.
Còn với ông Nguyễn Văn Quáng (thị xã La Gi), sau hơn 8 tháng hạ thủy “tàu 67” với số vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, ông đã hiện thực hóa ước mơ vươn khơi, đánh bắt hải sản ở những vùng biển xa mà bản thân đã nung nấu từ chục năm nay. “Ngày trước, gia đình tôi chỉ có chiếc ghe nhỏ để ra khơi nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi nghe có Nghị định 67 này, tôi quyết định phải làm một chiếc để ra khơi để vừa nâng cao năng suất vừa để biết biển đảo của ta rộng lớn đến nhường nào”, ông Quáng vui mừng nói.
Những con "tàu 67" đủ lớn để ngư dân an tâm bám biển.
Ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), cho biết, việc triển khai Nghị định 67 ở địa phương đã được thực hiện rất tốt. Ngư dân huyện đảo rất quan tâm về chủ trương này, nên hiện tại, đơn và số tiền xin vay vốn để đóng “tàu 67” đã vượt chỉ tiêu tỉnh phân bổ cho Phú Quý. Cụ thể, đến tháng 5-2016, Tổ thẩm định 67 ở huyện đảo đã họp xét 156 hồ sơ và có hơn 2/3 trong số đó được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Đến nay, Phú Quý đã có 33 trường hợp ngư dân đã tiếp cận nguồn vốn vay và được giải ngân 175 tỷ đồng; 25 tàu cá công suất lớn đã được đóng mới mới, chính thức được hạ thủy để khai thác ở các ngư trường xa trên vùng biển Đông. “Với kết quả đã có làm được, huyện đảo Phú Quý được xem là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh, cũng như cả nước về vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tuy vậy, hiện nhu cầu đóng “tàu 67” của bà con nơi đây còn rất lớn, nhưng chỉ tiêu đã hết và hiện vẫn phải chờ ý kiến của Trung ương”, ông Nhựt cho biết.
Tại TP Phan Thiết, hiện đã có 8 trường hợp đăng ký đóng mới, nâng cấp “tàu 67”. Trong đó, vào đầu tháng 5-2016, con tàu được đóng mới theo Nghị định 67 đầu tiên của TP Phan Thiết đã hạ thủy thành công, chính thức vươn khơi, mở ra bức tranh khai thác thủy sản với nhiều gam màu sáng. Từ đây, liên tiếp 2 tàu cá khác của ngư dân nơi đây cũng đang được gấp rút hoàn thành và 5 trường hợp khác đang chờ phê duyệt.
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, việc triển khai tốt Nghị định 67 ở địa phương trong thời gian qua ngoài sự đồng lòng của ngư dân và các cấp chính quyền thì vai trò của các ngân hàng trong việc nhanh chóng giải quyết thỏa đáng các thắc mắc của bà con đã giúp người dân mạnh dạn tiếp cận ngân hàng và được giải quyết cho vay nhanh gọn.
NGUYỄN TIẾN